Xác định công tác giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo đảm an sinh xã hội, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Với nhiều giải pháp đồng bộ, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm của huyện Hoàng Su Phì đạt trên 5%, riêng năm 2023 giảm 850 hộ nghèo.

Một trong những giải pháp mà các địa phương tại huyện Hoàng Su Phì linh hoạt vận dụng, đó là phát huy vai trò của những người có uy tín, để họ thực sự là cầu nối giữa các chủ trương, chính sách Nhà nước với nhân dân nghèo.

Tại xã Hồ Thầu, gia đình chị Phàn Mùi Ghến ở thôn Tân Thành là một trong những hộ nghèo nhất. Khi xã triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình giảm nghèo bền vững, gia đình chị đứng đầu danh sách hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở và phát triển kinh tế.

Được hỗ trợ 44 triệu đồng để làm nhà và hơn 10 triệu để chuyển đổi nghề, chị Ghến vừa mừng vừa lo vì không có tiền để làm nhà. Để vận động chị Ghến mạnh dạn hơn, nắm bắt cơ hội vươn lên thoát nghèo, xã Hồ Thầu đề nghị những người có uy tín tại địa phương vào cuộc.

Gia đình chị Phượng Mùi Ghến ở cùng thôn với chị Phàn Mùi Ghến, sở hữu mô hình trồng hơn 600 gốc lê. Trước đây do không được chăm sóc, cây trồng còi cọc, mẫu mã quả xấu, hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp, thậm chí có lúc chị Phượng Mùi Ghến có ý định chặt bỏ. Nắm bắt tâm tư của người dân khi triển khai các chương trình hỗ trợ, xã Hồ Thầu đã cùng những người uy tín trong thôn vận động, chia sẻ với gia đình. Kết quả, năm nay gia đình chị Ghến đã thay đổi tập quán canh tác, mua phân bón về chăm sóc cho cây đồng thời phát quang cỏ rậm.

Lãnh đạo nhiều địa phương ở Hoàng Su Phì hiểu rõ, với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, người có uy tín trong thôn, xã, có vai trò quan trọng trong phối hợp tuyên truyền, vận động và tham gia giám sát việc thực hiện các chế độ, chương trình đầu tư, hỗ trợ.

Tại xã Pố Lồ, ông Tải Sào Sơn được đánh giá là người rất có uy tín. Từ năm 2022 đến nay, xã Pố Lồ triển khai nhiều chương trình, dự án thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững. Các hoạt động triển khai từ hỗ trợ trực tiếp cho người dân phát triển kinh tế, đến xây dựng các công trình phúc lợi, đường giao thông…

Ở những hoạt động này, những người có uy tín trong nhân dân trên địa bàn xã đều tham gia giám sát ngay từ đầu. Họ được xem là "cầu nối đặc biệt" giữa nhân dân và chính quyền.

Đã thành thông lệ, hàng tuần, cấp ủy, chính quyền xã Pố Lồ dành thời gian lắng nghe những "cầu nối đặc biệt" trao đổi kết quả đạt được; tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời cũng là dịp để cấp ủy, chính quyền xã cung cấp thông tin, định hướng chỉ đạo đến với nhân dân. 

Ở xã Nậm Khoà, anh Nùng Hùng Chính, Bí thư Chi bộ thôn Nùng Cũ, được đánh giá luôn tận tâm, tiên phong, gương mẫu trong thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia tại địa phương, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững.

Anh Chính luôn là trung tâm đoàn kết, thường xuyên bàn bạc, trao đổi thống nhất ý kiến. Nhờ nhiều cách làm hay, hiệu quả, đến nay thôn Nùng Cũ đã có 19 hộ được hỗ trợ 40 con ngựa giống và 3 hộ được hỗ trợ giống trâu từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thôn Nùng Cũ có 70 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng, Bí thư Chính trực tiếp đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo... Đời sống người dân nghèo thôn Nùng Cũ từng bước được nâng lên, nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả được nhân rộng.

W-Giảm nghèo (133).jpg
Đời sống người dân vùng cao có nhiều khởi sắc từ khi triển khai các chương trình giảm nghèo.

Còn ở xã Pờ Ly Ngài, ông Lù Tờ Mìn, ở thôn Chàng Chảy, là người có uy tín, luôn chủ động phát huy vai trò, tiếng nói của mình trong những công việc chung của thôn. Nhận thức rõ đối tượng thụ hưởng chính sách các chương trình mục tiêu quốc gia khá  nhiều, ông Mìn đã tự nghiên cứu, tìm tòi, cập nhật thông tin để đồng hành với cấp ủy, chính quyền xã, thôn trong quá trình tuyên truyền, vận động nhân dân để người dân hiểu về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của Chương trình.

Từ khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia tại thôn, bằng uy tín của mình, ông Mìn đã cùng chính quyền xã, thôn tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trong thôn hiến đất, xây dựng được 1,2km đường liên thôn; làm mới được 8 ngôi nhà; sửa chữa được 3 nhà sàn. Ông và người dân tham gia xây dựng nhiều điểm mô hình kinh tế hộ và ký kết dòng họ Lù không hôn nhân cận huyết thông qua các cuộc họp của thôn.

Đóng góp từ hoạt động của những người có uy tín trong thôn, xã theo cách làm của Hoàng Su Phì đã khơi dậy ý chí, quyết tâm của người dân trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và các chương trình khác.