Dù thế nào đi nữa, luật pháp quốc tế không cho phép sử dụng các biện pháp vũ lực để đáp trả một hành vi vi phạm nghĩa vụ quốc tế.
>>Ủng hộ Mỹ tấn công Syria: Nước cờ khôn ngoan của Pháp
>> Can thiệp vào Syria, Mỹ đang chơi dao nghịch lửa
LTS: Các thành viên Quốc hội Mỹ, hôm nay (9/9), tập trung tại Washington sau kỳ nghỉ hè kéo dài để bàn bạc và bỏ phiếu về một nghị quyết cho phép Tổng thống Barack Obama quyền tấn công Syria. Tuần Việt Nam xin giới thiệu một góc nhìn về chuyện can thiệp quân sự vào Syria, từ khía cạnh luật pháp quốc tế.
Sau những cáo buộc về việc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, sử dụng vũ khí hóa học tại ngoại ô Damascus ngày 21/8/2013, cướp đi mạng sống của hàng loạt thường dân,[1] các nước Phương Tây, đứng đầu là Anh và Hoa Kỳ, đang cân nhắc đến khả năng can thiệp vũ trang vào cuộc nội chiến tại Syria.[2] Việc sử dụng vũ khí hóa học, nếu có, đương nhiên phải bị lên án,[3] nhưng việc Chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến tại Syria có dẫn đến vi phạm nghĩa vụ quốc tế nào không là điều còn phải bàn cãi.
Dù thế nào đi nữa, luật pháp quốc tế không cho phép sử dụng các biện pháp vũ lực để đáp trả một hành vi vi phạm nghĩa vụ quốc tế.[4] Nói cách khác, việc can thiệp quân sự vào Syria cần dựa trên cơ sở pháp lý quốc tế khác và đây là điều đáng để quan tâm.[5]
Trước hết chúng tôi sẽ bàn đến khuôn khổ pháp lý cho việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế...
Khi nói đến việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, người ta thường tham chiếu đến Hiến chương Liên hợp quốc như là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Điều này là dễ hiểu do Hiến chương Liên hợp quốc được ký kết để thành lập một tổ chức có mục đích đầu tiên là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế nhằm "phòng ngừa cho những thế hệ tương lai khỏi thảm hoạ chiến tranh, đã xảy ra hai lần trong đời chúng ta, gây cho nhân loại đau thương không kể xiết".[6] Nguyên tắc cơ bản ghi nhận trong Hiến chương về vấn đề sử dụng vũ lực được thể hiện tại Điều 2(4) với nội dung như sau:
Tất cả các Thành viên [Liên hợp quốc] trong quan hệ quốc tế giữa họ phải tránh sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của bất kỳ Quốc gia nào, hoặc theo một cách không phù hợp với mục đích của Liên hợp quốc.
Điều 2(4) của Hiến chương nói trên - điều khoản được thừa nhận rộng rãi là thể hiện quy phạm có giá trị tập quán quốc tế[7] - đã đặt ra ngoài vòng pháp luật việc sử dụng vũ lực giữa các thành viên Liên hợp quốc (giờ đây đã bao gồm hầu hết các quốc gia trên thế giới). Nói cách khác, luật về sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế trước hết là nguyên tắc chung về cấm sử dụng vũ lực và các quy định khác của Hiến chương chỉ đưa ra hai ngoại lệ đối với nguyên tắc chung này.
Trong hai ngoại lệ đối với nguyên tắc chung về cấm sử dụng vũ lực, ngoại lệ quan trọng nhất được quy định tại Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc theo đó các quốc gia có thể sử dụng vũ lực để tự vệ. Phần cốt lõi của Điều 51 quy định:
Không có một quy định nào trong Hiến chương này làm tổn hại đến quyền tự vệ cá nhân hay tập thể chính đáng trong trường hợp Thành viên Liên Hiệp Quốc bị tấn công vũ trang cho đến khi Hội đồng Bảo an áp dụng những biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế...
