Bởi vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT TP.Hồ Chí Minh, Chi cục Thú y thành phố đã thường xuyên phổ biến những thông tin về bệnh lở mồm, long móng để mọi người dân có thể hiểu biết và hướng dẫn biện pháp phòng chống bệnh trên đàn gia súc.
Bệnh lở mồm, long móng là bệnh cấp tính do virus gây ra ở các loài động vật móng guốc chẵn như trâu, bò, dê, cừu, lợn, làm các loài vật này bị lở mồm và long móng, sốt và giảm ăn.
Bệnh lở mồm, long móng thường lây lan nhanh ở đàn gia súc |
Triệu chứng điển hình của bệnh là mụn nước phát triển ở niêm mạc miệng, lợi và lưỡi, vành mũi, kẽ móng chân, đầu vú; sau đó mụn nước vỡ ra làm lở loét mồm, long móng. Bệnh ở thể ác tính và con vật sẽ chết sau khoảng 5-7 ngày. Các trường hợp gia súc chết thường được ghi nhận đối với gia súc non, con vật suy sụp, khó thở, loạn nhịp tim và chết. Bệnh không chữa được, chỉ có tiêm vaccine phòng bệnh. Có bảy type virus gây bệnh lở mồm, long móng, trong đó có type chủ yếu gây bệnh trên trâu bò, nhưng lại có type gây bệnh chủ yếu ở lợn. Virus này có sức đề kháng yếu với môi trường bên ngoài, với các thuốc sát trùng thông thường, nhưng lại có thể tồn tại hơn một năm ở chuồng nuôi, 10-12 tuần ở quần áo và thức ăn gia súc, hơn một tháng ở lông. Ngay cả gia súc khỏi bệnh vẫn mang trùng tới bốn tháng đối với dê, chín tháng đối với cừu, bốn tuần đối với lợn, còn trâu bò là 3-5 năm.
Tại Việt Nam, bệnh lở mồm, long móng vẫn hiện diện nhiều năm qua, đã từng gây thành dịch trong các năm 1999 - 2000. Gần đây, virus type O và A thường gây ra các ổ dịch rải rác ở các tỉnh duyên hải miền trung. Năm 2005, dịch bùng phát trở lại và trong quý 1 năm 2006 đã có hơn 20 tỉnh phát dịch và đang lây lan nhanh ra nhiều địa phương trong cả nước. Nguyên nhân của tình trạng này là do các ổ dịch cũ chưa được dập tắt và xử lý triệt để; nhiều địa phương không tổ chức thực hiện tốt việc tiêm phòng cho đàn gia súc theo quy định; việc giám sát và phát hiện bệnh không kịp thời.
Đặc điểm bệnh Lở mồm long móng:
Do siêu vi trùng gây bệnh ở trâu bò, heo, dê, cừu… làm thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản thực phẩm.
Bệnh lây lan trong đàn gia súc rất nhanh do:
Tiếp xúc trực tiếp với gia súc bệnh
Gián tiếp qua chất thải; không khí; sản phẩm thịt, xương , sừng, móng, sữa nhiểm bệnh hoặc qua việc vận chuyển, mua bán giết mổ gia súc bệnh,…
Triệu chứng:
Gia súc bệnh sốt cao trên 40oC, bỏ ăn.
Nổi mụn nước ở vành móng chân, kẽ móng, lưỡi, quanh miệng, mũi, núm vú,…
Sau đó mụn nước vỡ ra viêm loét gây sứt móng làm thú đi đứng khó khăn
Bệnh làm chết thú non, gây sẩy thai đối với thú có mang và làm giảm khả năng sản xuất thịt, sữa.
Không có thuốc điều trị đặc hiệu, các biên pháp chữa trị khác chỉ ngăn ngừa phụ nhiễm
Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm phòng. Liên hệ với Trạm Thú y địa phương để tiêm phòng bệnh lở mồm long móng cho trâu, bò, heo, dê, cừu.
Khuyến cáo biện pháp phòng và chống bệnh lở mồm long móng trong chăn nuôi gia súc
Chăn nuôi gia súc phải đăng ký chính quyền địa phương, theo quy hoạch và không gây ô nhiểm môi trường.
Tiêm phòng trên bò, heo, dê, cừu; thú mang thai trước khi sanh 4 tuần để thú con có khả năng chống lại bệnh.
Gia súc mua về phải có giấy CN kiểm dịch động vật từ nơi không có dịch. Khi xuất bán gia súc phải khai báo kiểm dịch với cơ quan thú y.
Hạn chế cho khách tham quan, thương lái mua gia súc vào chuồng.
Khử trùng chuồng trại thường xuyên bằng vôi, B.K.A. Virkon S, Benkocid,…
Khi phát hiện gia súc bệnh phải cách ly, báo ngay chính quyền hoặc Trạm Thú y địa phương và chấp hành xử lý theo quy định. Nghiêm cấm bán chạy hoặc vứt xác thú bệnh ra môi trường. Mọi trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Khuyến cáo biện pháp phòng và chống bệnh lở mồm long móng trong kinh doanh, giết mổ gia súc
Gia súc phải vận chuyển bằng phương tiện chuyên dùng, không để rơi vãi chất thải, có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, trình phúc kiểm tại Trạm KDĐV đầu mối giao thông và đi đến nơi đã quy định.
Chỉ được phép giết mổ gia súc tại các lò mổ hợp pháp
Thịt gia súc phải qua kiểm dịch và được bày bán tại nơi hợp vệ sinh có sự kiểm soát của cơ quan thú y
Mọi trường hợp vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Nên là người tiêu dùng thông minh
Chỉ mua thịt trâu, bò, heo, dê, cừu có dấu kiểm soát giết mổ và được bảo quản hợp vệ sinh.
Không mua thịt gia súc giết mổ trái phép hoặc thịt gia súc bán ở lề đường, chợ tự phát.
Báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện có gia súc bệnh, nơi giết mổ gia súc trái phép hoặc kinh doanh thịt gia súc không đúng quy đinh.
Bích Hạnh