Trong cuốn sách “Chân dung của ly hôn”, nhà báo Chu Hồng Vân viết: “Đổ vỡ hôn nhân là một câu chuyện nổi bật và tôi cho rằng nó có ảnh hưởng sâu sắc hơn cả đến những đứa trẻ. Những đứa trẻ lớn lên trong sự đổ vỡ của cha mẹ cũng phải trải qua nhiều biến cố, chịu đựng nhiều đau khổ khác nhau. Tổn thương từ đổ vỡ đó có thể được chữa lành, nhưng có thể mãi mãi là nỗi đau cùng những đứa trẻ lớn lên”.
Dù lấy những đứa trẻ làm cốt lõi để phát triển đề tài, song những câu chuyện nghe được đã dẫn tác giả tới một bức tranh ly hôn toàn cảnh hơn. Trong đó có chân dung của những người bố người mẹ, có người hành xử bất chấp, điên rồ, có người tột cùng đau đớn, có người áp đặt con và áp đặt chính mình, có người cẩn trọng, bao dung và tìm được hạnh phúc sau đổ vỡ…
Qua những trang sách, độc giả sẽ gặp chị Thanh Tú, chồng đi du học rồi “mất tích” luôn… mười hai năm, một ngày anh trở về, và cuộc ly hôn diễn ra. Hoặc sẽ gặp Nam, cậu bé cứ đến tiết học cuối là gần như phát điên, vì đấy là lúc mẹ cậu chờ ở cổng trường chỉ để được nhìn cậu một lát (bố mẹ cậu ly hôn và bố cấm mẹ gặp cậu).
“Đến chết chắc tôi cũng không thể nào quên giây phút cô giáo chủ nhiệm đưa con ra gặp tôi. Con thay đổi khá nhiều trong những ngày xa mẹ khiến tôi mường tượng con đã không được chăm sóc chu đáo. Ý nghĩ đó làm lòng tôi đau như xát muối. Mẹ con tôi ôm nhau. Tôi được ôm đứa con bằng da thịt chứ không phải nằm mơ nữa. Đó là một khoảnh khắc hạnh phúc mà tôi không bao giờ quên”, nhân vật Hằng kể về khoảnh khắc cô gặp lại con kể từ ngày chồng cô mang con đi mất.
“Mất gần ba năm để tìm kiếm, lựa chọn nhân vật, tôi đã có thể tiếp cận câu chuyện của nhiều người. Có những người đã gặp, đã kiểm chứng từ nhiều kênh khác nhau nhưng tôi vẫn phải gác lại vì nỗi băn khoăn gợn lên chưa minh định được. Nhưng cũng có trường hợp ngay từ lúc ban đầu tôi đã nghĩ phải có nó bằng được trong cuốn sách của mình. Tôi muốn nghe câu chuyện ở các góc tiếp cận khác nhau: bố mẹ và con cái, những thầy cô giáo, chuyên gia tâm lý hay luật sư, thẩm phán. Cùng một vấn đề, nhưng ở những góc khác nhau, tôi lại phát hiện thêm những điều mới mẻ”, nhà báo Chu Hồng Vân kể.
Trong quá trình kể lại các câu chuyện, tác giả cũng đã nêu ra nhiều vấn đề xã hội đáng quan tâm như: Sự bảo vệ của luật pháp đối với phụ nữ và trẻ em sau ly hôn chưa mạnh, định kiến xã hội đối với những người ly hôn hóa ra vẫn còn rất nặng nề…
Hành trình tìm kiếm, thuyết phục nhân vật rất khó khăn. Có người đã đồng ý nói chuyện lại thay đổi. Có người cáu giận khi nghe đặt vấn đề. Đa số mọi người đề nghị đổi tên nhưng cũng có người sẵn sàng để tên thật và địa chỉ cụ thể. Tuy nhiên, tác giả quyết định đặt cho các nhân vật tên mới vì muốn bảo đảm những đứa trẻ trong các câu chuyện không bị ảnh hưởng, đảo lộn cuộc sống.
“Ám ảnh nhất với tôi là góc khuất trong tâm hồn những đứa trẻ mà tôi được nghe kể, đôi lúc, khiến tim tôi cũng như bị bóp nghẹt. Nhưng cũng có khi những chia sẻ tinh tế bất ngờ của một đứa trẻ lại chạm đến tâm hồn tôi, làm tim tôi run lên và nước mắt trào ra vì xúc động. Câu chuyện hậu ly hôn với nhiều bế tắc, ngột ngạt, sự vật lộn đau khổ của các nhân vật khiến tôi có lúc chao đảo và rơi vào trạng thái tiêu cực. Cũng bởi thế tôi đặc biệt quan tâm đến những câu chuyện mang màu sắc tươi sáng. Trong cuốn sách này, những thanh âm hạnh phúc, dù ít ỏi hơn những giai điệu buồn bã, vẫn giúp tôi lấy lại năng lượng. Nó làm tôi hy vọng vào những điều tốt đẹp sẽ đến với các nhân vật tôi gặp và chuyện trò”, nữ tác giả chia sẻ thêm.
Những câu chuyện được kể ở chương cuối cùng – “Lấp lánh” - là minh chứng rằng tình yêu dành cho con trẻ, lòng bao dung, tình yêu thương nói chung, có sức mạnh chữa lành. Như sau cơn mưa trời lại sáng. Như trong bóng đêm sẽ có những vì sao lấp lánh. Như qua đau khổ, mất mát, sẽ thấm thía sâu sắc hơn về sự ngọt ngào của yêu thương, tha thứ.
“Ở cuốn sách này, tôi chỉ là một người kể chuyện, không phán xét hay cố bày tỏ về một “chuẩn” nào. Chỉ mong ít nhiều nó có ý nghĩa nào đó, như một cuộc sẻ chia, hay một sự khơi gợi suy ngẫm về cuộc sống”, nhà báo Chu Hồng Vân tâm sự.