Biểu tình phản đối can thiệp quân sự vào Syria ở thủ đô London ngày 31/8. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Hoa Kỳ, Obama, khi trả lời phỏng vấn dường như viện dẫn đến quyền tự vệ của Hoa Kỳ trong trường hợp can thiệp vào Syria khi nói rằng: "không có gì để nghi ngờ nữa, khi bạn bắt đầu thấy vũ khí hóa học được sử dụng trên diện rộng ... việc này bắt đầu tiến gần đến lợi ích quốc gia cốt lõi của Hoa Kỳ cả ở việc bảo đảm rằng vũ khí hủy diệt hàng loạt không được phổ biến lẫn ở sự cần thiết bảo vệ các đồng minh và căn cứ của chúng ta ở khu vực".[8] Nhưng theo quy định của Điều 51 nói trên, điều kiện tiên quyết cho việc thực hiện quyền tự vệ cá nhân hay tập thể đó là phải có "tấn công vũ trang" dù rằng vẫn còn tranh cãi trong các học giả rằng cuộc tấn công đó phải thực sự diễn ra hay chỉ cần ở mức độ nguy cơ là đủ để thực hiện cái gọi là quyền tự vệ phủ đầu hay phỏng đoán (pre-emptive/ anticipatory self-defence). (Tuy nhiên, thực tiễn quốc tế cho thấy, các quốc gia thường biện minh cho việc sử dụng vũ lực của mình trên cơ sở tự vệ đối với một cuộc tấn công thực sự và các hành vi tự vệ phủ đầu đều bị phản đối).[9]
Giao tranh ở Syria hiện nay vẫn giới hạn trong cuộc nội chiến giữa Chính phủ và phe đối lập và chưa có bằng chứng về một cuộc "tấn công vũ trang", hay đe dọa về cuộc tấn công, bắt nguồn từ Chính quyền của Tổng thống Assad nhằm vào Hoa Kỳ hay đồng minh của các nước này để Điều 51 của Hiến chương có thể được viện dẫn, biện minh cho hành vi can thiệp quân sự.[10]
Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, cơ sở pháp lý cho việc can thiệp quân sự vào Syria là viện dẫn ngoại lệ thứ hai đối với nguyên tắc chung về cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Ngoại lệ thứ hai này là việc sử dụng vũ lực trên cơ sở một nghị quyết do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua theo Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc - Chương có tiêu đề "Hành động trong trường hợp hòa bình bị đe doạ, bị phá hoại hoặc có hành vi xâm lược". Hội đồng Bảo an, cơ quan của Liên hợp quốc có chức năng chính trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, có quyền xác định việc tồn tại một tình huống đe dọa hòa bình, phá hoại hòa bình (chiến tranh) hay xâm lược[11] đồng thời có thể quyết định về những biện pháp trấn áp, kể cả sử dụng đến vũ lực,[12] để đối phó với tình huống như vậy.
Trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, cơ chế thực hiện các biện pháp trấn áp trên cơ sở nghị quyết theo Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc (thường được biết đến với tên gọi cơ chế an ninh tập thể của Liên hợp quốc) không phát huy tác dụng. Phải từ thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước, Liên hợp quốc mới có những nghị quyết cho phép tiến hành những hoạt động quân sự, thông thường là hạn chế, để can thiệp vào các tình huống được coi là đe đọa đến hòa bình, chiến tranh hay hành vi xâm lược. Ví dụ điển hình và được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử quan hệ quốc tế là của việc sử dụng vũ lực theo Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc là Chiến dịch bão táp sa mạc trong Cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991.
Mặt khác, trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, khi cơ chế an ninh tập thể của Liên hợp quốc không phát huy tác dụng, một số quốc gia, đi đầu là Anh,[13] đã tìm cách biện minh cho hoạt động quân sự của mình chống lại các quốc gia khác bằng cái gọi học thuyết "can thiệp nhân đạo". Trước những khó khăn trong việc có được một nghị quyết của Hội đồng Bảo an, học thuyết này lại được Anh nói đến trong trường hợp Syria hiện nay. Nhưng liệu cái gọi là học thuyết "can thiệp nhân đạo" có đem lại quyền cho một quốc gia được tiến hành hành vi vũ lực chống lại quốc gia khác trong luật pháp quốc tế hay không?
