Điệp viên là "vũ khí bí mật" được nhiều bên tận dụng trong các cuộc chiến tranh và xung đột trên khắp thế giới. Từ những anh hùng tình báo được vinh danh cho đến các điệp viên hai mang gây tranh cãi... tất cả đều ẩn chứa câu chuyện đầy bất ngờ và hấp dẫn. Cùng điểm lại những câu chuyện "gây chấn động" của các điệp viên nổi tiếng dưới đây.
Theo Nippon, hiếm có điệp viên nào thành công như Richard Sorge. Hoạt động ở Tokyo, Nhật Bản từ năm 1933 tới khi bị chính quyền sở tại bắt giữ vào năm 1941, điệp viên Liên Xô đáng gờm này đã thâm nhập vào đại sứ quán Đức và các cấp cao nhất của chính phủ Nhật, chuyển cho Liên Xô những thông tin tình báo vô cùng quan trọng làm thay đổi cục diện Thế chiến II.
Trong vai trò một nhà báo Đức, Sorge tới Tokyo vào tháng 9/1933 sau vài năm làm việc tại Thượng Hải (Trung Quốc) cho Cơ quan tình báo quân sự nước ngoài (GRU) của Liên Xô. Nhiệm vụ của Sorge là giúp Moscow nắm được các mối đe dọa tiềm tàng từ Nhật. Khi đó, đạo quân Quan Đông (Nhật) xâm chiếm Mãn Châu, buộc Stalin phải theo dõi kỹ người hàng xóm đầy tham vọng ở phía đông.
Sorge, một công dân Đức, đã trở thành điệp viên nhờ nguồn gốc Nga của mình.
Chào đời ở Nga năm 1895 trong một gia đình có bố là người Đức và mẹ là người Nga, Sorge đã lớn lên ở Đức sau khi cả nhà chuyển tới đây năm Sorge 3 tuổi. Khi còn trẻ, ông chiến đấu cho nước Đức trong Thế chiến I và bị thương, khiến chân bị khập khiễng vĩnh viễn. Chán nản với tình hình hậu chiến, năm 1919, Sorge gia nhập đảng Cộng sản Đức.
Sau khi bị cảnh sát chú ý, năm 1924 ông trốn sang Moscow rồi gia nhập GRU.
Lập mạng lưới tình báo
Ở Tokyo, Sorge xây dựng vỏ bọc bằng cách gia nhập đảng Quốc xã và dùng các bài báo để tạo dựng danh tiếng như một chuyên gia về các vấn đề Nhật Bản. Là một điệp viên gan dạ với trí thông minh sắc sảo, ngoại hình đẹp và sức quyến rũ gần như không thể cưỡng lại, Sorge nhanh chóng chiếm được lòng tin của các nhà ngoại giao cấp cao tại Đại sứ quán Đức. Trong số này có Đại tá Eugen Ott, Tùy viên quân sự của Đại sứ quán, người đã vô tình trở thành một trong những nhân vật cung cấp thông tin quan trọng nhất cho Sorge.
Đại tá Ott đánh giá cao sự hiểu biết sâu sắc của Sorge về các vấn đề của Nhật Bản và coi ông là cố vấn đáng tin cậy. Với vai trò này, Sorge có thể tiếp cận các thông tin mật và thậm chí còn viết các báo cáo mà Ott gửi cho bộ chỉ huy cấp cao ở Berlin.
Quan hệ gần gũi của ông với Tùy viên quân sự cũng làm cho ông có ảnh hưởng đáng kể với các nhà ngoại giao khác tại Đại sứ quán Đức. Ảnh hưởng của Sorge càng được nâng cao hơn khi Ott trở thành Đại sứ vào năm 1938.
Nguồn thông tin về Nhật của Sorge là Ozaki Hotsumi, phóng viên của tờ Asahi Shimbun và là người có cảm tình với cộng sản. Ozaki từng làm cố vấn nội các cho Thủ tướng Konoe Fumimaro trong một thời gian và giữ liên lạc chặt chẽ với các thành viên trong nhóm thân cận của thủ tướng, giúp ông ta tiếp cận được thông tin mật rồi sau đó chuyển cho Sorge.
Ozaki Hotsumi đã cung cấp cho Sorge những thông tin quan trọng về kế hoạch của chính phủ Nhật. Thông tin Sorge, Ozaki và những người khác trong mạng lưới gián điệp thu thập được sau đó được Max Clausen - một người Đức - truyền tới Điện Kremlin qua radio.
Là một điệp viên, Sorge có lối sống xa hoa. Ông nghiện rượu nặng và nổi tiếng là một kẻ lăng nhăng, người ta thường thấy Sorge chạy quanh Tokyo bằng xe máy, ra vào quán bar với các nhà báo khác và tham gia mọi cuộc vui.
Tuy nhiên, những điều này dường như đã làm chệch hướng sự nghi ngờ, giúp Sorge có thể làm việc mà không bị quấy rối trong 7 năm dù sống cách văn phòng của Tokubetsu Koto Keisatsu, một lực lượng cảnh sát khét tiếng của Nhật, chỉ vài con phố.
Chiến công tình báo
Mùa xuân năm 1936, sau khi nắm được thông tin từ Ott rằng Đức đã đàm phán bí mật với Nhật về một hiệp ước chống Cộng sản và hai bên sẽ ký kết vào tháng 11 cùng năm, Sorge đã chuyển tin về Liên Xô. Báo cáo này của Sorge đã góp phần vào việc Liên Xô ký kết không xâm phạm lẫn nhau với Đức năm 1939.
Cuối năm 1940, Sorge bắt đầu truyền đi thông tin quân Đức tập trung gần biên giới Liên Xô. Điện Kremlin nghi ngờ tính xác thực của thông tin tình báo mà Sorge chuyển về và không thực hiện các bước phòng ngừa. Ngày 22/6/1941, Đức phát động Chiến dịch Barbarossa, bất ngờ tấn công Liên Xô.
Cuộc tấn công đã giáng một đòn mạnh vào Liên Xô và buộc các nhà lãnh đạo nước này phải tìm hiểu xem liệu Nhật có ý định hủy bỏ hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau đã ký với Liên Xô vào tháng 5 năm đó hay không. Ozaki luôn cập nhật cho Sorge diễn biến trong những tháng tiếp theo khi các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị Nhật họp bàn chiến lược.
Cuối cùng, chính phủ Nhật vẫn giữ khả năng tấn công Liên Xô. Tuy nhiên, đến đầu mùa thu, những diễn biến địa chính trị khác đã khiến Nhật đổi hướng tấn công sang phía nam. Nghe được điều này từ Ozaki, tháng 9/1941, Sorge đã gửi báo cáo quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình về Moscow, trong đó đề cập tới quyết định của chính phủ Nhật.
Khi mối đe dọa về một cuộc tấn công vào vùng Viễn Đông không còn tồn tại, giới lãnh đạo Liên Xô chuyển quân về phía tây, một động thái nhằm ngăn chặn bước tiến của Đức vào Moscow và thay đổi cục diện của Thế chiến II.
Sorge đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể trốn thoát. Ngày 18/10/1941, Sorge bị bắt tại nhà riêng và sau đó thú nhận toàn bộ hoạt động gián điệp của mình. Tháng 11/1944, ông bị xử tử và được chôn cất tại một khu đất chung trong nghĩa địa nhà tù Sugaro ở Tokyo.
Năm 1964, Sorge được phong là anh hùng Liên Xô.
Việc các nước tìm cách giải thoát hay trao đổi những điệp viên đã bị lộ là việc bình thường trong thế giới tình báo.