Đà giảm chậm lại

Thị trường vàng trong nước vừa trải qua một tuần giảm khá mạnh, từ ngưỡng 56,6 triệu đồng/lượng (giá doanh nghiệp kinh doanh vàng bán ra) hồi đầu tuần xuống dưới ngưỡng 55 triệu đồng/lượng vào đầu phiên giao dịch cuối tuần. Mức giảm là khá lớn: 1,6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới trong phiên giao dịch đêm 24/9 có lúc xuống tới 1.847 USD/ounce (tương đương 52,3 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế phí). Nếu so với đỉnh cao lịch sử 62,5 triệu đồng/lượng ghi nhận hôm 7/8 thì giá vàng SJC trong nước đã giảm khoảng 8 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, mức giá khoảng 55 triệu đồng/lượng như hiện nay vẫn cao hơn nhiều so với mức giá chưa tới 43 triệu đồng/lượng hồi đầu năm và cao hơn so với đỉnh cao lịch sử 49 triệu đồng/lượng ghi nhận hồi thị trường vàng sốt nóng cuối 2011.

Trên thị trường trong nước và thế giới, giá vàng có dấu hiệu ổn định trở lại, không còn giảm nhanh như trong vài phiên trước. Giá vàng trong nước dao động xung quanh ngưỡng 55-56 triệu đồng/lượng.

Tính tới cuối phiên 25/9, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết ở mức: 54,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,45 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 55,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,65 triệu đồng/lượng (bán ra).

Trên thị trường thế giới, giá vàng miếng giao ngay cũng ngừng giảm và xoay quanh ngưỡng 1.860 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 treo quanh mức 1.962 USD/ounce.

{keywords}
Giá vàng được đánh giá vẫn đang trong xu hướng đi lên về dài hạn.

Sở dĩ giá vàng miếng giảm trong thời gian gần đây là do hoạt động chốt lời sau khi mặt hàng kim loại quý này đã tăng giá mạnh từ đầu năm, từ mức 1.520 USD/ounce (khoảng 43 triệu đồng/lượng) hồi đầu năm lên trên ngưỡng 2.000 USD/ounce.

Trong tuần, một bộ phận giới đầu tư cũng phải bán vàng để bù lỗ chứng khoán khi giá cổ phiếu đồng loạt sụt giảm trên phạm vi toàn cầu, nhất là Mỹ trong bối cảnh chứng khoán cũng đã tăng cao và các nước đang đối mặt với bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19.

Giới đầu tư tìm đến với đồng USD như một loại tài sản an toàn khiến đồng tiền này phục hồi mạnh mẽ và qua đó gây áp lực giảm giá lên vàng. Giới đầu tư lo ngại các thị trường tài chính, trong đó có chứng khoán còn bất ổn khi mà người dân châu Mỹ và châu Âu nhiều khả năng sẽ phải ở nhà nhiều hơn khi mà thời tiết lạnh dần, mùa cúm bắt đầu.

Những lệnh cấm tiềm tàng áp lên các doanh nghiệp có thể khiến doanh thu suy giảm. Trong khi đó, chính quyền ông Doanld Trump vẫn chưa đạt được thỏa thuận về gói kích thích bổ sung cho người dân Mỹ.

Vàng được dự báo sẽ nhanh chóng lên 60 triệu đồng/lượng

Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) cho biết, thị trường vàng điều chỉnh một vài tuần sau khi đã tăng kéo dài từ đầu năm. Tuy nhiên, vàng vẫn nằm trong xu hướng tăng giá về dài hạn và có thể quay đầu tăng trở lại trong thời gian tới.

Theo ông Lê Quang Trí, các nước đã và đang bơm một lượng tiền lớn vào các thị trường và đây là yếu tố hỗ trợ cho vàng về dài hạn.

{keywords}
Biến động giá vàng SJC trong vòng 1 năm qua.

Trên Kitco, đại diện Citigroup cho rằng, giá vàng có thể tăng vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce trước cuối năm nay. Theo đó, giá vàng hỗ trợ bởi những rủi ro xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, giữa 2 ứng viên: đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Joe Biden.

Theo Citigroup, cuộc đua vào Nhà Trắng càng trở nên khó lường và tình hình chính trị Mỹ ngày càng rối ren hơn nữa sau khi Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ qua đời.

Trước đó, trong tuần đầu tháng 8, giá vàng thế giới đã tăng lên mức cao chưa từng thấy trong lịch sử: 2.070 USD/ounce (59 triệu đồng/lượng) trong bối cảnh các nhà đầu tư cố gắng tìm kiếm công cụ đầu tư an toàn giữa lúc đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tất cả các nền kinh tế. Tuy nhiên, từ đó đến nay, giá vàng đã giảm.

Vàng còn được hỗ trợ bởi quyết định lịch sử thay đổi chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hồi cuối tháng 8. Theo đó, Fed gạt bỏ thông lệ 30 năm về việc nâng lãi suất trước để ngăn lạm phát có thể tăng cao trong tương lai để hỗ trợ thị trường lao động và nền kinh tế Mỹ.

Với quyết định này, Fed sẽ chấp nhận những khoảng thời gian lạm phát tăng nóng để có thể đạt mức trung bình mục tiêu 2%.

Trong cuộc họp chính sách gần nhất hôm 17/9, Fed cũng đã báo hiệu sẽ không nâng lãi suất cho đến năm 2023, đồng thời cam kết hỗ trợ thêm cho một nền kinh tế đang đối mặt với sự hồi phục không đồng đều từ đại dịch Covid-19.

{keywords}
Giá vàng thế giới được dự báo sẽ còn tăng giá.

Trong một dự báo mới đưa ra, Ngân hàng CIBC của Canada cho rằng, giá vàng sẽ đạt mức trung bình 2.000 trong quý IV, 2.300 USD/ounce trong năm 2021, 2.200 USD/ounce trong năm 2022.

Theo CIBC, triển vọng về lãi suất thực tế tiếp tục thấp, gánh nặng nợ chính phủ ngày càng tăng cùng với sự bất ổn địa chính trị phát sinh từ cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ đều hỗ trợ cho việc tăng giá đáng kể hơn nữa.

Theo các chuyên gia, về dài hạn, vàng vẫn nằm trong xu hướng tăng giá. Tuy nhiên, những đợt điều chỉnh trong quá trình tăng giá là không tránh khỏi và đợt điều chỉnh này khá sâu. Trong tháng trước, vàng đã lên mức cao nhất mọi thời đại. Đây là một bước bứt phá mạnh mẽ do vậy không có gì ngạc nhiên khi vàng điều chỉnh giảm.

Credit Suisse gần đây cho rằng, vàng đang trong đợt điều chỉnh và có thể xuống tới ngưỡng hỗ trợ 1.714 USD/ounce trước khi tăng mạnh trở lại lên trên ngưỡng 2.000 USD/ounce theo xu hướng tăng dài hạn. Citigroup cho rằng, vàng có thể lên cao kỷ lục trước khi kết thúc năm 2020 do những bất ổn xung quanh cuộc bầu cử Mỹ.

Vàng có thể sẽ trở lại với xu hướng tăng dài hạn như đã được nhiều tổ chức dự báo trước đó còn do căng thẳng Mỹ-Trung leo thang. Trong thời gian tới, chính quyền ông Donald Trump có thể trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc. Mâu thuẫn Mỹ-Trung sẽ khiến quá trình hồi phục của nền kinh tế thế giới thời hậu đại dịch Covid-19 chậm hơn. Đây đều là những yếu tố có lợi cho vàng.

V. Minh