anh 16.jpg
Một điều phải lưu ý khi phát triển các dự án lấn biển, đó là sự ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Từ dự án lấn biển Rạch Giá…

Từ vùng đất sình lầy, hoang vắng, trở thành khu đô thị hiện đại, khu lấn biển thành phố Rạch Giá – khu đô thị lấn biển đầu tiên của Việt Nam đã trở thành niềm tự hào của người dân Kiên Giang, là điểm nhấn thu hút các nhà đầu tư tiềm năng và du khách. 

Chia sẻ câu chuyện này, Thạc sĩ – Kiến trúc sư Nguyễn Kim Anh cho biết: Dự án lấn biển xây dựng khu đô thị mới thành phố Rạch Giá đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang phê duyệt và hoàn thành vào ngày 28/12/2015 với tổng mức đầu tư 481 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với tổng chi phí đầu tư theo dự toán ban đầu (853 tỷ đồng). Dự án đã bàn giao 69 lô đất với diện tích 620.000m2 cho đất công cộng, khu hành chính và đất quảng trường, bệnh viện, trường học…

Đây là dự án lấn biển đầu tiên của cả nước, tạo ra quỹ đất 439ha, giải quyết đất cho 65.000 người dân và các khu công ích, cơ quan ban ngành. Dự án còn tạo việc làm ổn định cho hơn 10.000 người ở địa phương.

Khu lấn biển hướng ra vịnh Thái Lan chạy dài 7km đã tạo điều kiện mở rộng thành phố (tăng thêm 2 phường mới) và hình thành những khu đô thị mới lớn nhất vùng Tây Nam Bộ.

Dự án này đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo Rạch Giá từ đô thị loại III lên thành phố loại II với cơ sở hạ tầng tương đối hiện đại và đồng bộ, tạo quỹ đất chiếm 20% diện tích thành phố làm khu vực ở của 25% dân số đô thị, là nguồn thu chủ lực cho ngân sách tỉnh trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc.

“Dự án lấn biển Rạch Giá được coi là công trình độc đáo, đầy sáng tạo của Kiên Giang, bởi đây là lần đầu tiên trong cả nước có dự án “dời non lấp biển” để xây dựng một khu đô thị quy mô lớn. Đáng chú ý, dự án được thực hiện chủ yếu bằng phát huy nội lực theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng”, Thạc sĩ – Kiến trúc sư Nguyễn Kim Anh nhận xét.

Cũng theo Thạc sĩ – Kiến trúc sư Nguyễn Kim Anh, việc xây dựng tuyến đê biển vịnh Rạch Giá – Kiên Giang ngoài việc làm giảm thiểu tác động của lũ sông Mekong kết hợp với triều cao ngoài biển, còn tạo ra cho khu vực này một hồ trữ nước ngọt với dung tích lớn (khoảng 3,5 tỷm3), tạo điều kiện để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực như nuôi trồng thủy hải sản, đồng thời giảm xâm nhập mặn, tạo một hệ cảnh quan sinh thái mới vùng ven biển. Tuyến đê biển mới là tiền đề chuyển đổi sản xuất, phát triển thêm một số ngành kinh tế như: Du lịch, cảng biển, điện gió…

… tới câu chuyện đô thị lấn biển ở Việt Nam

Từ câu chuyện Rạch Giá, Thạc sĩ – Kiến trúc sư Nguyễn Kim Anh bàn luận rộng hơn về câu chuyện đô thị lấn biển tại Việt Nam.

Với hơn 3.200k bờ biển, việc xây dựng đô thị lấn biển không chỉ là giải pháp mở rộng quỹ đất mà còn ứng phó với thực trạng biển đang ngày một ăn sâu vào đất liền. 

Tuy nhiên, “các dự án lấn biển của Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng ở việc mở mang đất đai, chưa có nhiều mục tiêu khác như: Kiểm soát mực nước triều, chống triều cường, tăng khả năng thoát lũ, phát triển kinh tế ven biển…”, Thạc sĩ – Kiến trúc sư Nguyễn Kim Anh lưu ý, đồng thời khuyến nghị: “Cần có sự nhìn nhận xa hơn, không chỉ lấn biển sát bờ mà còn cần tính đến cả các dự án cách xa bờ. Những khu vực có điều kiện lấn biển nên tính đến các dự án trong tương lai. Cùng với đó, chúng ta cũng cần nghĩ đến việc kết nối các đảo nhỏ còn ít người ở, làm kè biển, đê biển, san lấp phát triển thành các điểm dân cư, khu đô thị mở, vừa có thêm quỹ đất vừa đảm bảo công tác an ninh quốc phòng tại các khu vực xa đất liền”.

Một điều nữa cũng phải đặc biệt quan tâm lưu ý khi phát triển các dự án lấn biển, đó là sự ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đất ngập nước, biến đổi dòng chảy ở các khu vực gần cửa sông, đời sống của người dân ven biển, và đặc biệt là biến đổi khí hậu. Trước khi thực hiện lấn biển, cần nghiên cứu kỹ tác động biến đổi sinh thái, môi trường, khí hậu, tham khảo ý kiến chuyên môn của các chuyên gia đầu ngành nhằm ngăn chặn những hậu quả xấu có thể xảy ra.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, việc xây dựng hệ thống đê biển để trữ nước ngọt và kiểm soát hạn mặn là việc làm cần thiết đối với các quốc gia ven biển. Điều này càng trở nên cấp thiết với quốc gia có đường bờ biển dài như Việt Nam và khu vực châu thổ đồng bằng sông Cửu Long đang có nguy cơ bị xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ngoài ra, giải pháp năng lượng xanh, sử dụng vật liệu tại chỗ cũng cần tính đến. Cần phải có giải pháp để lấy nguyên liệu lấn biển giá thành rẻ, sẵn có và hiệu quả. Ví dụ như Quảng Ninh đã sử dụng xỉ than khi lấn biển ở Cẩm Phả. 

Việt Hoàng và nhóm PV, BTV