Nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ kể từ sau công cuộc Đổi mới. |
Tiếp tục tăng năng suất lao động trên nền tảng ứng dụng khoa học, công nghệ
Trong vòng 20 năm trở lại đây, Việt Nam luôn nằm trong top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, với tốc độ từ 6-7%. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank), từ năm 2002 đến 2018, GDP đầu người của Việt Nam tăng 2,7 lần, đạt trên 2.700 USD năm 2019.
Tuy vậy, có một số liệu đáng lưu ý khi nhìn vào các chỉ số phát triển để dự đoán tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Đó là năng suất lao động sơ bộ của người Việt năm 2019 vào khoảng 110,5 triệu đồng/lao động.
Báo cáo của tổ chức Năng suất châu Á (APO, 2019) cho thấy, năng suất lao động của người Việt Nam giai đoạn 2011-2018 tăng bình quân 4,8%/năm. Con số này có nhích lên trong mấy năm gần đây (2016-2018) với mức tăng 5,7%/năm.
So sánh với các nước trong khu vực, tỷ lệ tăng năng suất lao động của Việt Nam hiện cao hơn Singapore (1,42%/năm), Malaysia (2%/năm), Thái Lan (3,2%/năm), Indonesia (3,6%/năm), Philippines (4,4%/năm) và cao nhất trong khu vực ASEAN.
Khoảng cách về năng suất lao động trên mỗi lao động (màu đỏ) và trên mỗi giờ (màu xanh) của các nước so với Mỹ. Sơ đồ này cũng cho thấy mối tương quan về năng suất lao động của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Số liệu: APO |
Tuy vậy, thống kê của APO cũng chỉ ra rằng, năng suất lao động tính theo PPP của người Việt vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Trung bình mỗi giờ, năng suất lao động của một người Việt Nam chỉ bằng 1/11,5 so với Singapore, 1/4,5 Malaysia, 1/2,5 Thái Lan, 1/2 Indonesia, 1/1,6 Philippines và thậm chí chỉ bằng 89% của Lào.
Sự tăng trưởng thần kỳ của Việt Nam thời gian qua là nhờ chiến lược phát triển thị trường, mở cửa nền kinh tế với thương mại quốc tế, thu hút mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phát triển nền tảng sản xuất và xuất khẩu.
Nhưng để tiếp tục phát triển, Việt Nam cần thoát khỏi chiến lược phát triển dựa vào lực lượng lao động giá rẻ, xuất khẩu dựa trên các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, và chuyển trọng tâm phát triển vào tăng năng suất lao động. Trong đó, tăng trưởng năng suất do ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ sẽ là yếu tố tiên quyết để Việt Nam phát triển nền kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 1985 - 2019. Số liệu: World Bank |
Theo Dự án “Đánh giá tác động đổi mới của công nghệ ở Việt Nam tới tăng trưởng năng suất GDP của các ngành kinh tế”, kết quả phân tích năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế giai đoạn 2000-2018 cho thấy, tăng trưởng sản lượng bình quân trên mỗi lao động ở Việt Nam là 3,3%.
Có nhiều yếu tố tác động tới sản lượng lao động, có thể kể tới như thâm dụng vốn, sự chuyển dịch lao động giữa các ngành, khả năng hấp thụ công nghệ, nỗ lực của doanh nghiệp đầu ngành trong việc ứng dụng công nghệ,...Trong đó, yếu tố hấp thụ công nghệ đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng, chiếm 1,8% trong tổng mức tăng 3.3% đó.
Báo cáo này cũng cho rằng, trong hơn 20 năm qua, nếu đầu tư nhiều hơn cho công nghệ, phần lớn các doanh nghiệp Việt có thể tiến gần hơn tới mức tối ưu mà các doanh nghiệp hiệu quả nhất trong nền kinh tế có thể đạt được.
Đầu tư cho khoa học công nghệ: Hưởng thành quả phồn vinh 5-10 năm sau
Theo các chuyên gia, việc nâng cao năng lực công nghệ của các doanh nghiệp là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng sản lượng trên mỗi lao động. Việc áp dụng công nghệ là kênh quan trọng của tăng trưởng. Điều này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các công cụ chính sách hỗ trợ cải thiện năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Tuy nhiên, có một thực tế là việc đầu tư cho khoa học và công nghệ ở Việt Nam vẫn còn thấp. Năm 2017, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam chỉ chiếm 0,5% GDP, thấp hơn nhiều so với 1,44% của Malaysia hay 0,8% của Thái Lan.
Việc áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số sẽ tác động mạnh tới năng suất lao động, từ đó tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt |
Mức đầu tư thấp cho R&D, từ cả khu vực nhà nước cũng như tư nhân, là vấn đề rất đáng quan tâm. Mức đầu tư thấp cùng với sự hoài nghi của các nhà đầu tư có thể xuất phát từ niềm tin rằng năng suất thu được từ việc áp dụng và sáng tạo công nghệ là không cao. Tác động trực tiếp và gián tiếp của đầu tư vào công nghệ ở Việt Nam đối với năng suất, GDP và tăng trưởng kinh tế hiện vẫn còn mang tính suy đoán.
Nghiên cứu của Bộ Khoa học & Công nghệ, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR-VNU) và trường đại học Queensland (Australia) đã chỉ ra rằng, việc tăng gấp đôi đầu tư cho R&D trong 1 năm có thể dẫn đến mức tăng trưởng GDP thực trên đầu người hàng năm là 1,8% trong giai đoạn 15 năm. Các tác động cao nhất sẽ được nhận thấy vào khoảng 5 đến 10 năm sau quá trình đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.
Nguồn vốn đầu tư cho R&D cũng sẽ tác động đến sự gia tăng tiêu dùng và tiền lương, chủ yếu do sự gia tăng thu nhập của lao động có kỹ năng và lao động phổ thông trong nền kinh tế. Đặc biệt, trong 15 năm, sự gia tăng đầu tư cho R&D dẫn đến mức tiêu dùng tăng trung bình 2,51% và đầu tư toàn nền kinh tế tăng 2,48% hàng năm.
Nhìn chung, việc áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển sẽ là chìa khóa cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong 20-25 năm tới. Trên con đường đó, các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp ICT sẽ là những “đầu kéo” quan trọng, góp phần chuyển đổi số cho cả nền kinh tế Việt Nam.
Trọng Đạt
Tạo sức mạnh tổng hợp mới cho đất nước
Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong phát triển công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quản trị…, từng bước hình thành kinh tế số, xã hội số, chính phủ số,...