Trùng Khánh (Cao Bằng) là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc thù địa hình phức tạp, điều kiện tự nhiên và giao thông đi lại nhiều trắc trở, đời sống của người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn. Việc giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo đa chiều, ở huyện biên giới Trùng Khánh không hề dễ dàng.
Chăm lo bù đắp chiều thiếu hụt về nhà ở cho người dân nghèo, năm 2024, huyện Trùng Khánh được giao chỉ tiêu xóa nhà tạm nhà dột nát 758 nhà. Trong 8 tháng đầu năm 2024, huyện đã thực hiện xây dựng xong 371 nhà, 54 nhà đang thi công. Huyện còn 333 nhà chưa thực hiện. Tổng số vốn đã giải ngân được là gần 7 tỷ đồng cho 195 nhà, đạt 26,7% kế hoạch giao.
Trong số này, nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đóng vai trò chủ chốt, đã hỗ trợ được 175 nhà, gồm 109 nhà được xây mới và 67 nhà được sửa chữa với tổng kinh phí giải ngân được trên 6,1 tỷ đồng (đạt 27,71% chỉ tiêu giao).
Theo thống kê, rà soát, toàn huyện Trùng Khánh có hơn 2.000 nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ xây mới và sửa chữa, kinh phí trên 80 tỷ đồng. Để đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện, Trùng Khánh xác định không chỉ dựa vào nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước mà cần linh hoạt tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa.
Giai đoạn 2021 - 2023, huyện xóa được 920 nhà tạm, nhà dột nát, đến nay hỗ trợ 665 nhà làm xong với số tiền trên 22 tỷ đồng. Trong số này, ngoài 16 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, 4 tỷ đồng từ nguồn địa phương, số tiền đóng góp, huy động xã hội hóa chăm lo nhà ở cho người nghèo đạt hơn 2 tỷ đồng.
Gia đình anh Hoàng Văn Nghiệp, xóm Lũng Nặm, xã Quang Vinh, là một trong những hộ nghèo được sống trong ngôi nhà kiên cố, vững chãi theo đúng tiêu chí "Cứng nền, cứng khung - tường, cứng mái" nhờ sự giúp sức từ cộng đồng. Có căn nhà "3 cứng", gia đình anh không phải lo lắng mỗi khi trời mưa gió, yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Xã Quang Vinh nơi anh Nghiệp sinh sống là xã khó khăn nhất của huyện Trùng Khánh. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm trên 88%. Chăm lo chiều thiếu hụt về nhà ở để góp phần giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng của xã. Ba năm nay, xã được hỗ trợ xây mới 20 nhà với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng.
Trong số này, hơn 20% nguồn lực để xây sửa nhà cho người dân nghèo đến từ nguồn xã hội hoá. Các tổ chức đoàn thể và nhân dân thường xuyên hỗ trợ các gia đình khó khăn về ngày công xây dựng, vận chuyển vật liệu.
Năm 2024, để thực hiện mục tiêu xóa 758 nhà tạm, nhà dột nát, từ đầu năm, huyện Trùng Khánh tổ chức phát động, vận động ủng hộ nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, lãnh đạo huyện qua các thời kỳ, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đơn vị lực lượng vũ trang, người con ưu tú của quê hương.
Tổng số tiền huy động được đạt trên 2,2 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, 8 tháng đầu năm, Trùng Khánh xây mới 15 nhà, sửa chữa 5 nhà.
Xác định hỗ trợ nhà ở cho người dân nghèo là nhiệm vụ quan trọng, Ban tổ chức xóa tạm, nhà dột nát huyện Trùng Khánh cũng nhìn nhận thẳng thắn những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ tại cuộc họp diễn ra tuần cuối tháng 8 vừa qua. Theo đó, trong số 333 nhà chưa thực hiện được, đa số các hộ gia đình đều vướng về hồ sơ thủ tục đất đai và một số hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có vốn đối ứng để thực hiện…
Vì thế, trong 4 tháng cuối năm 2024, lãnh đạo huyện Trùng Khánh yêu cầu các thành viên trong Ban tổ chức, các ban ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân. Việc thành lập các tổ, phân công cán bộ, công chức theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện cũng được đặt ra.
"Trực tiếp xuống từng hộ gia đình nắm rõ những khó khăn, vướng mắc, xem xét những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách để có phương án giải quyết, hỗ trợ kịp thời cả nguồn lực và nhân lực cho người dân", lãnh đạo huyện Trùng Khánh nhấn mạnh. Bốn tháng cuối năm, Trùng Khánh dồn sức tập trung xây dựng 333 nhà còn lại đúng tiến độ kế hoạch.