Thời gian qua, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm truyền thống của tỉnh Cao Bằng. Thông qua chương trình hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Tính đến thời điểm này, Cao Bằng có 5 làng nghề hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, 149 HTX và 1 liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp… Đây là những lợi thế để các tổ chức, cá nhân sản xuất những sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế tham gia Chương trình OCOP, tạo nên những sản phẩm có giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường.
Toàn tỉnh hiện có 97 sản phẩm OCOP (9 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 88 sản phẩm đạt OCOP 3 sao) thuộc 5 nhóm sản phẩm, gồm: 77 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 10 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, 3 sản phẩm thuộc nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, 4 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ, 3 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Có 67 chủ thể thực hiện (22 HTX, 1 tổ hợp tác, 14 doanh nghiệp và 30 hộ sản xuất, kinh doanh).
Nhiều sản phẩm của Cao Bằng đã có mặt tại một số chuỗi siêu thị và đại lý, cửa hàng bán lẻ tại thị trường trong và ngoài tỉnh, các sản phẩm có năng lực sản xuất lớn, tiêu thụ ổn định như: sản phẩm lạp sườn, thịt xông khói của HTX Tâm Hòa; sản phẩm miến dong Tân Việt Á của HTX nông sản Tân Việt Á; các sản phẩm bún khô của HTX Ba sạch Hưng Đạo; sản phẩm thạch đen Lê Thùy của hộ kinh doanh Nông Thị Lệ Thùy; sản phẩm gạo nếp Hương Bảo Lạc của Doanh nghiệp tư nhân 668 Bảo Lâm; sản phẩm bún khô Cao Tuyền của Công ty TNHH Cao Tuyền…
Ngoài ra, một số sản phẩm hướng tới thị trường xuất khẩu như: sản phẩm hồng trà, lục trà của Công ty TNHH Kolia được xuất khẩu sang các nước: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Australia; sản phẩm chiếu trúc, chiếu trúc hoạt hóa của Công ty TNHH một thành viên 668 được xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), góp phần nâng cao thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm trở lên được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên.
Để hoàn thành mục tiêu, UBND tỉnh Cao Bằng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thực hiện tốt nội dung, hoạt động của chương trình; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm OCOP; tập trung hoàn thiện, nâng cấp những sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới.
Cùng với đó, tỉnh tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm; đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu, kỹ năng về thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Tỉnh tiếp tục hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới dựa trên ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến quy mô nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên sản phẩm chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương, sản phẩm làng nghề, sản phẩm gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống; bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ...
Tỉnh cũng đang nỗ lực nhân rộng mô hình điểm bán hàng OCOP; thử nghiệm mô hình tuyến phố OCOP. Xây dựng hệ thống phân phối phù hợp, từng bước thiết lập hệ thống giới thiệu, bán sản phẩm OCOP riêng và đặc trưng gắn với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng ưu tiên thúc đẩy giao dịch trực tuyến cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp, đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.