Kế hoạch thay đổi chiến lược tập trung về châu Á của Washington đặt ra thách thức với các đồng minh hiện tại khi các quốc gia cố gắng cân bằng quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc và mối liên kết quốc phòng với Mỹ.


Sau một thập niên chiến tranh ở Trung Đông, Mỹ giờ đây đang hướng tập trung tới châu Á. Ảnh: wordpress

Rất nhiều nước châu Á có quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc nhưng cũng lại là đồng minh quốc phòng của Mỹ. "Những khác biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa của một châu Á trỗi dậy đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới những mối quan hệ an ninh và kinh tế hiện tại", Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nói tại Đối thoại Shangri-La, một hội nghị về các vấn đề an ninh khu vực.

Ông dẫn dắt rằng, ASEAN cũng như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc - tất cả đều coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất nhưng cũng xem xét Mỹ như một "cường quốc an ninh vượt trội" trong khu vực.

"Sự khác nhau về những quan hệ đối tác kinh tế và quan hệ quốc phòng sẽ thách thức cơ cấu sắp xếp hiện tại giữa các quốc gia", Bộ trưởng Singapore nói. "Không một nước nào muốn ở vào vị trí phải chọn lựa giữa các bên".

Trước đó, phát biểu tại Đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố, Washington sẽ dần dần dịch chuyển đội tàu hải quân của mình để tới năm 2020 có 60% tàu ở Thái Bình Dương (hiện tại là 50%).

Quyết định triển khai thêm các tàu tới Thái Bình Dương cùng với việc mở rộng các đối tác quân sự trong khu vực là một phần nỗ lực "được cân nhắc kỹ càng và kiên quyết" nhằm tăng cường vai trò của Mỹ tại một khu vực được coi là tối quan trọng với tương lai Mỹ, ông Panetta cho biết.

Động thái này cũng phản ánh những quan ngại của Mỹ trước sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Panetta khẳng định chiến lược mới không nhằm đặt ra thách thức với Bắc Kinh.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith đã hoan nghênh kế hoạch của Mỹ và nói rằng, nó không ảnh hưởng tới quan hệ của Canberra với Trung Quốc. Australia sẽ chứng kiến 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ triển khai tới khu vực phía bắc nước này trong một phần chiến lược châu Á mà Washington công bố từ đầu năm. Động thái này đã vấp phải phản ứng của Trung Quốc nhưng ông Smith khẳng định, ông sẽ làm rõ ràng điều này trong chuyến công du Trung Quốc tới đây, rằng Canberra muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ với nước khổng lồ châu Á.

Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Jonathan Coleman cũng đánh giá cao sự chuyển dịch của Mỹ. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi thì cho hay, nước ông sẽ tiếp tục làm việc với cả Trung Quốc và Mỹ. "Nếu mục tiêu là để ổn định khu vực, chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực của Mỹ", ông nói tại Singapore.

Trong khi đó, trước động thái của Mỹ, Pháp tuyên bố châu Âu cần xem xét lại chiến lược quốc phòng. "Trong 10 năm tới, ngân sách quốc phòng Mỹ sẽ giảm 500 tỉ USD", Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nói.

"Nói một cách khác, khi Mỹ công bố ưu tiên với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một số nơi khác sẽ có lỗ hổng và sẽ là ở châu Âu", ông nhấn mạnh.

Thái An (theo thedailystar)