Kỳ tiếp: Can thiệp nhân đạo hay "học thuyết trách nhiệm bảo vệ".
Nguyễn Đăng Thắng
[1] Xem "Khí độc "giết hàng trăm người" Syria, HĐBA họp khẩn", Vietnamnet ngày 22/8/2013, tại http://vietnamnet.vn/vn/quoc-te/136948/khi-doc--giet-hang-tram-nguoi--syria--hdba-hop-khan.html.
[2] Xem "Anh, Mỹ chuẩn bị đánh Syria", Vietnamnet ngày 27/8/2013, tại http://vietnamnet.vn/vn/quoc-te/137652/anh--my-chuan-bi-danh-syria.html.
[3] Xem "VN quan ngại tin vũ khí hóa học được sử dụng ở Syria", Vietnam+ ngày 29/8/2013 tại http://www.vietnamplus.vn/Home/VN-quan-ngai-tin-vu-khi-hoa-hoc-duoc-su-dung-o-Syria/20138/213632.vnplus.
[4] Xem "Declaration on Principles of International Law Concerning Friendly Relations and Co-operation among States in Accordance with the Charter of the United Nations", Nghị quyết số 2625 (XXV) ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Khóa họp 25, có tại www.un.org/documents/ga/res/25/ares25.htm, "[S]tates have a duty to refrain from acts of reprisal involving the use of force".
[5] Chẳng hạn xem phóng sự trong bản tin Đài truyền hình Việt Nam lúc 19h ngày 28/8/2013, trong đó khái niệm "can thiệp quân sự dựa trên cơ sở nhân đạo" và "trách nhiệm bảo vệ" được đề cập đến, có tại http://vtv.vn/video-clip/131/Thoi-su/category44/Thoi-su-19h-28082013/video14411/page3.vtv. Bản thân Tổng thống Mỹ Obama trong trả lời Phỏng vấn CNN ngày 23/8/2013 cũng rằng luật pháp quốc tế đặt ra những giới hạn cho việc can thiệp quân sự vào Syria khi nói rằng "Nếu Hoa Kỳ tiến hành tấn công một quốc gia khác mà không có được sự cho phép của [Hội đồng Bảo an] Liên hợp quốc [...] thì câu hỏi đặt ra đó là luật pháp quốc tế có cho phép việc tấn công như vậy không [...]." Xem David Martin và Holly Williams, "U.S. preps for cruise missile attack on Syrian gov't forces', CBS News ngày 23/8/2013 tại http://www.cbsnews.com/8301-18563_162-57599944/u.s-preps-for-possible-cruise-missile-attack-on-syrian-govt-forces/.
[6] Hiến chương Liên hợp quốc, Lời nói đầu.
[7] Xem án lệ Nicaragua/Hoa Kỳ, ICJ Reports 1986, đoạn 188.
[8] Alan Silverleib, "Exclusive: Obama tells CNN key decisions nearing on Syria, Egypt", CNN 23/8/2013, tại http://edition.cnn.com/2013/08/23/politics/obama-cnn-new-day-interview.
[9] Xem J Crawford, Brownlie's Principles of Public International Law (8th edn, Oxford University Press, Oxford, 2012), các trang 750-2.
[10] Hoa Kỳ vẫn đang cân nhắc đến khả năng này. Xem Colum Lynch và Karen DeYoung, "U.S. explores possible legal justifications for strike on Syria", Washington Post 29/8/2013 tại http://www.washingtonpost.com/world/national-security/us-explores-possible-legal-justifications-for-strike-on-syria/2013/08/28/0d9c6c08-0fe3-11e3-bdf6-e4fc677d94a1_story.html .
[11] Hiến chương Liên hợp quốc, Điều 39.
[12] Xem Hiến chương Liên hợp quốc, Điều 42.
[13] Về quan điểm của Anh, xem C Gray, International Law and the Use of Force (3rd edn, Oxford University Press, Oxford, 2008), các trang 36-7. Đáng chú ý là Hoa Kỳ lại không mặn mà với học thuyết về "quyền can thiệp nhân đạo" mà biện minh cho hoạt động quân sự của mình trên các cơ sở khác.