Khai mạc Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất

Ngày 14/9, Bộ TT&TT phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, UBND tỉnh Nam Định tổ chức Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất tại thành phố Nam Định, với chủ đề “Mang nền tảng số đến hộ gia đình”.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc và các đại biểu tham quan triển lãm giải pháp công nghệ bên lề diễn đàn. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Phiên cấp cao của diễn đàn vào sáng ngày 14/9 có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số Nguyễn Mạnh Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc; nhiều đại biểu cấp cao đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; cùng đại diện các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Về chủ đề “Mang nền tảng số đến hộ gia đình”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, tên gọi của diễn đàn thể hiện mục tiêu, cách làm của Việt Nam trong chuyển đổi số. Đó là mỗi gia đình, mỗi người dân được tiếp cận với công nghệ số và được tham gia, thụ hưởng lợi ích từ chuyển đổi số.

Theo mục tiêu đã đề ra, đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số cần đạt 20% GDP, tỷ trọng trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%.

Đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số cần đạt 30% GDP, tỷ trọng trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 95%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt hơn 95%.

Ban Kinh tế Trung ương nêu ra 6 nội dung trọng tâm mà ngành TT&TT và các bộ, ngành, địa phương trong cả nước cần tập trung, trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức toàn xã hội về chuyển đổi số và phát triển kinh tế số; ưu tiên nguồn lực và có chính sách khuyến khích, tạo lập khung pháp luật cho phát triển sản xuất thông minh và công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Vietnam; coi phát triển hệ sinh thái công dân số phải là một nền tảng quan trọng của chuyển đổi số quốc gia...

Việt Nam có giải thưởng sáng tạo nội dung số

Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam – VCA năm 2023 được Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) công bố và phát động ngày 12/9.

Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng tuyên bố phát động giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam lần thứ nhất. 

Theo Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam, thường trực Ban tổ chức giải thưởng VCA 2023, những năm gần đây, lĩnh vực sáng tạo nội dung số phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng nội dung. 

Ở quy mô toàn cầu, sáng tạo nội dung đã trở thành ngành công nghiệp trị giá hàng nghìn tỷ USD.

Tại Việt Nam, số liệu năm 2022 cho thấy, có ít nhất 20.000 nhân sự đang hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số, với mức doanh thu lên tới 800 triệu USD.

Giải thưởng VCA ra đời nhằm khuyến khích cộng đồng sáng tạo nội dung số tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, có giá trị văn hóa, giáo dục sâu sắc, mang lại giá trị tốt đẹp cho người dùng trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế số của đất nước.

Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam sẽ được Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức thường niên. Dự kiến lễ trao giải thưởng VCA 2023 sẽ diễn ra vào cuối tháng 12.

Cảnh giác cuộc gọi "hỗ trợ" kích hoạt tài khoản định danh điện tử

Thời gian vừa qua, lực lượng Công an xã, phường, thị trấn ở nhiều địa phương đang tiến hành vận động người dân làm định danh điện tử mức 2 trên phạm vi toàn quốc. 

Người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi "lạ", tránh sập bẫy lừa đảo của tội phạm.

Nắm bắt thông tin này, một số đối tượng xấu có ý đồ bất chính đã lợi dụng gọi cho người dân, tự xưng là công an mời người dân làm kích hoạt tài khoản định danh điện tử (ứng dụng VNeID). Tuy nhiên, các đối tượng hướng dẫn người dân cài đặt các “app lạ”, ứng dụng giả mạo trên điện thoại nhằm khai thác thông tin cá nhân.

Để ngăn chặn hậu quả xấu có thể xảy ra, lực lượng công an khuyến cáo người dân: Công an chỉ vận động công dân đến trụ sở Công an xã phường thị trấn nơi thường trú hoặc nơi gần nhất để làm định danh điện tử mức 2; chỉ có 1 app duy nhất là ứng dụng VNeID để kích hoạt định danh điện tử mức 2; việc định danh điện tử mức 2 phải do công dân trực tiếp đi làm do phải chụp ảnh, quét vân tay nên không thể làm thay.

