- Gã khổng lồ, chaebol lớn nhất của Hàn Quốc - Samsung - gần đây đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề rắc rối, có thể còn chịu nhiều áp lực trong thời gian tới. Trong khi đó, ông chủ của tập đoàn này nằm liệt giường, còn con trai lại vướng vòng lao lý.

Bê bối chaebol lớn nhất Hàn Quốc

Theo Bloomberg, Tòa án quận Trung tâm Seoul vừa bác yêu cầu bắt giữ Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong về những cáo buộc liên quan đến vụ bê bối chính trị lớn nhất tại Hàn Quốc, dẫn đến vụ luận tội Tổng thống Park Geun-hye.

Quyết định này đã phần nào giải phóng được nỗi lo của ông Lee Jae-yong, con trai duy nhất của chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee, về vấn đề thừa kế và điều hành tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc này.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong hàng loạt các bê bối mà Samsung vừa trải qua, ở quãng thời gian có thể nói là khó khăn nhất, khi linh hồn của của tập đoàn, chủ tịch Lee Kun-hee, nằm viện sau cơn đau tim từ năm 2014.

{keywords}

Lee Jae-yong bị cáo buộc hối lộ.

Trước đó, theo New York Times, cuộc điều tra tham nhũng và lạm quyền của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã có một bước ngoặt lớn trong ngày 16/1 với việc công tố viên xin lệnh bắt người đứng đầu không chính thức của Samsung. Đó là ông Lee Jae-yong, phó chủ tịch Samsung và là con trai duy nhất của ông chủ Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee nhằm điều tra làm rõ mối quan hệ giữa các quan chức chính phủ và các tập đoàn đang thống trị nền kinh tế Hàn Quốc.

Ông Lee Jae-yong bị cáo buộc chỉ định các công ty con của Samsung đóng góp 36 triệu USD cho gia đình người bạn của tổng thống Park, bà Choi Soon-sil và 2 quỹ mà bà Choi điều hành, nhằm đổi lấy sự giúp đỡ từ tổng thống Park để hỗ trợ quá trình chuyển giao quyền thừa kế từ người cha tỷ phú 74 tuổi đang nằm liệt giường.

Công tố viên đặc biệt Park Young-soo cho rằng, đó là số tiền hối lộ từ Samsung và ông Lee Jae-yong đã sử dụng một cách sai trái. Vị công tố này yêu cầu một tòa án ở Seoul ban hành lệnh bắt đối với ông Lee.

Dù đề xuất bắt giữ bị bác bỏ nhưng nó chỉ tạm thời làm nhẹ nỗi lo của tập đoàn này. Với việc đề xuất bắt giữ đã cho thất nỗ lực Hàn Quốc chống lại tham nhũng liên quan tới các tập đoàn gia đình trị đầy sức mạnh, thường được gọi là chaebol tại đất nước này. Và sự việc này sẽ là một dấu ấn không hề đẹp trong lộ trình của Lee Jae-yong nhằm nỗ lực thừa kế quyền điều hành tập đoàn Samsung cho dù vị phó chủ tịch này là con trai duy nhất của Chủ tịch Tập đoàn Samsung Chủ tịch Lee Kun-hee.

Samsung là một tập đoàn đa ngành, từ điện tử, đóng tàu và rất nhiều ngành công nghiệp phủ khắp nền kinh tế Hàn Quốc. Tuy nhiên, gần đây, tập đoàn này gặp khá nhiều vấn đề. Gần đây nhất là vụ việc tập đoàn này phải thu hồi 2,5 triệu Galaxy Note 7, thiệt hại vật chất rất lớn, chưa bao gồm sự mất tin tưởng của khách hàng.

Trước đó, trong năm 2016, Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun Hee dính vụ scandal mua dâm tại nhà riêng cách đó vài năm.

Samsung cũng đã từng bị điều tra liên quan tới hối lộ, lập quỹ đen,... Năm 2007, chủ tịch Lee Kun Hee cũng đã phải đối mặt với án phạt tù lên tới hơn chục năm. Tuy nhiên, vị tỷ phú phú giàu nhất Hàn Quốc này sau đó bị xử 3 năm tù treo nhưng được tổng thống ân xá sớm. Cách đây vài năm, ông Lee Kun-Hee cũng bị các anh chị em kiện đòi tài sản kể cả khi đang nằm trong viện.

{keywords}

Chủ tịch Lee Kun-Hee khi còn khỏe mạnh.

Cuộc chuyển giao khó khăn

Theo Forbes, ông Lee Jae-yong (48 tuổi) hiện được xem như người đứng đầu không chính thức của Samsung. Ông đã dành cả cuộc đời làm việc tại tập đoàn này, bắt đầu tại Samsung Electronics từ năm 1991 và là phó chủ tịch tập đoàn từ 2013.

Chủ tịch Lee Kun-Hee (vẫn đang được chăm sóc tại bênh viện) đã dần trao quyền điều hành cho ông Lee Jae-yong. Hiện ông Lee Jae-yong đang sở hữu số cổ phiếu trị giá khoảng 6 tỷ USD, trong khi đó bố của ông sở hữu khối tài sản trị giá 14,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, việc chuyển giao gần đây gặp khó khăn. Gia đình tỷ phú này có thể mất nhiều tỷ USD chi phí thuế thừa kế. Ông Lee Jae-yong muốn chia tách, sáp nhập các công ty thành viên của tập đoàn để tránh thuế. Mặc dù vậy, tình hình giờ đây đã khác nhiều, không còn giống như cú thoát tội của người cha (trốn thuế do thừa kế tài sản).

Một khó khăn nữa nằm ở chỗ, ông Lee Jae Yong bị nghi ngờ chưa thể đảm nhiệm được đầy đủ vai trò của người tiền nhiệm. Chủ tịch Lee Kun-Hee được biết đến là người kiệt xuất, lèo lái Samsung 30 năm qua, từ một tập đoàn đi sau trở thành chaebol lớn nhất Hàn Quốc và vượt qua rất nhiều đối thủ đến từ Nhật Bản. Chính ông cũng là người giàu nhất Hàn Quốc.

Những gì mà chủ tịch Lee Kun Hee gây dựng cho Samsung được xem như là huyền thoại. Trước cái bóng của người cha, áp lực lên ông Lee Jae-yong là rất lớn. Cú chạy đua tung cạnh tranh đưa Notes 7 ra sớm hơn so với đủ thủ, rút ngắn thời gian đã trở thành một thất bại rất lớn đối với Samsung.

Sự nôn nóng đã khiến Samsung không thể đến sớm hơn mà còn bị tụt lại đằng sau nhất là về danh tiếng.

Hiện tại, Samsung có doanh thu hàng năm khoảng 230 tỷ USD, trong đó riêng Samsung Electronics có giá trị xuất khẩu bằng 1/5 tổng giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc. Samsung vẫn là một đế chế trên phạm vi thế giới. Tuy nhiên, mô hình gia đình trị cha truyền con nối đã cho thấy có nhiều điểm bất cập. Sự chuyển giao giữa các thế hệ trở nên khó khăn và đang có những dấu hiệu thay đổi.

Trên thực tế, trong nhiều năm gần đây, Samsung cũng đã không còn được coi là một chaebol truyền thống. Cổ phần của tập đoàn này đã được chia sẻ ra nhiều cho nhiều quỹ đầu tư quốc tế.

V. Hà