- 4 người trong gia đình anh Phạm Văn Trọng đều từ Thái Nguyên xuống Hà Nội chữa bệnh. Thế nhưng 2 người ở Viện tim Hà Nội, hai người ở Viện Huyết học truyền máu Trung ương. Con lớn đi cùng bố chờ mổ tim, con nhỏ đi cùng mẹ chờ tiếp máu vì bị bệnh huyết tán (Thalassemia) hành hạ.

Tin bài cùng chuyên mục:

Sự xa cách, những căn bệnh hiểm nghèo mãn tính là đã đủ đánh gục một gia đình nghèo, làm nông nghiệp và vẫn sống trong nhà mái cọ.


Ghi ở Bệnh viện tim Hà Nội

Ở khoa Điều trị chờ mổ của Bệnh viện tim Hà Nội, Toàn và bố Trọng ở một trong những căn phòng rộng và vắng. Phản xạ tự nhiên của bé Phạm Văn Toàn (Sinh năm 2002) khi ngồi trước người lạ là ôm ngực và co quắp thu người. Bé nhìn người lạ bằng đôi mắt trong, đen, và ướt lấp lánh… Khi kéo tay bé ra, đặt tay mình vào phần trái tim khuyết thiếu của bé, tôi thấy một trái tim đập loạn nhịp, mạnh mẽ như lúc nào cũng muốn xô khỏi ngực.

Phản xạ rất tự nhiên khi nói chuyện Toàn luôn ôm ngực thế này…
Trái tim của Toàn khuyết thiếu lạ lùng, nó không có phần xương lồng ngực neo giữ, nó đập phập phồng như lúc nào cũng chực nhảy ra… Đó không phải là cách ghi sự bồi hồi của Toàn với cuộc sống, nó là biểu hiện của sự mong manh trong sức khỏe và tính mạng của em.

Bố Toàn là anh Phạm Văn Trọng kể lại: Hai vợ chồng em lấy nhau được 1 năm thì có cháu. Trong nhà bố mẹ đều khỏe mạnh nhưng sinh con được 1 tháng đã phải đưa con đi khắp các bệnh viện. Ban đầu cháu bị thoát vị rốn nên mổ để lại cả tảng sẹo ở phần bụng… sau này lại phát hiện bệnh tim dạng bệnh nặng, cháu không có xương lồng ngực nên trái tim phập phồng đập rất nhanh.

Trong cuốn sổ điều trị bệnh mãn tính dài hạn, ghi về bệnh của Toàn, bác sĩ có viết: Toàn bị Tứ chứng fallot, thân động mạch phải và nhánh phải giãn, hẹp nhánh trái.

Hai bố con Toàn đã xuống Hà Nội được hơn 1 tháng. Toàn bảo: Bây giờ chỉ có một mình em và bố ở đây. Những bạn bị bệnh tim như em, vào sau em cũng ra viện hoặc được đi mổ hết rồi… Hỏi ra mới biết “những bệnh nhân khác thể trạng tốt, dạng bệnh nhẹ đã được đi mổ và xuất viện” chỉ còn Toàn vẫn sống trong chờ đợi.

Ghi ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương

Toàn đi viện được hơn 1 tháng thì cậu em là Phạm Minh Quân ở nhà cũng lên cơn sốt. Biết chẳng thể kìm hãm bệnh mãn tính quay trở lại đều đặn sau chu kì khoảng 1 tháng với con, chị Dương Thị Hạnh (1979) lại tấp tểnh bế con đi viện.
Sau một lần "mượn máu", Minh Quân hồng hào trở lại!

Từ xóm La Chưỡng xã Tân Quang, thị xã Sông Công tỉnh Thái Nguyên chị Hạnh mang con xuống Viện Huyết học theo lời hẹn khám của bác sĩ, khi tình trạng của con đã suy kiệt với các biểu hiện như “Bụng cháu chướng lên, da xanh xao, cháu gầy đi và sốt cả ngày…”.

Ngồi tâm sự tại Viện huyết học, chị Hạnh thấp thỏm: Em chưa thể tới gặp cháu lớn ở Viện tim bởi chỉ có hai mẹ con em ở viện này, cháu nhỏ quá mà lúc nào cũng phải truyền dịch. Mua cơm em cũng phải nhờ người mua hộ. Quan tâm đến con lớn, chị Hạnh cũng chỉ gọi điện hỏi chồng: Hôm nay con có sốt không? Bố có mua đồ ăn đầy đủ cho con không? Răng con mới nhổ còn đau không? Ở bệnh viện người ta bảo thế nào…?

Bé Quân có thể trạng khác thường, dù đã hơn 3 tuổi cháu vẫn nhằng nhẵng bú mẹ. “Cháu gầy quá, cũng không chịu ăn uống gì nên suy dinh dưỡng…3 tuổi mới nặng 6kg. Em chẳng biết làm thế nào nên cứ để cháu bú”. Mẹ Hạnh gầy, những dòng sữa theo phản xạ tự nhiên của mẹ vẫn chảy, nhưng rất ít… Thằng bé Quân cứ nhay nhay cố tìm trong ấy một dòng sữa ngọt, trong đôi mắt đen lánh nổi nên sự thèm thuồng.

