Một ngày tháng 8/2019, bà Chu Lan, sống tại Hành Dương (Hồ Nam, Trung Quốc) nhận được cuộc gọi từ cảnh sát Giang Tô, trang Sohu đưa tin.

“Xin lỗi, bà có phải mẹ của Vương Văn Thanh không? Con trai của bà đang bị tạm giam tại Giang Tô vì lái xe khi say rượu. Gia đình hãy đến xác nhận", phía cảnh sát nói.

Nghe tên con trai, bà Chu Lan rất sốc. Nỗi buồn sau nhiều năm lại quay trở lại. Bởi cậu con trai của bà mà phía cảnh sát nhắc đến đã qua đời 15 năm trước. Nói cách khác, người tên Vương Văn Thanh được cảnh sát giao thông Giang Tô đề cập không phải con trai của bà Chu. Nhưng tại sao họ lại biết thông tin của bà? Bà Chu Lan bắt đầu băn khoăn.

Con trai đi biệt tích

Năm 1983 vợ chồng bà Chu Lan sinh được cậu con trai Vương Văn Thanh sau khi đã có con gái đầu lòng. Khi trưởng thành, dù Văn Thanh không học giỏi nhưng anh luôn có khát vọng làm kinh doanh, kiếm thật nhiều tiền.

Con trai của bà Chu đi lập nghiệp từ khi còn trẻ. 

Năm 2003, Văn Thanh từ biệt cha mẹ đến Thâm Quyến và tìm được công việc tại một nhà máy. Đồng thời, anh cũng có bạn gái.

Năm đầu xa nhà, Văn Thanh hay gọi điện hỏi han bố mẹ, Tết thì về quê. Thế nhưng từ năm thứ hai, vợ chồng bà Chu Lan dần cảm thấy có vấn đề vì con trai không liên lạc. "Tôi gọi điện cho con liên tục nhưng không ai bắt máy. Sau này, số điện thoại đó còn không có tín hiệu", bà Chu nói.

Điều khiến bà Chu Lan lo lắng là dịp Tết năm đó, con trai không về quê. Anh rể của Vương Văn Thanh cũng cho rằng việc em vợ không gọi điện về, Tết cũng không về ăn Tết là điều bất thường. Vậy nên, vợ chồng bà Chu quyết định đến Thâm Quyến tìm con. Sau một thời gian dài tìm kiếm không có tin tức, cả hai rất lo lắng.

Năm 2004, tin tức đau lòng ập đến khiến bà Chu ngã quỵ. Con trai bà gặp nạn khi đang làm việc tại công trường xây dựng, đã qua đời, trôi dạt ở sông. Có người nhìn thấy chứng minh thư của anh. Thời điểm đó, do công nghệ chưa phát triển và thiếu manh mối đáng tin cậy nên vợ chồng bà Chu Lan không có cách nào kiểm chứng về cái chết của con. Kể từ đó, họ chấp nhận cái chết của con trai là một vụ tai nạn.

Khóc hết nước mắt vì thương nhớ con trai. 

Từ khi con trai mất, bà Chu ngày nào cũng khóc đến mức bị mù cả mắt phải. Chồng bà cũng đau khổ, sống khép mình, không muốn nói chuyện với bất cứ ai.

Năm 2016, bà Chu và chồng đến đồn cảnh sát xin giấy chứng tử đồng thời hủy hộ khẩu của con. Dù biết con trai đã qua đời nhưng hai vợ chồng vẫn duy trì thói quen mua quần áo mới cho cậu vào mỗi dịp Tết. Tối giao thừa, họ lại đặt lên bàn một đôi đũa, chiếc bát để thể hiện tình yêu đối với người con xấu số.

Cuộc gọi bất ngờ

Sau 15 lăm năm ngày con trai mất, cặp vợ chồng vẫn nhớ nhung con tha thiết. Cho đến ngày nhận được cuộc gọi từ cảnh sát Giang Tô, bà Chu Lan và chồng vẫn khăng khăng con trai mình không còn trên đời.

Thế nhưng vài ngày sau, cảnh sát lại liên hệ và nhấn mạnh rằng người lái xe khi say xỉn Vương Văn Thanh chính là con trai của bà Chu Lan. Bởi anh có thể nói chính xác tên họ, nơi sinh sống, hoàn cảnh của gia đình bà Chu. Thậm chí cả ngày tháng năm sinh của vợ chồng bà Chu, anh Thanh cũng nắm rõ.

Đồng thời, cánh sát giao thông Giang Tô cũng gửi cho vợ chồng bà Chu Lan một bức ảnh người đàn ông tại hiện trường. Tuy nhiên, khi nhìn thấy bức ảnh, bà kiên quyết phủ nhận đó là con trai của mình. Bởi thời điểm đó, con trai của họ khoảng 36 tuổi nhưng người đàn ông trong ảnh chừng 40-50 tuổi.

Khóc hết nước mắt ngày gặp lại đứa con trai "đã mất 15 năm". 

Vương Văn Thanh lo lắng khi bố mẹ không nhận ra mình nên yêu cầu được xét nghiệm ADN. Kết quả cho thấy anh chính là cậu con trai đã mất 15 năm trước của bà Chu. Nhận tin, bà Chu Lan vừa vui vừa hoang mang.

"Tôi rất vui vì con trai còn sống. Nhưng tại sao 15 năm qua, con không về thăm cũng không liên lạc với bố mẹ"?, bà Chu Lan nói.

Sau đó, cảnh sát Giang Tô đã đưa Văn Thanh về Hành Dương (Hồ Nam). Khi Vương Văn Thanh bước xuống, cả mẹ, chị gái và anh rể đều đứng đợi để đón cậu. Nhìn thấy con trai, bà Chu Lan sửng sốt một lúc, quan sát từ đầu đến chân rồi ôm chầm lấy anh khóc lớn. Dù đã 15 năm không gặp người nhà nhưng Văn Thanh vẫn có thể gọi tên từng người trong gia đình. Sau đó, tất cả trở về nhà. Ông Vương cũng đang đợi con trai. Tới nhà, bà Chu lấy bộ quần áo mình đã mua dịp Tết cho con mặc.

Trong bữa ăn, Văn Thanh đã kể lại mọi chuyện cho gia đình biết.

Một ngày năm 2004, khi anh và bạn gái đang đi mua sắm qua một con hẻm thì bị một nhóm côn đồ chặn cướp của. Để bảo vệ bạn gái, anh một mình chống lại đám côn đồ. Tuy nhiên vì đám côn đồ quá đông nên Văn Thanh bị đánh tơi tả, gãy xương tay.

Sau đó, Văn Thanh phải nằm viện 4 tháng. Bạn gái cũng vì thế mà chia tay anh. Vì sốc, anh không biết phải làm thế nào để đối mặt với cha mẹ, chỉ có thể lựa chọn biến mất.

Sau đó, Vương Văn Thanh hợp tác với một số người để mở cửa hàng cá nướng, cửa hàng bia, buôn bán nhưng cũng đều không thành công.

Bởi bản thân không muốn cha mẹ nhìn thấy sự thất bại của mình nên nhiều năm Văn Thanh chọn bặt vô âm tín. Không phải anh không muốn về nhà mà chỉ muốn về trong bộ dạng tốt hơn, để bố mẹ được tự hào.

Thế nhưng cuối cùng anh vẫn gặp lại người thân trong hoàn cảnh trớ trêu. Điều đáng mừng là, vợ chồng bà Chu Lan cuối cùng cũng được gặp lại cậu con trai sau rất nhiều năm chịu đựng nỗi đau mẫu tử chia lìa.