Già hóa dân số và tác động với người cao tuổi

Thế kỷ 21 được gọi là thế kỷ già hóa dân số. Trong xu thế chung này, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi từ năm 2011, tỷ trọng dân số 60+ đã chiếm 9,9%, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số.

Theo dự báo, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số rất già vào năm 2038 với tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên đạt 20,1%. Đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có 1 người cao tuổi.

Cùng với việc già hóa nhanh, việc già hóa dân số ở Việt Nam cũng mang những đặc thù riêng. Đó là xu hướng nữ hoá ở người cao tuổi với sự gia tăng tỷ lệ goá và tình trạng người cao tuổi sống một mình; đời sống vật chất của người cao tuổi Việt Nam còn nhiều khó khăn khi 68% người cao tuổi sinh sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp.

Khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân, việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với người cao tuổi, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già. Bên cạnh đó, sức khỏe của người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế với gánh nặng bệnh tật kép. Trung bình 1 người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh, trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi.

Do đó, để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đòi hỏi phải tập trung nỗ lực nhiều hơn nữa của toàn bộ hệ thống chính trị theo một định hướng, mục tiêu thống nhất với các giải pháp đồng bộ, nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật về người cao tuổi, bảo đảm cho mọi người cao tuổi được thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng ngày càng cao. Đây cũng là những hoạt động phù hợp với quan điểm, chiến lược hành động toàn cầu đối với vấn đề già hóa và sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới.

nct 7.jpg
Xu thế già hóa dân số đặt ra những thách thức mới trong chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam.

Mô hình chăm sóc tích hợp toàn diện

Mô hình Chăm sóc tích hợp dành cho người cao tuổi tại cộng đồng được triển khai thí điểm ở phường Quảng Phú (TP Thanh Hóa) và xã Đông Phú (Đông Sơn) từ tháng 9/2023 để phù hợp với xu hướng già hóa dân số, nhằm chăm sóc cho người cao tuổi một cách toàn diện và hiệu quả nhất. 

Tham gia mô hình, mỗi xã, phường có 3 thôn/tổ dân phố xây dựng các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, mỗi câu lạc bộ có 10 tình nguyện viên chăm sóc tại nhà. Các tình nguyện viên sẽ đến nhà chăm sóc, hỗ trợ cho người cao tuổi khó khăn có nhu cầu chăm sóc. Các đối tượng tham gia dự án gồm: cán bộ hội cơ sở, cán bộ y tế, cán bộ công tác xã hội cơ sở... và được tập huấn về phương pháp, chu trình quản lý, các hoạt động liên quan trực tiếp đến dự án chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi...

Sau 4 tháng triển khai thí điểm, chương trình đã xây dựng được cơ chế quản lý cũng như kế hoạch vận hành, điều phối hoạt động; sàng lọc và lựa chọn đối tượng cần được chăm sóc, giúp đỡ; trang bị kiến thức cho các tình nguyện viên về cách giao tiếp với người cao tuổi, cách nhận biết và phòng tránh các bệnh nền thường gặp, kỹ năng, phương pháp chăm sóc người cao tuổi…  

Mô hình đã hỗ trợ, chăm sóc những người có hoàn cảnh khó khăn một cách hiệu quả, mang lại niềm vui, sự tin tưởng và đánh giá cao của gia đình và người thân của người được giúp đỡ.

Trên cơ sở kết quả đạt được, năm 2024, Hội Người cao tuổi tỉnh sẽ đúc rút kinh nghiệm để có thể nhân rộng mô hình tạo cơ hội tốt giúp người cao tuổi, đặc biệt là những người cao tuổi khó khăn, cô đơn... được chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất, sức khỏe, tinh thần để sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc.

H.An, Lê Diệp, Hoàng Giang