Báo cáo trước Quốc hội sáng nay (6/11) về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, toàn ngành đã thực hiện tốt việc bảo đảm tranh tụng, chống oan, sai trong xét xử.

Xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn

Các Tòa án đã làm tốt và đẩy mạnh tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử, thực hiện nghiêm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

{keywords}
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình

Việc tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp đã thể hiện sự trang nghiêm, bình đẳng giữa các bên, tạo tâm lý thuận lợi cho luật sư khi tranh tụng.

Về thực hiện nghiêm Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, ông Bình cho hay, từ ngày 1/10/2015 đến ngày 30/9/2020, các Tòa án đã thụ lý 19 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án; đã giải quyết dứt điểm 15 trường hợp.

Các Tòa án cũng đã giải quyết 60/76 vụ án dân sự mà người bị thiệt hại khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường. Công tác giải quyết bồi thường thiệt hại được các Tòa án thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đúng quy định.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, TAND tối cao đã đề ra 14 giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử. Chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại án tiếp tục được nâng cao.

Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án trong nhiều năm được hạn chế ở mức thấp, giảm dần qua các năm và hiện ở mức dưới 1,5%, đáp ứng chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Trong xét xử các vụ án hình sự, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội.

Các tòa án thực hiện nghiêm túc, có chất lượng chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương. Đã đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn như: vụ án Đinh La Thăng; vụ án Trịnh Xuân Thanh; các vụ án liên quan đến ngân hàng,...

Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước.

Chánh án Tòa tối cao cũng cho hay, định kỳ hàng năm, TAND tối cao đều thành lập các đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra công tác xét xử tại các Tòa án. Các TAND cấp tỉnh cũng duy trì thường xuyên công tác kiểm tra việc xét xử đối với các TAND cấp huyện thuộc quyền quản lý.

Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã có nhiều tiến bộ, nhưng có năm vẫn chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội do số lượng đơn thuộc thẩm quyền vẫn không ngừng gia tăng theo từng năm.

Chất lượng kháng nghị và trả lời đơn tiếp tục được đảm bảo, 100% kháng nghị của Chánh án TAND tối cao được Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận.

Điều tra khởi tố hơn 3.000 vụ án, hủy bỏ 78 quyết định khởi tố

Trình bày kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, thời gian qua, ngành Kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

Qua đó, VKS đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hơn 3.000 vụ án, hủy bỏ 78 quyết định khởi tố vụ án.

Đồng thời, VKS đã trực tiếp khởi tố và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra 92 vụ án hình sự; trực tiếp hủy bỏ hơn 600 quyết định không khởi tố vụ án hoặc quyết định khởi tố vụ án; hủy hơn 3.300 lệnh, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn thiếu căn cứ, trái pháp luật.

“Kết quả công tác kiểm sát đã góp phần quan trọng bảo đảm việc khởi tố vụ án, bắt, tạm giữ, tạm giam và điều tra đúng pháp luật; hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm và oan, sai”, ông Lê Minh Trí nói.

Theo ông, trong giai đoạn điều tra, ngành Kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố và trong suốt quá trình điều tra.

Thông qua kiểm sát, VKS đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố 2.898 bị can; hủy 1.119 quyết định khởi tố bị can và 138 quyết định tạm đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ điều tra thiếu căn cứ, trái pháp luật.

Tiến độ, chất lượng giải quyết án của Viện kiểm sát đều đạt 99,9% và vượt chỉ tiêu của Quốc hội.

Qua công tác kiểm sát đã kịp thời phát hiện nhiều bản án, quyết định vi phạm pháp luật và ban hành hơn 5.600 kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm và giám đốc thẩm, tái thẩm đều vượt chỉ tiêu của Quốc hội, qua đó, góp phần quan trọng khắc phục oan, sai trong giải quyết án hình sự.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, VKSND tối cao tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Công an, TAND Tối cao và các cơ quan chuyên môn tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản,… để khởi tố, điều tra, truy tố, đưa ra xét xử bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Bên cạnh đó, toàn ngành Kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ việc liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị; đã phối hợp với các cơ quan tố tụng kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh nhiều vụ án xâm phạm đất đai được dư luận xã hội quan tâm.

Bộ trưởng nào cũng có thể lên “ghế nóng” trong phiên chất vấn

Bộ trưởng nào cũng có thể lên “ghế nóng” trong phiên chất vấn

Sáng nay (6/11), Quốc hội bắt đầu nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Thời gian diễn ra trong 2,5 ngày (ngày 6/11, ngày 9/11 và sáng 10/11).

Thu Hằng - Hương Quỳnh - Thành Nam