Ngành lúa gạo đã và đang tạo ra sự ổn định kinh tế trong khu vực nông thôn, đặc biệt ở các vùng có cánh đồng lớn. Chỉ tính riêng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 1,5 triệu hecta trồng lúa, mỗi năm mang lại cho nông dân khu vực này không ít hơn 700.000 tỷ đồng lợi nhuận. Khoản lợi nhuận này khá đều đặn và tính trước được. 

khoa hoc cong nghe 4.jpg
Ngành lúa gạo đã và đang tạo ra sự ổn định kinh tế trong khu vực nông thôn. Ảnh: B.M

Đối với thị trường tiêu thụ, cả trong nước lẫn quốc tế, đặc thù của ngành lúa gạo Việt Nam là ổn định và cung cấp quanh năm, do đó không gây ra bất ổn trong các thị trường tiêu thụ. Ngay cả thời gian gần đây, khi nguồn cung cấp gạo quốc tế bị ảnh hưởng, thiếu hụt nghiêm trọng thì các thị trường tiêu thụ gạo của Việt Nam vẫn có được nguồn cung cấp ổn định.

“Tuy nhiên, vẫn còn đó những hiện tượng gây bất ổn trong khu vực nông thôn. Đó là tình trạng coi thường pháp luật. Các hiện tượng này chưa được xử lý triệt để dẫn đến việc có thể bùng phát nếu thiếu kiểm soát”, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời nhấn mạnh.

Cụ thể là tình trạng sản xuất và bán giống lậu, dẫn đến không thể truy xuất nguồn gốc của lúa gạo, suy thoái nguồn gen của các giống trọng điểm. Việc vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm bản quyền giống lúa, lừa bán giống giả đã trở nên phổ biến.

Đáng chú ý là chuyện nông dân không tôn trọng hợp đồng đã ký với hợp tác xã, với doanh nghiệp, dẫn đến việc doanh nghiệp không thể hoạt động theo quy định của pháp luật. 

Đặc biệt đáng quan ngại là tình trạng không tuân thủ các quy định về liên kết sản xuất bền vững. Mặc dù đã có nghị quyết của chính phủ nhiều năm nay, quy định rõ ràng về liên kết sản xuất bền vững với nông dân và các thành phần trong ngành lúa gạo, nhưng vẫn không áp dụng trên thực tế, dẫn đến nền tảng của sản xuất bền vững là tuân thủ các cam kết giữa các thành phần tham gia trong chuỗi sản xuất lúa gạo bị bẻ gãy. Đây là điều nguy hiểm nhất và là khâu yếu nhất trong việc tổ chức một nền kinh tế có tính bền vững về mặt xã hội.

Đại diện Lộc Trời lưu ý, hoạt động xây dựng liên kết sản xuất bền vững gồm có việc tuân thủ quy định của các cơ quan quản lý về sử dụng giống xác nhận, về cấp mã số vùng trồng, về xây dựng kinh tế tập thể và về xây dựng vùng nguyên liệu với doanh nghiệp. Các giải pháp này đã có những không phát huy hiệu quả trên thực tế vì chưa thực hiện đồng bộ và các vi phạm không bị xử phạt, dẫn đến hiệu quả của các giải pháp về mặt xã hội chưa đạt được như kỳ vọng

Hiện tượng nông dân bẻ kèo không bán lúa cho doanh nghiệp khi giá tăng, hiện tượng cò lái chèn ép nông dân khi giá giảm, thậm chí hiện tượng đổ nước vào lúa để tăng trọng lượng, hiện tượng phun thuốc bảo vệ thực vật không theo quy trình cách ly… cũng tạo ra sự bất ổn xã hội. Đề giải quyết, doanh nghiệp có thực hiện các giải pháp như ứng tiền, đặt cọc, hỗ trợ giống lúa xác nhận, huấn luyện quy trình canh tác, thậm chí đầu tư máy bay phun thuốc không người lái giảm phơi nhiễm hóa chất…, tuy nhiên cũng chưa có doanh nghiệp nào đạt được hiệu quả trên quy mô lớn do không đủ nguồn lực để thực hành trên diện rộng.

“Trong mối quan hệ liên kết sản xuất với nông dân, hợp tác xã, yêu cầu các bên cần tuân thủ pháp luật, tôn trọng các điều khoản đã cam kết, thỏa thuận trong hợp đồng, và thực thi hợp đồng trên cơ sở các quy định của hợp đồng và pháp luật dân sự. Khi có tranh chấp xảy ra thì các cơ quan quản lý hỗ trợ phân xử theo đúng các cam kết của các bên tham gia. Qua đó mới có thể đảm bảo duy trì được mối liên kết sản xuất bền chặt và đúng pháp luật”, đại diện Lộc Trời khuyến nghị.

Ngoài ra, cần tổ chức liên kết sản xuất chặt chẽ, gắn quy hoạch diện tích trồng lúa với các nhà máy chế biến để đảm bảo sự ổn định trong chuỗi canh tác và chế biến lúa gạo.

Cần có cơ chế hỗ trợ vốn để trang bị máy móc đồng bộ, tăng năng suất lao động nông nghiệp và giảm giá thành sản xuất lúa. Đối với máy nông nghiệp cần có nguồn vốn tài trợ trong vòng 5 năm cho các máy làm đất, máy phun thuốc, xạ giống, xạ phân, thu hoạch. Có thể tài trợ cho các hợp tác xã để tổ chức sản xuất tập trung và liên tục theo hợp đồng đã ký với các nhà máy chế biến lúa gạo.