Điều đáng nói, chỉ vì tin theo những lời quảng cáo “có cánh” của những đối tượng lừa đảo, đã có không ít chị em “tiền mất, tật mang”.
Thảo dược, cà phê... chứa chất cấm
Đầu tháng 4-2022, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã thu hồi trên toàn quốc cà phê Hoàng Gia được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ giảm cân do Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Lasva (xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây) - nay đổi tên thành Công ty TNHH Nghiên cứu và Phát triển dược mỹ phẩm Thịnh Việt Pharma - tự công bố và sản xuất. Đơn vị chịu trách nhiệm và phân phối sản phẩm là Công ty cổ phần Dược mỹ phẩm Hoàng Gia Phát.
Trước đó, vào cuối tháng 3-2022, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 37 tuổi (ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, co giật sau 4 ngày uống cà phê giảm cân Hoàng Gia. Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi sinh con thứ 3, chị tăng cân khá nhiều, ảnh hưởng đến vóc dáng.
Sau đó, chị được đồng nghiệp giới thiệu một loại cà phê giảm cân rất hiệu quả, uống 1 tuần có thể giảm được 4kg. “Tôi đã mua 1 hộp (30 gói) với giá 550.000 đồng. Cà phê này có vị ngọt, thơm như cà phê sữa. Thế nhưng, khi uống đến ngày thứ 4, tôi có cảm giác khó thở, người lạnh toát và háo nước. Thậm chí, thân nhiệt hạ thấp đột ngột”, nữ bệnh nhân cho biết.
Kết quả chụp cắt lớp tại Trung tâm Chống độc cho thấy, não của bệnh nhân bị tổn thương. May mắn, sau khi nhập viện, bệnh nhân được các bác sĩ hồi sức cấp cứu, hỗ trợ hô hấp kịp thời, nên sức khỏe đã dần cải thiện. Sau đó, mẫu cà phê được gửi đến Viện Pháp y và kết quả giám định cho thấy, trong cà phê giảm cân mà bệnh nhân sử dụng có chứa Sibutramine.
Sibutramine được phát hiện trong các sản phẩm giảm cân có khả năng làm giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ quá trình giảm cân. Thế nhưng, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), chất này có nhiều độc tính và tác dụng phụ, nguy cơ biến chứng về tim mạch, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Chính vì vậy, Mỹ và các nước châu Âu đã ngừng sử dụng tất cả sản phẩm có chứa Sibutramine từ tháng 10-2010. Tại nước ta, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng đã ngừng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine và thu hồi các sản phẩm chứa chất này.
Không nên tin quảng cáo thổi phồng công dụng
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, kênh phân phối chủ yếu của các sản phẩm giảm cân vẫn là các trang mạng xã hội. Chỉ cần tìm kiếm “sản phẩm giảm cân”, người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy nhan nhản các sản phẩm, như: Trà, cà phê, kẹo, thảo dược, thực phẩm chức năng… hỗ trợ giảm cân được rao bán với đủ các mức giá và xuất xứ khác nhau. Cụ thể như trà thảo mộc Y.G có giá là 123.000 đồng/hộp; cà phê giảm cân I.S có giá 200.000 đồng/hộp…
Những quảng cáo về công dụng các loại sản phẩm này cực kỳ hấp dẫn như có thể thanh lọc cơ thể, thải độc gan, thận, giảm mỡ máu… và kèm theo cam kết “không cần ăn kiêng”, “không cần luyện tập vất vả”, “không gây bất cứ tác dụng phụ nào”, “có thể giảm từ 2-6kg chỉ từ 10 đến 15 ngày”.
Điều đáng nói, một số người nổi tiếng, các nghệ sĩ cũng tham gia quảng cáo, bán hàng… các sản phẩm, thực phẩm chức năng giảm cân, khiến nhiều “bà mẹ bỉm sữa” càng tin vào công dụng thần kỳ đó.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm, mới đây, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các nghệ sĩ tham gia quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng thổi phồng công dụng, nếu các thông tin chưa được kiểm chứng, hay quảng cáo chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định, làm ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế của người tiêu dùng.
Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát quản lý chặt điều kiện cho phép mở các website, tên miền hoạt động và khi phát hiện sai phạm về quảng cáo, kịp thời tạm đóng tên miền hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương, Bộ Công an có nhiệm vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh các sản phẩm bảo vệ sức khỏe…
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, chị em không nên tin vào những lời quảng cáo có tác dụng giảm cân như “thần dược” để rồi nhận hậu quả đối với sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Cách giảm cân đúng nhất là người dân phải được khám, đánh giá và tư vấn của chuyên môn y tế, điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện phù hợp. Khi cần dùng thuốc giảm cân, thì phải có bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, hoặc bác sĩ nội khoa khám và kê đơn...
Theo Hà Nội mới