Quyết liệt xây dựng chính quyền số
Thực hiện kế hoạch Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 07/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh đưa ra một số đề nghị để chuyển đổi số thành công đưa vào đời sống, trong đó nhấn mạnh vai trò quyết định của người đứng đầu trong chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu để Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng về chuyển đổi số đi vào cuộc sống, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền đến mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người dân về chuyển đổi số.
Mỗi tổ chức và cấp chính quyền phải xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, lộ trình chuyển đổi số phù hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Chọn việc gì để làm trước và chắc chắn sẽ làm được là một quyết định quan trọng của mỗi tổ chức, địa phương.
Tận dụng nhân lực sẵn có nguồn lực bên ngoài, sự giúp đỡ của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông để tiến hành chuyển đổi số thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số.
Nhằm cổ vũ, nhân rộng và biểu dương tập thể, cá nhân tích cực trong chuyển đổi số, ông Hoàng Xuân Ánh đã phát động phong trào thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số” giai đoạn 2021-2025.
Thực hiện phong trào, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tăng tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết đúng hạn và tăng cường vận động, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, giảm thời gian, công sức giải quyết thủ tục hành chính.
Nhờ sự quyết liệt đó, tỉnh Cao Bằng đã đạt được một số kết quả tích cực về công tác Chuyển đổi số. Kiến trúc nền tảng của chính quyền điện tử, chính quyền số bước đầu được hình thành; cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định hiệu quả; các hệ thống thông tin trọng yếu được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 04 cấp.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính được triển khai đồng bộ đến 100% sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có 1.497 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần được triển khai thực hiện. Có 72,58% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, được giải quyết, tạo bước tiến mới trong xây dựng chính quyền số tại địa phương.
Ứng dụng công nghệ số để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn
Theo chủ đề năm 2023 là năm dữ liệu số, các hoạt động trọng tâm của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số và Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng trong năm 2023 sẽ là dữ liệu số, là năm phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới.
Tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo để cải thiện khả năng quản lý và phục vụ lợi ích người dân một cách có hiệu quả, Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Cao Bằng đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu của tỉnh phục vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đồng thời cũng chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp để thực hiện hiệu quả dữ liệu số trong hoạt động cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Kết quả thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), đã tạo lập kho dữ liệu dân cư khá đầy đủ, chính xác, phục vụ áp dụng thực hiện nhiều tiện ích.
Hỗ trợ người dân tiếp cận, tham gia trong quá trình chuyển đổi số, đến nay, tại các xóm đã thành lập hơn 1.462 tổ công nghệ số cộng đồng làm nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính công trực tuyến.
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai sử dụng thống nhất trong tất cả các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, phục vụ trao đổi văn bản và xử lý công việc, giúp tiết kiệm chi phí in ấn, chuyển phát văn bản, tài liệu. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai kết nối từ tỉnh đến xã, giúp tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí tổ chức các cuộc họp.
Các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh tiếp tục được duy trì triển khai sử dụng hiệu quả, phục vụ chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số. Việc tạo lập, phát triển dữ liệu bổ sung thông tin vào kho dữ liệu dùng chung cũng đang được thực hiện tại 8 ngành, địa phương, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023.
Hoà An