Nếu có người gọi điện thoại tự xưng là công an yêu cầu công dân tải, cài đặt ứng dụng khác với ứng dụng VNeID, hay cung cấp thông tin cá nhân như CCCD, giấy tờ khác... để giúp kích hoạt tài khoản định danh điện tử mà không cần đến công an thì đó là đối tượng có ý đồ xấu. Người dân cần cảnh giác không cung cấp thông tin hay làm theo yêu cầu của các đối tượng này.

Cơ quan công an cũng cảnh báo người dân tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu từ các cuộc gọi "lạ" tự xưng cơ quan nhà nước, lực lượng công an; không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản số, mã OTP... cho người lạ, tránh sập bẫy lừa đảo của tội phạm.

Ngăn chặn nhập khẩu, mua bán điện thoại 2G

Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, trong tháng 8/2023, Bộ đã có văn bản hướng dẫn 63 sở TT&TT trên cả nước về việc kiểm tra hoạt động nhập khẩu, phân phối, lưu thông, mua bán thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất.

Việc triển khai cuộc kiểm tra trên địa bàn cả nước về nhập khẩu, lưu thông, mua bán thiết bị điện thoại 2G là nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân khi tắt sóng mạng 2G. (Ảnh minh họa: Internet)

Mục tiêu đặt ra là hoàn thành việc dừng khai thác mạng, thiết bị viễn thông sử dụng công nghệ 2G chậm nhất vào tháng 9/2024.

Để bảo vệ quyền lợi người dân khi thực hiện tắt sóng trạm 2G, Bộ TT&TT triển khai cuộc kiểm tra trên địa bàn cả nước nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý việc nhập khẩu, phân phối, lưu thông, mua bán thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất trái quy định của pháp luật. 

Bộ TT&TT đề nghị các sở TT&TT chủ động rà soát, và dựa theo tình hình thực tế để lên kế hoạch kiểm tra chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh mô hình chuỗi, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh đơn lẻ trên địa bàn, đảm bảo không còn máy điện thoại di động 2G Only, 3G Only lưu thông trên địa bàn.

Thời hạn các sở TT&TT địa phương cần báo cáo kết quả kiểm tra diện rộng về hoạt động nhập khẩu, phân phối, lưu thông, mua bán thiết bị 2G/3G Only về Bộ TT&TT là trước ngày 30/11/2023. 

Xuất hiện điện thoại giả sóng 4G

Trước tình trạng điện thoại chỉ hỗ trợ 2G nhưng hiển thị giả sóng 4G, các chuyên gia cho rằng, loại điện thoại này sẽ gặp phải nguy cơ bị vô hiệu hoá khi các nhà mạng tắt sóng 2G trong thời gian tới.

Từ cuối năm 2020, Bộ TT&TT đã có Thông tư 43 quy định "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - Phần truy nhập vô tuyến". Theo thông tư này, kể từ tháng 7/2021, các thiết bị không đáp ứng “Quy chuẩn kỹ thuật” (như máy điện thoại di động sử dụng công nghệ 2G, 3G hoặc sử dụng đồng thời công nghệ 2G và 3G nhưng không tích hợp công nghệ 4G), không được nhập khẩu, sản xuất trong nước.

Trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ TT&TT chiều ngày 6/9, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho hay, giấy phép tần số cấp cho các nhà mạng triển khai mạng 2G sẽ hết hạn vào tháng 9/2024. Bộ TT&TT sẽ quy hoạch lại, và các băng tần 1800MHz, 1900MHz tới đây sẽ không còn phục vụ cho máy 2G Only nữa. 

Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, trong tháng 8/2023, Bộ đã có văn bản hướng dẫn 63 sở TT&TT trên cả nước về việc kiểm tra hoạt động nhập khẩu, phân phối, lưu thông, mua bán thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất. Cuộc kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý việc nhập khẩu, phân phối, lưu thông, mua bán máy điện thoại 2G/3G Only trái pháp luật, để bảo vệ quyền lợi người dân khi tắt sóng 2G.

Các chuyên gia khuyến nghị người dùng nên mua điện thoại ở các chuỗi bán hàng uy tín, cửa hàng lớn, để tránh mua phải hàng nhái, hàng giả, giống như loại điện thoại chỉ hỗ trợ 2G nhưng hiển thị giả sóng 4G xuất hiện trên thị trường thời gian vừa qua.

(Tổng hợp)