Lầu Mí Xá là chàng sinh viên năm 3 của Học viện Hành chính quốc gia. Kể từ sau Tết Nguyên đán, trường học của Xá bắt đầu chuyển sang hình thức học trực tuyến vì ảnh hưởng của Covid-19. Không phải đi học dưới Thủ đô, với Xá cũng có nhiều cái vui. Nhờ thế, cậu có thêm thời gian để giúp đỡ bố mẹ lên nương, cắt cỏ.
Nhưng nhà của Xá ở tít tận bản Sủng Của, xã Sủng Trái (Đồng Văn, Hà Giang). Ở nơi sóng điện thoại kết nối chập chờn, Xá lo không thể bắt nổi mạng để tham gia vào các lớp học.
Nơi duy nhất trong thôn có thể kết nối Internet là điểm trường Sủng Của. Thế nhưng mới đây, chính quyền đã chọn đó là nơi cách ly tập trung cho những người đi làm ăn từ Trung Quốc trở về. Xá nghĩ, “có lẽ mình phải bảo lưu học kỳ này”.
Kể từ ngày 6/4, các giờ học của lớp Quản lý công sẽ diễn ra từ 6h30 đến 12h. Trước đó vài ngày, Xá leo lên ngọn núi phía sau nhà để thử “hứng” sóng Internet. Đôi lúc sóng chập chờn, nhưng có khi mất hẳn.
Lầu Mí Xá là chàng sinh viên năm 3 của Học viện Hành chính quốc gia
Một lần đi qua con đường liên thôn, Xá vui mừng khi thấy hiện lên sóng 4G. Cậu quyết định sẽ chọn đây là nơi học tập của mình trong quãng thời gian học trực tuyến.
Nghĩ rồi, Mí Xá về nhà xin bố 12 chiếc cọc gỗ cùng 8 tấm ván gỗ. Cọc gỗ được Xá đào đất, cắm xuống nương ngô để dựng thành khung nhà, sau đó lấy đá chèn chặt quanh chân; còn ván gỗ được ghép lại thành sàn. Sau đó, Xá lấy bạt phủ kín quanh chiếc lán vừa dựng để che nắng, che mưa. Để có điện, Xá kéo dây từ nhà cách đó 200m.
Căn lán 15m2 được dựng ngay trên nương ngô của người cô ruột, cách nhà Mí Xá chừng 1km. Lán hoàn thành, Xá chắc mẩm có thể “chịu” được tới vài người.
Tối hôm đó, Mí Xá rủ thêm người bạn cùng thôn đến ngủ để kiểm định độ chắc chắn. Giữa đêm trời đổ mưa to, nước mưa rơi xuống chỗ nằm khiến người và chăn ướt nhẹp. Sáng sớm hôm sau, Xá phải sang nhà anh rể mượn thêm bạt để che lại.
“Bây giờ có thể yên tâm, thoả mái học online rồi”, Xá tự tin nói.
Một người bạn giúp Xá dựng lán
Cả ngày học tại lán, nếu trời còn sớm, Mí Xá sẽ về phụ bố mẹ chuyện nhà cửa, lên nương. Nếu muộn, cậu ngủ luôn tại lán để bắt đầu cho buổi học của ngày hôm sau. Xá dặn bố mẹ đừng gọi để mình tập trung vào việc học. Nhưng bố mẹ Xá không hiểu lắm việc học online là cái gì. Cũng vài lần, mẹ Xá gọi điện liên tục bảo con trai về ngay. Xá tắt điện thoại, nhờ bạn sang nói với mẹ đừng gọi cho mình nữa.
Chiếc lán dựng ngay con đường liên thôn khiến người dân trong bản hiếu kỳ. “Mày dựng lều để trồng ngô hả Mí Xá?”, nhiều người đi qua hỏi.
“Cháu dựng để học bài”, Xá nói bằng tiếng Mông.
Câu trả lời của Xá khiến nhiều người thắc mắc: “Học mà cũng phải vất vả quá nhỉ?”.
Căn lán 15m2 được dựng ngay trên nương ngô của người cô ruột, cách nhà Mí Xá chừng 1km.
Gia đình Mí Xá có 3 anh chị em nhưng anh trai đã qua đời kể từ khi Xá học lớp 8. Năm lên lớp 9, người chị gái đi lấy chồng ở xa. Bố mẹ mong Xá nghỉ học lấy vợ rồi ở nhà phụ giúp gia đình. Nhưng Xá không muốn như vậy.
Ước mơ từ thuở bé của cậu là được làm cán bộ xã. Vì thế, Xá quyết tâm ôn luyện để thi vào Trường Nội trú tỉnh.
Đến khi học xong lớp 12, bố mẹ vẫn chưa thôi ý định thúc giục cậu lấy vợ. Dù cho người mẹ khóc hết nước mắt vì “học mà làm gì khi cơm còn chẳng đủ”, Xá vẫn giữ vững tư tưởng.
Xá nói với mẹ, “phải học mới có thể làm cán bộ. Mình không thể làm thuê mãi được”.
Đỗ vào Học viện Hành chính quốc gia, Mí Xá trở thành người duy nhất của bản nghèo được đi học đại học trên Thủ đô. Ngày Xá đi học, bố mẹ cho phép cậu mang chiếc xe máy đổi từ con bò duy nhất trong nhà xuống Hà Nội để phục vụ cho việc học và làm thêm.
Đến tận bây giờ, dù vẫn chưa hiểu con học để làm gì, nhưng bố mẹ Mí Xá vẫn nghĩ rằng, chắc Xá học để được làm cán bộ. Còn Xá thì tin, đây là những gì tốt nhất cậu có thể làm cho tương lai của mình.
“Em biết việc đi học sẽ không dễ dàng, nhưng điều em mong nhất là học để sau này về xã làm cán bộ. Em mong sẽ tuyền truyền cho bà con về tầm quan trọng của việc học.
Em biết nhiều người thôn bản em không thiết tha với việc đi học và giờ mọi người đều khổ quá. Nếu sau này có thể thành công, em mong mình sẽ là một minh chứng cho việc học sẽ làm được những điều có ích thay vì đi làm nương, cắt cỏ”.
Biết được câu chuyện của Xá, thầy Bùi Huy Tùng, Trưởng Ban Quản lý Bồi dưỡng, Học viện Hành chính Quốc gia bày tỏ: “Học viện rất vui và tự hào về những sinh viên có tinh thần quyết tâm trong học tập như sinh viên Lầu Mí Xá. Điều đó thể hiện tinh thần, bản lĩnh của sinh viên dù ở trong hoàn, điều kiện nào đều không sợ khó, không sợ khổ.
Chúng tôi cũng biết rằng, không chỉ Lầu Mí Xá, mà còn nhiều bạn trẻ, nhiều sinh viên Việt Nam, ở khắp mọi miền Tổ quốc, đã và đang tìm mọi cách để khắc phục khó khăn, trở ngại, với chung một lòng quyết tâm “tạm dừng đến trường, không dừng học. Đây là điều rất đáng trân trọng”, thầy Bùi Huy Tùng nói.