CNN cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra một giả thuyết đầy u ám về tình hình dịch bệnh trong vài tháng tới. Trong khi nhiều nước vẫn đang chật vật đối phó làn sóng Covid-19 thứ nhất và số người mắc bệnh vẫn tăng cao, tốc độ lây nhiễm có thể vọt lên bất ngờ "bất cứ lúc nào".
Ảnh: DTNext |
"Chúng ta có thể chịu đỉnh điểm lần 2 theo cách này", CNN dẫn lời Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO.
Đỉnh điểm lần 2 sẽ không diễn ra ra từ từ. Đỉnh mới đó có thể là sự gia tăng đột biến về số ca lây nhiễm, khiến các hệ thống chăm sóc y tế bị quá tải, và dẫn đến số lượng lớn người tử vong. Và đỉnh điểm lần 2 có thể tồi tệ hơn nhiều so với lần đầu.
Liệu chúng ta có đối mặt với một mức tăng lây nhiễm đột biến như vậy vào mùa thu này hay không phụ thuộc vào những gì hiện nay chúng ta đang làm, theo CNN.
"Diện mạo" đỉnh dịch lần 2
Nếu viễn cảnh này xảy ra, các ca nhiễm virus corona chủng mới có thể tăng vọt cho đến khi lên tới một mức cao mới, nhiều khả năng sau một khoảng thời gian có tỷ lệ lây nhiễm khá ổn định.
Ở làn sóng thứ 2, lây nhiễm có thể diễn ra từ từ và tác động đến nhiều khu vực khác nhau của thế giới ở các thời điểm khác nhau. Đỉnh dịch lần 2 có nghĩa là thêm nhiều người nhiễm virus cùng lúc, và trong mùa cúm, điều này sẽ khiến các hệ thống y tế bị quá tải.
Khi các bệnh viện và nhân viên chăm sóc sức khỏe bị kéo căng, nguy cơ tử vong ở những người có thể chữa được bệnh sẽ cao hơn, theo Tiến sĩ Gabe Kelen, giám đốc Ban Dược phẩm Khẩn cấp tại Đại học Hopkins.
"Lý do thực sự duy nhất cố gắng tránh để xảy ra những đỉnh điểm dịch bệnh này là ngăn những cái chết có thể cứu được, nhờ đó mà hệ thống y tế có thể chăm sóc cho bất kỳ ai cần đến và cho họ cơ hội tốt nhất có thể về sức khỏe", ông Kelen trao đổi với CNN.
Đó là lý do nhiều nỗ lực đã được thực hiện thời gian qua để làm phẳng đường cong dịch bệnh. Tỷ lệ nhiễm càng ổn định thì càng dễ quản lý điều trị bệnh.
Tại sao nguy hiểm?
Như ông Kelen nói, khi dịch bệnh lên đỉnh điểm, số cái chết có thể ngăn chặn được tăng cao, và không chỉ ở các bệnh nhân Covid-19. Những người bị ung thư và tiểu đường thường xuyên phải đến bệnh viện điều trị có thể sẽ phải chịu cảnh chăm sóc gián đoạn, nguy hiểm đến sức khỏe. Và nếu các cơ sở y tế quá tải vì bệnh nhân Covid-19 thì có thể sẽ không còn nhiều chỗ trống cho những ca cấp cứu khác. Và, điều đó đồng nghĩa với có thêm nhiều người chết.
Một yếu tố nữa là virus corona chủng mới có khả năng sẽ tái bùng phát trong mùa cúm, tức là xuyên suốt mùa thu và mùa đông. Với một loạt virus đường hô hấp lan truyền cùng lúc như vậy, khả năng lây nhiễm càng cao.
Ở Mỹ có 410.000 đến 740.000 trường hợp nhập viện vì cúm trong mùa cúm 2019-2020, từ tháng 10 đến tháng 4, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Khoảng thời gian này tương đối dài, và với hàng trăm nghìn bệnh nhân nhập viện thì các phòng dành cho người nhiễm Covid-19 sẽ ít đi.
Tử vong vì cúm là rất thấp - khoảng 56 triệu người nhiễm cúm trong mùa này và 62.000 người chết, tỷ lệ khoảng 0,1%. Ở Mỹ đã có hơn 1,7 triệu người nhiễm và hơn 100.000 người chết vì Covid-19, tỷ lệ tử vong khoảng 5,9%.
"Từ góc nhìn y tế, mùa cúm thường là thời điểm rất khó khăn vì có rất nhiều người ốm. Mùa cúm mà hứng thêm Covid-19 nữa thì sẽ là một thách thức thực sự", ông Kelen nói thêm.
Theo giáo sư này, cho đến chừng nào có vaccine ngừa trị bệnh thì con người vẫn cứ nhiễm Covid-19 và số ca bệnh sẽ lại tăng cao. Vaccine có thể không hoàn hảo nhưng sẽ ngăn được sự lây lan của virus và khiến cho những ca bệnh khác bớt nguy hiểm hơn.
Thanh Hảo