Theo thống kê, có 80% startup Việt Nam thất bại ngay trong năm đầu tiên và con số đó lên tới 92% trong 3 năm tiếp theo, cho dù các ý tưởng startup có hay đến thế nào.
Các startup thường nghĩ rằng khi bắt đầu thì chỉ cần một ý tưởng hay. Tuy nhiên từ ý tưởng đến việc quản trị, điều hành và phát triển một dự án hay một doanh nghiệp là điều không hề dễ dàng. Thực tế, ý tưởng khởi nghiệp chỉ chiếm 1% thành công của startup, 99% còn lại là do các yếu tố khác như tài chính, quản trị, nhân sự và marketing.
Lý do các startup thất bại phần lớn xoay quanh 2 kỹ năng, đó là kỹ năng quản trị và kỹ năng tài chính, làm không tốt một trong 2 kỹ năng đó sẽ giết chết doanh nghiệp của bạn.
Trong một chương trình truyền hình vừa qua, anh Nguyễn Khôi - CEO của ứng dụng WeFit, ứng dụng được xem như first mover (người tiên phong) trong việc đưa công nghệ vào lĩnh vực healthy và fitness (sức khỏe và thể hình) đã đưa ra những quan điểm, lý do xoay quanh vấn đề tài chính khiến nhiều startup Việt thất bại trong những năm đầu.
Thiếu vốn
Trong startup, nguồn vốn là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển. Để một startup có thể phát triển thì cần nguồn vốn rất lớn. Tuy nhiên không phải startup nào cũng có vốn để phát triển dự án của mình.
Trong những năm đầu tiên, đa phần các startup đều gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính. Nguyên nhân có thể là do không kêu gọi được vốn hoặc sản phẩm mà họ tạo ra không ra mắt được thị trường và không đem lại doanh thu.
Anh Nguyễn Khôi chia sẻ: "Tôi đã từng làm khoảng 5 đến 6 dự án về công nghệ, hiện tại chỉ có WeFit là còn phát triển trong 3 năm nay. Những dự án thất bại trước đó đều thất bại nhanh chóng và những thất bại đó đều liên quan đến tài chính.
Có một ứng dụng chúng tôi chỉ tạo ra trong vòng 3 tháng nhưng sau đó tôi phát hiện ra chỉ có bốn người dùng. Đó là tôi, một cộng sự và bố mẹ tôi. Vì không có người dùng nên đã không tạo nên lợi nhuận trong khi chúng tôi đã tiêu hết số tiền tiết kiệm trong 3 tháng đầu tiên".
Một thực trạng xảy ra đối với các startup dẫn đến việc không bán được sản phẩm và không đem lại doanh thu đó chính là họ quá yêu ý tưởng và sản phẩm của mình. Vì thế họ đã không đủ minh mẫn để thử nghiệm và biết chính xác nhu cầu của người dùng đối với sản phẩm đó.
Thiếu kỹ năng về tài chính
Hiện nay, founder của các công ty startup, đặc biệt là các startup công nghệ thường xuất thân là dân kỹ thuật. Những người này học về công nghệ, học về cách xây dựng sản phẩm mà thường thiếu kiến thức cũng như kỹ năng tài chính cơ bản.
CEO WeFit cho rằng: "Trong quản trị doanh nghiệp thì quản trị tài chính là một trong những thứ quan trọng nhất. Vì tiền là máu và một khi hết máu rồi thì khó có thể tồn tại được".
Kỹ năng về quản trị tài chính là một trong những yếu tố hàng đầu giúp startup thành công.
Cho nên khi bắt đầu vận hành một doanh nghiệp các startup thường không lường trước được những khoản cần chi tiêu, đặc biệt là đối với những khoản chi phí không liên quan đến sản phẩm như thuê văn phòng, điện nước và một vài phụ phí liên quan.
Anh Khôi Nguyễn cũng cho biết: "Rất ít các founder ở Việt Nam biết được ở giai đoạn nào thì nên cần bao nhiêu tiền, cho việc gì? Tôi đã gặp rất nhiều người ngay khi bắt đầu có ý tưởng đã định giá công ty lên đến vài triệu USD và gọi vốn 1 triệu USD. Nhưng thường không có nhà đầu tư nào ở Đông Nam Á có thể rót khoản tiền như vậy cho họ".
Trong khi kỹ năng về tài chính là một trong những yếu tố hết sức quan trọng để dự án, doanh nghiệp có thể tồn tại thì nhiều startup lại thiếu kỹ năng về mảng này. Đây là một lỗ hổng cực kỳ lớn dẫn đến tình trạng nhiều startup chết yểu.
Chết vì... quá nhiều tiền
Các startup chết vì thiếu vốn đã đành, nhưng cũng không ít startup chết vì có quá nhiều tiền. Thực tế, khi kêu gọi được vốn đầu tư, nhiều startup đã đốt tiền vào những việc không cần thiết dẫn đến việc doanh nghiệp nhanh chóng bị phá sản.
CEO WiFit chia sẻ: "Tháng 3 năm 2017, chúng tôi cũng đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Khi đó, chúng tôi mới kêu gọi được vốn và đã chi rất nhiều tiền cho marketing. Chúng tôi nghĩ rằng, khi bỏ 1 đồng thì sẽ thu về 10 đồng, nhưng thực tế chỉ thu về 3 đồng.
Về cơ bản khi mọi người nhìn vào thì vẫn thấy dự án đang tăng trưởng nhưng thực chất đã hụt 7 đồng so với kế hoạch và điều này đã tạo nên một "cái hố" trong dòng tiền. Sau đó, chúng tôi đã phải rất khó khăn trong việc tìm ra biện pháp xoay vòng tiền để doanh nghiệp có thể tồn tại".
Từ sự việc này, anh Nguyễn Khôi cũng nhận ra rằng, việc gọi vốn thành công mới chỉ là bước đầu trong xây dựng startup, quan trọng là số tiền mà bạn gọi được sẽ được tiêu vào những việc gì và cần có những dự toán trong tương lai.
Rất nhiều startup đi trước đã để lại bài học về việc chi tiêu không hợp lý sẽ khiến startup thất bại, tuy nhiên nhiều người vẫn mắc phải sai lầm này cho đến khi trải qua nó.
Theo Khởi Minh
Trí thức trẻ