Theo đó, không chỉ dừng lại ở loa phát thanh, thông tin tuyên truyền về pháp luật, văn hóa, xã hội, phát triển kinh tế, gương điển hình tiên tiến… được xuất bản trên các ấn phẩm báo chí, tờ rơi. Qua đó, giúp đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, lao động sản xuất và phát triển kinh tế. 

Trong các giải pháp, tỉnh Cao Bằng xác định, báo chí chính thống luôn là kênh thông tin đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Vì vậy, tỉnh chủ trương đưa báo Đảng đến tận các chi bộ, thôn bản để lan tỏa những thông tin tích cực, những cách làm hay, những câu chuyện đẹp, gương sáng trong lao động, sản xuất…

Bên cạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các địa phương trong tỉnh còn chú trọng chia sẻ các thông tin liên quan tới kỹ thuật nông nghiệp, về thị trường hay thông tin mọi mặt đời sống xã hội. Từ đó, người dân dễ dàng nắm bắt nhu cầu của thị trường, các kỹ thuật mới, giá cả của vật tư đầu vào hay sản phẩm đầu ra… để sản xuất sản phẩm đảm bảo tiêu chí, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. 

Ảnh màn hình 2024 12 08 lúc 21.25.32.png
Tuyên truyền chủ trương, chính sách và lan tỏa thông tin tích cực đến người dân.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng linh hoạt, hiệu quả các hình thức thông tin, tuyên truyền qua cổng thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh, panô, áp phích, sách, liên hoan văn nghệ, hội nghị… Cùng với đó, phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ nòng cốt cơ sở trong tuyên truyền về công tác giảm nghèo bền vững.

Hoạt động thông tin, truyền thông trên địa bàn tỉnh được bảo đảm, thông tin liên lạc thông suốt, việc ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả. 100% thôn, bản, làng, ấp trên địa bàn toàn tỉnh phủ sóng thông tin di động và có đường truyền Internet cáp quang, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhu cầu của nhân dân.

Ngoài ra, lực lượng làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thường xuyên chia sẻ, tuyên truyền, lan tỏa những thông tin tích cực, tốt đẹp. Thực hiện chủ trương “phủ xanh thông tin tích cực” nhằm hạn chế tác động của những thông tin tiêu cực, các trang, nhóm trên mạng xã hội của các địa phương, đơn vị tập trung thông tin công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, đăng tải các tin, bài về gương người tốt, việc tốt….

Các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, phát hiện các tài khoản mạng xã hội đăng tải thông tin xấu độc, sai sự thật, kịp thời đề xuất biện pháp đấu tranh, xử lý theo quy định để đảm bảo người dân được tiếp cận thông tin chính thống, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của các thông tin bịa đặt, xuyên tạc. Qua đó đưa công tác giảm nghèo thông tin trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu và thực chất, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và các chỉ tiêu, kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Với sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác giảm nghèo, đời sống người dân nói chung, đồng bào dân tộc nói riêng ở tỉnh Cao Bằng đã thay đổi rất nhiều. Đây chính là động lực để đồng bào tiếp tục đồng sức, đồng lòng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Thời gian tới, để đạt các mục tiêu giảm nghèo về thông tin đòi hỏi các cấp các ngành, các địa phương quan tâm đầu cơ sở hạ tầng thông tin. Bên cạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về y tế, vay vốn tín dụng, xây dựng nhà ở, trao sinh kế, tạo việc làm và nhiều chính sách khác, việc đưa thông tin đến với người dân, từ đó nâng cao nhận thức, khơi dậy ý thức tự giác, chủ động, sáng tạo trong công tác giảm nghèo cũng được địa phương quan tâm triển khai.