Trình độ nhận thức cũng như việc tiếp thu kiến thức khoa học công nghệ còn hạn chế

Đồng bào dân tộc Lô Lô ở tỉnh Cao Bằng có 536 hộ với 2.773 nhân khẩu sinh sống chủ yếu tại 9 xóm thuộc 4 xã vùng đặc biệt khó khăn của 2 huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc, đây là các huyện vùng cao, biên giới nằm ở phía tây của tỉnh Cao Bằng.

Trước đây, họ sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy. Trình độ dân trí đồng bào dân tộc Lô Lô còn thấp, tỷ lệ mù chữ cao, còn nhiều tập quán và hủ tục lạc hậu. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi) sản suất manh mún mang tính tự cung tự cấp, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa được chú trọng, dẫn đến năng suất thấp, chăn nuôi chủ yếu nuôi trâu bò để lấy sức kéo và nuôi gia cầm để phục vụ cho nhu cầu thực phẩm hàng ngày, rất ít để trao đổi hàng hóa, nên đời sống dân tộc Lô Lô còn nhiều khó khăn. 

Thời gian qua, mặc dù đã được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chính sách, chương trình, dự án đã được triển khai ở vùng đồng bảo dân tộc thiểu số rất ít người. Tuy nhiên, do những yếu tố có tính chất lịch sử và điều kiện tự nhiên, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bảo dân tộc Lô Lô vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Các vấn đề xã hội này sinh trong quá trình phát triển, hủ tục lạc hậu, suy thoái giống nổi, tiếng nói và văn hóa truyền thống đang dần bị mai một... là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với các dân tộc thiểu số rất ít người hiện nay.

Điều kiện địa hình phức tạp, độ dốc lớn, diện tích canh tác không tập trung, quy hoạch dân cư, phân vùng sản xuất nhỏ lẻ, nhiều hộ gia đình còn thiếu đất sản xuất; hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ cao; kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém, nhất là đường liên xã liên thôn, liên xóm còn khó khăn trong quá trình đi lại, khó khăn cho vận chuyển hàng hóa…; mặt bằng chung về dân trí đồng bào thấp, trình độ nhận thức cũng như việc tiếp thu kiến thức khoa học công nghệ còn hạn chế; tập quán canh tác lao động sản xuất của đồng bào chủ yếu là thuần nông, mang tính tự cung tự cấp; chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trộng, vật nuôi …

Đưa 536 hộ người Lô Lô vào diện hỗ trợ theo Quyết định 2086/QĐ-TTg 

Để khắc phục những khó khăn hạn chế đó, tỉnh Cao Bằng tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức cho đồng bào về vai trò của khoa học và công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nâng cao mức sống cho đồng bào, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững; tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi, nhất là các tiến bộ khoa học và công nghệ mới, phù hợp với đặc điểm của địa phương; thông tin thường xuyên các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ có hiệu quả trong phát triển kinh tế để đồng bào học hỏi kinh nghiệm và làm theo.

W-nguoilolo.png
Ảnh minh hoạ

Từ khi Ban Dân tộc tỉnh lập danh sách, đưa 536 hộ người Lô Lô vào diện hỗ trợ theo Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025, cuộc sống của đồng bào đã thay đổi rõ rệt.

Với nguồn vốn Trung ương cấp, Ban Dân tộc tỉnh đã đầu tư phát triển sản xuất tại 11 xóm, trọng điểm là xóm Khau Cà (xã Hồng Trị), Khuổi Khon (xã Kim Cúc), huyện Bảo Lạc và xóm Cà Đổng (xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm). Mỗi xóm được nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng để đầu tư trồng cây hồi, cây sở lấy tinh dầu, cấp thiết bị phục vụ bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc.

Vốn nổi tiếng về nghề dệt thổ cẩm, năm 2019, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc được nhà nước hỗ trợ sợi bông để phát triển nghề dệt vải. Từ đó, cuộc sống của các hộ dân người Lô Lô ở đây thay đổi từng ngày. Nhiều du khách đến trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm truyền thống và bản sắc văn hóa người Lô Lô khiến Khuổi Khon trở thành một trong những địa điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng của tỉnh.

Tại xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh, qua khảo sát, ngành chức năng đã hỗ trợ để người Lô Lô ở đây trồng cây sa mộc, cây hồi. Hiện nay, cây sa mộc, cây hồi đã cho thu hoạch. Cuộc sống của người dân đang thay đổi theo hướng tích cực. 

Vận động đồng bào ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ

Bên cạnh đó Cao Bằng chú trọng vận động đồng bào ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có giá trị cao, có lợi thế tại địa phương, phù hợp với tập quán sinh hoạt, sản xuất và phù hợp với vùng, miền hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; chọn nhóm, hộ gia đình làm thí điểm, sau đó nhân rộng các điển hình về ứng dụng thành công tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để sản xuất sản phẩm đặc thù theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời đẩy mạnh mối liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp trong các khâu nghiên cứu – chuyển giao, ứng dụng – sản xuất và tiêu thị sản phẩm, từng bước hình thành thị trường công nghệ và dịch vụ tại địa phương.

Lấy bản sắc văn hóa, tri thức cộng đồng, truyền thống của các dân tộc thiểu số làm nền tảng; phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh làm mục tiêu; khoa học công nghệ là giải pháp. Do đó việc phát triển, ứng dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao mức sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước giảm nghèo bền vững.

Minh Yến