Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa khảo sát, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Phổ thông tỉnh Trà Vinh.
Đây là một trong những trường sẽ được thụ hưởng các công trình cải tạo, nâng cấp mở rộng theo Tiểu dự án 1 - Dự án 5 thuộc CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, dự kiến triển khai trong năm 2023.
Tại buổi làm việc, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Phổ thông tỉnh Trà Vinh Hồ Duy Dũng cho biết: Với quy mô gần 500 học sinh và 12 lớp học, nhà trường luôn nhận được quan tâm, ưu tiên hàng đầu của ngành giáo dục tỉnh bởi tính chất đối tượng học sinh và các chính sách đặc thù. Theo tiến độ dự kiến triển khai Tiểu dự án 1 - Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia một số hạng mục tại nhà trường được cải tạo, nâng cấp mở rộng trong năm nay.
Hiện nay, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất tại nhà trường đáp ứng điều kiện về nhu cầu dạy học và nuôi dưỡng cho các học sinh theo học tại trường. Để việc giáo dục và sinh hoạt cho học sinh nội trú được thực hiện thuận lợi, nhà trường đã phối hợp với phụ huynh trong suốt quá trình học tập như chất lượng giáo dục, hướng nghiệp, chất lượng bữa ăn, sinh hoạt của học sinh…
Đến thăm, khảo sát và hướng dẫn Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Phổ thông tỉnh Trà Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GDĐT) Lê Như Xuyên nhận định: Chất lượng giáo dục và đời sống học sinh tại các trường dân tộc nội trú thể hiện niềm tin của đồng bảo dân tộc miền núi với ngành giáo dục quốc gia. Đây cũng là tiêu chí chính để đánh giá chất lượng giáo dục đồng bào tại các địa phương. Do vậy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc lưu ý với nhà trường phải chú trọng, nâng cao chất lượng dạy và học tại nhà trường. Đồng thời, phải hết sức quan tâm, chăm lo đời sống học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đang học tập tại đây.
Về vấn đề nuôi dưỡng học sinh, phải đảm bảo được chế độ bữa ăn, đúng, đủ theo chính sách học sinh được thụ hưởng. Chú trọng đến các khâu an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyệt đối không để chất lượng bữa ăn ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình học tập của học sinh.
Ngoài ra, Phó Vụ trưởng Lê Như Xuyên cũng lưu ý với nhà trường về việc phân loại học sinh, tập trung bồi dưỡng học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học. Đặc biệt đối với học sinh cuối cấp, phải tập trung vào phân luồng học sinh để phù hợp với nhu cầu của học sinh, gia đình, vừa định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Được biết, Dự án 5 thuộc thuộc CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 gồm 4 tiểu dự án: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp.