Đây được coi là tổn thất không ngờ của Washington sau khi lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bắn hạ một chiếc UAV do thám MQ-4C Triton thuộc Hải quân Mỹ tại eo biển Hormuz hôm 20/6.

{keywords}
Máy bay UAV vũ trang của Mỹ đang được chào bán với giá khá đắt đỏ. Ảnh: PressTV

Tờ Hindustan Times trích dẫn một số nguồn tin giấu tên thuộc quân đội Ấn Độ cho hay, New Delhi từng lên kế hoạch mua 30 chiếc UAV vũ trang của Mỹ, trị giá tới 6 tỷ USD. Tuy nhiên, sau sự cố ngày 20/6, các lực lượng vũ trang Ấn Độ hiện hết sức quan ngại về hiệu năng cũng như khả năng chống chịu của máy bay không người lái Mỹ ở không phận của các "điểm nóng".

Các lãnh đạo ở New Delhi đặc biệt tỏ ra hoài nghi về khả năng hoạt động của UAV Mỹ dọc những khu vực biên giới giữa Ấn Độ với Pakistan và Trung Quốc. Cả Pakistan và Trung Quốc đều có tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ và đang sở hữu trong tay các hệ thống tên lửa phòng không tân tiến.

Giới chức Ấn Độ lưu ý, trong vài năm trở lại đây, quân đội Mỹ chỉ xúc tiến các sứ mệnh UAV vũ trang tại những nước họ không đối mặt với đe dọa hoặc kẻ thù thực sự.

Một lí do quan trọng khác dẫn đến quyết định của New Delhi là giá của những chiếc UAV vũ trang do Mỹ chế tạo quá đắt đỏ. Các nguồn tin quân sự nói, giá của một chiếc UAV đơn thuần như thế này đã lên tới 100 triệu USD/chiếc và nếu được trang bị đầy đủ vũ khí như tên lửa và bom laser đẫn đường sẽ tiêu tốn thêm 100 triệu USD/chiếc. Mức giá này còn đắt đỏ hơn một chiến đấu cơ đa năng Rafael do Pháp sản xuất.

Dù nhà chức trách Ấn Độ chưa có quyết định cuối cùng nhưng tờ Hindustan Times nhận định, kế hoạch mua UAV Mỹ nhiều khả năng bị hủy và thay thế bằng việc thâu tóm các khí tài khác an toàn và hiệu quả hơn.

Xem video tự tạo của bài

Tuấn Anh