anh sau rieng 4.png
Nhiều hợp tác xã chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của mã số vùng trồng. 

Đó là phản ánh từ các địa phương tại diễn đàn về nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức.

Cụ thể, tại thành phố Cần Thơ đang có tình trạng một số hợp tác xã, người dân, vùng sản xuất chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của mã số vùng trồng.  

Tại tỉnh Trà Vinh, hầu hết các hợp tác xã và doanh nghiệp, người dân chưa hiểu đầy đủ về ý nghĩa của việc sử dụng mã số vùng trồng trong hoạt động nông nghiệp. Khó khăn lớn nhất mà họ đang đối mặt hiện nay là sự thiếu thông tin về quy trình và thủ tục để đạt được mã số vùng trồng. Điều này phần lớn xuất phát từ việc công tác tuyên truyền hiện tại còn hạn chế trong việc giới thiệu về tầm quan trọng của mã số vùng trồng. 

Bên cạnh đó, về việc cấp mã số cơ sở đóng gói, nhiều hợp tác xã chưa đủ điều kiện về trang thiết bị và máy móc để thực hiện quá trình đóng gói - thường phải thuê gia công từ các đối tác bên ngoài, điều này gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng và tạo ra sự phụ thuộc không mong muốn.

Tương tự, tại tỉnh Kiên Giang, đến nay, diện tích được cấp mã số vùng trồng mới chiếm tỷ lệ rất nhỏ, với 165 mã đã được cấp, tổng diện tích 7.072 ha, cho 13 loại cây trồng khác nhau. Riêng cây lúa được cấp 118 mã vùng trồng, diện tích 6.043 ha. Có thời gian, công tác xây dựng tiêu chuẩn mã vùng trồng bị đình trệ trong thời gian dài, do chậm có hướng dẫn thực hiện. Hiện nay, toàn tỉnh còn 400 hồ sơ đang chờ cấp mã số vùng trồng, nhưng theo quy định, chủ thể được cấp mã số vùng trồng phải được tập huấn trước khi cấp, do đó cần thời gian để mở các lớp tập huấn nhằm đủ điều kiện cấp.

Ông Minh Quý, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam thường trú tại Đắk Lắk cho biết: Hiện nay, các hợp tác xã ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng còn nhiều khó khăn trong việc làm thủ tục cấp mã số vùng trồng. Có hợp tác xã làm hồ sơ từ năm ngoái đến nay vẫn chưa được cấp. 

“Khó khăn thứ nhất là mỗi huyện áp dụng mỗi thủ tục khác nhau, không theo quy định của Cục Bảo vệ Thực vật. Thứ hai, đa số diện tích canh tác ở Tây Nguyên là trồng xen, nhỏ lẻ, nên việc làm hồ sơ theo đúng quy định cũng khó. Thứ ba, sổ đỏ của người dân đa số “cắm” ngân hàng, khi yêu cầu phô tô công chứng thì bị ngân hàng làm khó dễ. Thứ tư, khi phân cấp về cho các địa phương thì thủ tục rườm rà hơn, hợp tác xã phải nộp hồ sơ qua phòng nông nghiệp, đợi bên này xuống thẩm định rồi mới nộp sở nông nghiệp và phát triển nông thôn duyệt, các địa phương lại đang thiếu nhân sự thực hiện việc này nên quá trình thực hiện các thủ tục bị kéo dài”, ông Quý phân tích.

Bàn về câu chuyện mã số vùng trồng, Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý hiện tượng không ít hộ dân, hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng vẫn nghĩ có được mã số là có được tất cả nên không chú trọng đến việc duy trì, bảo vệ tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm nên gây ra nhiều rủi ro cho những mã số đã được cấp. Mặt khác, nhiều bà con nông dân, hợp tác xã và cơ quan chức năng các địa phương chỉ mới tập trung phát triển mã số vùng trồng cho các nông sản đi Trung Quốc mà chưa quan tâm đến các thị trường khác như Mỹ, châu Âu…, đây có thể xem là sự ngộ nhận về mã số vùng trồng. 

Trong khi thời gian khi nộp hồ sơ và chờ phía Trung Quốc kiểm định, kiểm tra thực tế thường rất lâu. Có những hợp tác xã, nông hộ gửi danh sách đợt tháng 3/2023 nhưng đến tháng 8 vẫn mới có lịch hẹn chứ chưa thể kiểm tra trong khi các mã sản phẩm này đã thu hoạch xong.

“Trong thời gian tới, cần nâng cao nhận thức của chính quyền bà con nông dân cùng hợp tác xã về xây dựng mã vùng trồng cho tất cả sản phẩm, tất cả địa phương trong nước. Từ các mã này có thể phát triển ra hệ thống mã vùng trồng cho nhiều quốc gia khác nhau”, Tiến sĩ Trần Minh Hải đề xuất giải pháp.

Thục Anh và nhóm PV, BTV