Anh N.H.B. (sinh năm 1998, trú tại Triều Khúc, Hà Nội) thường xuyên ăn uống ở vỉa hè vì tiện, thoáng đãng, thực phẩm ngon, bổ, rẻ, đa dạng.
Cuối tháng 8 vừa qua, sau bữa liên hoan lẩu ếch vỉa hè cùng bạn bè, thanh niên này bắt đầu đau bụng, tiêu chảy. Vài giờ sau, anh sốt cao tới 39 độ C, đau xuyên từ bụng sang lưng. Nửa đêm, bạn bè phải đưa anh vào bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán nam bệnh nhân ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
Ba người bạn khác của anh B. cũng có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn ói nhưng tình trạng nhẹ, chỉ cần uống nước điện giải và theo dõi tại nhà. Sau 4 ngày điều trị, anh B. mới được ra viện.
Anh sống một mình, thường đặt đồ ăn trên các ứng dụng hoặc mua ở các hàng quán ven đường. Năm 2021, nam thanh niên này cũng phải đi viện 1 lần vì ngộ độc thực phẩm từ món bánh bán ngoài vỉa hè.
Sau lần đi cấp cứu này, anh B. cảm nhận sức khỏe suy giảm, ăn uống không ngon nên tránh xa “cơm đường, cháo chợ”.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, ẩm thực đường phố là nét văn hóa riêng ở các thành phố. Ưu điểm của loại hình kinh doanh này là tiện ích, giá rẻ, phong phú. Tuy nhiên, thức ăn vỉa hè, hàng quán bình dân phải đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm.
Thực tế, nhiều vụ ngộ độc trong thời gian qua đều liên quan tới thức ăn đường phố. Không ít chủ cửa hàng quan niệm bán cho người qua đường, tâm lý không cần giữ khách. Người ăn cũng không đòi hỏi quá nhiều về an toàn thực phẩm.
“Với các món ăn, mọi người không thể đặt tiêu chí ngon, bổ, rẻ. Thực phẩm rẻ dễ có nguy cơ kém chất lượng, ôi thiu”, bà Lâm nói.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hằng ngày, đơn vị đều có bệnh nhân vào cấp cứu liên quan tới ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân chủ yếu do nhiễm vi sinh và độc tố của vi sinh vật, nhiễm hóa chất, bản thân thực phẩm có độc (chất độc tự nhiên ở cây cỏ, động vật).
Bác sĩ Nguyên lấy ví dụ ngộ độc Botulinum gây tổn thương não bộ, làm mất đi khả năng điều hành của các dây thần kinh (đặc biệt thần kinh vận động) khiến bệnh nhân bị liệt, tử vong. Chi phí cho các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum rất tốn kém nhưng biện pháp xử lý cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm hiện nay chưa thỏa đáng.
Theo quy định, người kinh doanh thức ăn đường phố phải bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm bao gồm:
1. Đủ nước sạch
2. Có dụng cụ gắp thức ăn chín
3. Không để lẫn thức ăn chín và sống
4. Nơi chế biến thực phẩm phải sạch, tách biệt nguồn ô nhiễm như cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm
5. Người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức, khám sức khỏe định kỳ
6. Nhân viên phải đeo tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng
7. Không sử dụng phụ gia và màu thực phẩm
8. Thức ăn phải được bày bán trên giá cao hơn 60 cm trong tủ kính và bao gói hợp vệ sinh và phải có dụng cụ đựng chất thải.
Tuy nhiên, tại các thành phố lớn, hàng quán thường có diện tích nhỏ, hẹp, khó đảm bảo các tiêu chí trên.
Năm 2024, Bộ Y tế đã có văn bản gửi sở y tế, ban an toàn thực phẩm các tỉnh thành về đẩy mạnh phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố…
Theo đó, đơn vị này khuyến cáo tập trung tuyên truyền trong cộng đồng chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn, có mùi vị, màu sắc khác thường; không nên tự đóng gói kín các thực phẩm trong điều kiện không đông đá tạo điều kiện cho vi khuẩn hiếm khí phát triển, ví dụ như Clostridium botulinum. |