Chị Hạnh là một người mẹ gầy, lùn, nhỏ thó và lấm lem chất quê. Chân chị tõe ra khi bước, nhìn cách chị bế bé Quân đi cà nhắc ở hành lang bệnh viện, thấy lam lũ bám đuổi người phụ nữ này không tha.

Vì con suy dinh dưỡng, nên 3 tuổi chị Hạnh chưa cai sữa cho con, lúc chị cho con bú thằng bé cứ nhay nhay cái vú ít sữa của mẹ.

Mắt chị Hạnh ướt khi kể chuyện: “Cũng phải đến vài chục lần đưa con đi viện từ lúc con sinh ra. Lúc con bớt bệnh, da dẻ hồng hào em mang con để vào chiếc thúng để ở góc ruộng tranh thủ nhổ cỏ, cuốc xới. Có lúc không có tiền, em muốn buông bỏ thật sự, nhưng làm mẹ… Em nghĩ nhiều mà không có can đảm kệ con”.

“Nếu vẽ ngôi nhà, cháu sẽ vẽ ngôi nhà che bằng lá”

Ngồi ở Viện tim Hà Nội, bố Trọng khoe: Hồi bé cháu học nhanh và lực học giỏi. Thế nhưng sau này dần lớn lên, cháu chỉ học khá, sức vóc lớn đè lên trái tim nhỏ làm cháu yếu sức nên lực học cũng giảm sút.

Bé Toàn, hồn nhiên tâm sự là thích vẽ… Tôi hỏi, nếu vẽ ngôi nhà của mình, cháu sẽ vẽ ngôi nhà 2 tầng chứ? Toàn nói: “Nhà của cháu có tường gạch thế nhưng chỉ có mái che bằng cọ. Cháu sẽ vẽ như thế mới đúng”. Hỏi về ước mơ, Toàn nói rạch ròi “Hiện tại cháu không dám ước mơ gì cả, khi cháu chữa khỏi bệnh, cháu về đi học thì cháu mới ước mơ tiếp”.

Hai bố con Toàn ở viện lâu, tiêu tốn đủ khoản tiền mà ca mổ tim vẫn chưa suôn sẻ.
Lần này Toàn xuống thông tim và mổ tim ở Viện tim Hà Nội. Cậu bé được một tổ chức về tim giúp đỡ thế nhưng gia đình vẫn phải đóng thêm hơn 30 triệu. Ca mổ vẫn trắc trở bởi, cả tháng liền thể trạng Toàn không tốt, cháu phải điều trị răng hàm mặt, bệnh về hô hấp…để tránh những cơn sốt và nhiễm trùng khi mổ.

“Trước khi đi gia đình em đi vay họ hàng và vay lãi gần 30 triệu thế nhưng 7 triệu tiền thông tim, gần 4 triệu điều trị răng, mấy triệu điều trị tai mũi họng, tiền ăn và tiền mua thuốc bổ cho con hơn một tháng… Túi tiền sắp rỗng mà nhà em kiệt quệ lắm rồi” anh Trọng than thở.

Còn mẹ Hạnh nói về những đứa con bệnh của mình: Con lớn bệnh tim, có thể gia đình sẽ vay mượn vài chục triệu để chữa chạy, nếu may mắn một lần sẽ khỏi. Nhưng con nhỏ, bị bệnh máu mãn tính thế này, nhà em phải sống chung cả đời. Từ giờ đến cuối đời, em và cháu cứ bế nhau đi viện mà thôi.

Ca mổ tim của Toàn được giúp đỡ, nhưng gia đình vẫn phải góp thêm hơn 30 triệu. Vừa rồi để đưa con nhỏ đi viện chị Hạnh lại phải vay lãi. Gia đình đã nợ chồng chất...

Bởi những lẽ đó, hoàn cảnh của gia đình chị Hạnh cần lắm được sự quan tâm của bạn đọc.

Mọi sự giúp đỡ, chia sẻ xin gửi về:

1. Chị Dương Thị Hạnh xóm La Chưỡng, xã Tân Quang, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên (Điện thoại 01683342431)
Hoặc đến trực tiếp Viện tim Hà Nội, gọi điện cho anh Trọng: 01687353218
2. Qua báo VietNamNet (Ghi rõ ủng hộ Phạm Minh Quân và Phạm Văn Toàn)
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
           Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
- Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
- The currency of bank account: 0011002643148
-Bank:
- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX
 3.Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:
Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận             Đống Đa, Hà Nội
Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, P6, quận 3,TP.HCM. Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
  • Email: banbandoc@vietnamnet.vn
  • Tĩnh Phan