Cuối tháng 8-2019, một PKĐK ở quận 5 lại tiếp tục bị Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xử phạt số tiền 70 triệu đồng về hàng loạt hành vi như vẽ bệnh để "móc túi" bệnh nhân, lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật và quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh...
Một trường hợp khác nghiêm trọng hơn - PKĐK Khang Thái (số 87-89 đường Thành Thái, phường 14, quận 10) vốn có nhiều sai phạm, vào giữa tháng 5-2019, lại tiếp tục bị Thanh Tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ra quyết định tước giấy phép hoạt động của phòng khám thời hạn 6 tháng và phạt 270 triệu đồng.
Theo đó, PKĐK Khang Thái bị Thanh tra Sở Y tế phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng... Đặc biệt, dù đang trong thời gian tạm đình chỉ hoạt động, nhưng phòng khám này vẫn ngang nhiên hoạt động khám, chữa bệnh.
Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết phòng khám này đã "vẽ" bệnh, chỉ định cho bệnh nhân thực hiện nhiều thủ thuật không cần thiết nhằm mục đích "móc túi" bệnh nhân. Để đối phó với bệnh nhân và lực lượng thanh tra, phòng khám này đã sửa chữa hồ sơ bệnh án, thay đổi các thông tin trong bệnh án khác so với lúc tư vấn và điều trị cho bệnh nhân.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong năm 2018 và ba tháng đầu năm 2019, Sở Y tế thành phố đã chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra 28 lượt và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như kể trên.
Tổng số tiền các phòng khám bị phạt trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, đoàn kiểm tra đã đình chỉ hoạt động một phòng khám; đề nghị tạm dừng hoạt động ba phòng khám để đoàn kiểm tra thẩm định lại các điều kiện, danh mục kỹ thuật.
Các PKĐK có bác sĩ người Trung Quốc thường xuyên vi phạm gồm Khang Thái, Thái Bình Dương, Đại Đông, Thế Giới, Thăng Long, Ma Yo, Quốc tế...
Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, dù Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt, nhưng mức độ xử phạt chỉ ở phần ngọn.
Điều bất cập ở đây là thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề là do Bộ Y tế cấp chứ không phải là Sở Y tế. Chính vì vậy, khi phát hiện các bác sĩ nước ngoài vi phạm các quy định về Luật Khám chữa bệnh, Sở Y tế chỉ được xử phạt hành chính chứ không thể rút chứng chỉ hành nghề.
Do đó, vẫn còn kẽ hở cho đối tượng tái diễn vi phạm. Vướng mắc này Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và nhiều bệnh viện đã nhiều lần kiến nghị, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng xử lý phù hợp.
Theo cstc.cand