Quyết định rẽ lối
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, thí sinh Lê Ngọc Tấn Anh (SN 1998, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) nắm tay mẹ, cố di chuyển từng bước khó nhọc vào phòng thi.
Hình ảnh đầy nghị lực của Tấn Anh đã lọt vào ống kính của phóng viên và được nhiều người biết đến.
Năm đó, Tấn Anh dự thi vào ngành Báo chí. Thế nhưng, sau nhiều đắn đo, cậu quyết định rẽ lối.
Tấn Anh tâm sự: "Tôi rất thích nghề báo. Tuy nhiên, hoàn cảnh và sức khỏe của tôi rất khó theo đuổi đam mê. Thế nên, tôi chọn học ngành Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Dù không theo được ngành học mong muốn nhưng tôi cũng rất thích ngành Lịch sử".
Khoảng thời gian dưới mái trường đại học là hành trình đầy nghị lực của chàng trai bị bại não bẩm sinh. Tấn Anh dành 6 năm để học đại học, hơn bạn cùng khóa 2 năm.
“Tôi chính thức tốt nghiệp từ tháng 2 vừa qua. Thực ra, tôi ra trường trễ hơn các bạn cùng khóa do chậm thi tiếng Anh”, Tấn Anh thông tin.
Tấn Anh kể, cậu bị bại não bẩm sinh dạng nhẹ. Di chứng của căn bệnh khiến cậu yếu nửa người bên phải, trí não tiếp thu chậm, di chuyển khó khăn.
Được mẹ chăm sóc chu đáo, sức khỏe Tấn Anh cải thiện đôi chút. Mẹ cũng là người động viên Tấn Anh đi học.
Ban đầu, Tấn Anh mặc cảm, sợ bạn bè cười nhạo. Tuy nhiên, khi vào lớp 1, cậu được bạn bè hết mực quan tâm.
Giữa năm lớp 12, cô giáo chủ nhiệm, cũng là giáo viên dạy môn Lịch sử động viên Tấn Anh thi đại học.
Đỗ đại học ngay lần thi đầu, Tấn Anh khăn gói về TP.HCM nhập học. Cậu được tạo điều kiện ở chung phòng ký túc xá cùng cha.
“Hai năm đầu, ba đưa tôi đến lớp rồi mới đi làm. Hai năm cuối, tôi được tặng xe lăn điện nên tự đi học”, Tấn Anh kể.
Sức học của Tấn Anh chậm hơn các bạn một nhịp. Thế nên, trong quá trình học tập, cậu được bạn bè giúp đỡ rất nhiều.
Tấn Anh chia sẻ, có đến 2 lần, cậu nghĩ đến việc bỏ học. Đó là vào đầu năm thứ 3, sức khỏe của cậu không ổn định, liên tục nhập viện và thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, nghĩ đến công lao của cha mẹ, các mạnh thường quân đã hỗ trợ, Tấn Anh vực dậy tinh thần, hoàn thành khóa học.
Ước mơ trở thành giáo viên, dạy Lịch sử theo phương pháp mới
Ngoài chăm chỉ học tập, Tấn Anh còn tranh thủ làm thêm. Lúc gần tốt nghiệp, cậu và bạn thân cùng làm việc ở một công ty truyền thông.
Tuy nhiên, công việc đó chỉ mang tính chất thời vụ. Hơn 2 tháng nay, Tấn Anh thất nghiệp.
Những ngày qua, Tấn Anh loay hoay tìm việc mới. Cậu quyết tâm tìm được một công việc phù hợp hoàn cảnh.
Chàng trai trẻ tâm sự: “Lúc tôi sắp tốt nghiệp, ba nói một câu khiến tôi nhớ mãi. Bình thường, ba tôi ít nói, ngại chia sẻ tình cảm. Ba chỉ tập trung đi làm, kiếm tiền nuôi mấy đứa con ăn học.
Vậy mà lần đó, trong lúc ăn cơm, ba nói: 'Ba không cần con phải làm gì lớn lao, chỉ mong con ra trường tìm được việc làm'. Nghe ba nói, tôi xúc động lắm. Tâm sự của ba cũng là nỗi lo canh cánh trong tôi”.
Nhắc đến việc làm, Tấn Anh chỉ biết thở dài: “Cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Lịch sử rất khan hiếm. Bạn học của tôi ra trường đều phải làm công việc trái ngành”.
Vì vậy, mong ước “khó nhằn” của Tấn Anh ngay thời điểm này là được làm giáo viên dạy Lịch sử hoặc công việc văn phòng ổn định.
Nếu được trở thành giáo viên dạy Lịch sử cấp 2 hoặc cấp 3, Tấn Anh tự tin có thể làm tốt.
“Tôi không tự ti về mặt hình thể trước mặt học sinh. Về kỹ năng truyền đạt, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tôi có thể đáp ứng yêu cầu”, Tấn Anh khẳng định.
Tấn Anh có hoài bão dạy Lịch sử theo phương pháp mới. Cậu mong muốn mỗi tiết học đều do học sinh làm chủ. Cậu đóng vai trò hướng dẫn học sinh cách tự tìm tài liệu, trình bày kiến thức lịch sử thông qua diễn kịch, thuyết trình…
Tấn Anh khát khao trả ơn đời, truyền năng lượng tích cực đến giới trẻ. Bởi, cậu hiểu rõ giấc mơ đại học trọn vẹn đều nhờ học bổng từ các cấp Hội Khuyến học tỉnh Đồng Nai và mạnh thường quân.
Hiện tại, Tấn Anh chăm chỉ tập luyện, vận động cho cơ thể linh hoạt, giảm tình trạng teo chân và bồi dưỡng kiến thức.
Chàng trai trẻ tin rằng, một cơ thể khỏe mạnh, tinh thần lạc quan và chuyên môn ổn định sẽ mang đến cơ hội việc làm như mong ước.
Ảnh: Nhân vật cung cấp