Cách đây khoảng 10 năm, khi được hỏi về định hướng “Go Global” (cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra thị trường thế giới - PV), với vai trò “thuyền thưởng” của MISA lúc đó, ông Lữ Thành Long cho biết, MISA chỉ chuyên tâm phục vụ thị trường trong nước.
Thế nhưng, tới năm 2017, MISA công bố hướng đi mới: Bước ra thị trường quốc tế với sản phẩm Phần mềm quản lý nhà hàng CukCuk.
Nhiều người tò mò, không biết đâu là động lực dẫn tới sự thay đổi nêu trên; trên hành trình đi ra “biển lớn”, MISA tạo được những dấu ấn nào, và liệu sẽ có thành công như mong đợi…
Với mong muốn tìm ra câu trả lời nhằm thỏa trí tò mò, chúng tôi đã tìm gặp ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần MISA.
Ông có thể chia sẻ với độc giả của VietNamNet về lý do khiến MISA quyết định chấp nhận những thử thách mới, đưa sản phẩm ra thế giới?
Ông Lữ Thành Long: Ở Việt Nam, MISA được biết đến như một công ty cung cấp phần mềm về tài chính kế toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phổ biến nhất. Với mong muốn lớn mạnh gấp nhiều lần, chúng tôi đã thay đổi mục tiêu: Cùng với việc tạo nhiều sản phẩm hơn, mở rộng thị phần trong nước, thì cũng phải vươn tới nhiều thị trường hơn nữa.
MISA đã tạo được vị thế, uy tín thương hiệu trong nước bằng hệ thống tài chính - kế toán. Song, việc đưa hệ thống đó ra nước ngoài không dễ dàng, bởi vì luật pháp về tài chính, kế toán của mỗi quốc gia lại có sự khác biệt.
Qua nghiên cứu, chúng tôi phát hiện ra, trên thế giới có nhiều sản phẩm khác, ví dụ như hệ thống quản lý nhà hàng, khi triển khai ít phụ thuộc vào sự khác nhau về luật pháp của mỗi quốc gia, mà chủ yếu phụ thuộc vào mô hình quản lý, trong khi mô hình quản lý của các nhà hàng trên thế giới tương đối giống nhau. Đây là cơ hội để MISA có thể mang sản phẩm ra nước ngoài.
Và rồi, chúng tôi đã mạnh dạn nghiên cứu phát triển Phần mềm quản lý nhà hàng CukCuk để “đem chuông đi đấu xứ người”. Có thể nói, chính khát vọng muốn lớn mạnh hơn bội phần của cả tập thể MISA đã tạo động lực để chúng tôi tìm đường ra “biển lớn”.
Bắt đầu hành trình đưa sản phẩm ra nước ngoài, MISA chắc hẳn đã gặp phải không ít khó khăn?
Đầu tiên chúng tôi nghĩ rất đơn giản là mình làm được sản phẩm tốt, thế giới giờ cũng phẳng rồi, có thể dễ dàng quảng bá, bán sản phẩm đến các quốc gia khác nhau thông qua cloud (điện toán đám mây – PV). Nhưng khi bước vào làm thực tế thì điều này không dễ dàng.
Các nhà hàng thường chỉ muốn tìm đến những đối tác bản địa để có thể được hỗ trợ tức thì mỗi khi có sự cố. Đặc thù của các nhà hàng là hoạt động 3 ca: sáng – trưa – tối, thậm chí có nhà hàng hoạt động 24 giờ/ngày. Những trục trặc của hệ thống quản lý nhà hàng không chỉ đơn thuần xuất phát từ phần mềm mà có thể xuất phát từ hệ thống thiết bị, hệ thống kết nối mạng… Các nhà hàng đều e ngại chuyện nếu dùng hệ thống quản lý của những nhà cung cấp không có đối tác tại địa phương thì khi có trục trặc sẽ mất nhiều thời gian bị gián đoạn hoạt động.
Đây là một trong những trở ngại khiến MISA thất bại trong việc bán sản phẩm ở giai đoạn đầu tiên.
Sau khi nghiêm túc đánh giá lại thực tiễn, chúng tôi thay đổi chiến lược: Tìm đối tác để phân phối sản phẩm tại mỗi quốc gia. Lúc đấy mới dần có thành công bước đầu.
Trên hành trình đưa sản phẩm ra nước ngoài, MISA không phải lúc nào cũng thành công. Cũng có những thị trường mình ngồi nghĩ thì khác, nhưng khi bước chân vào triển khai thì mới phát hiện ra cái mình nghĩ với thực tế lại có khoảng cách rất xa.
Thời gian đầu ở Đức, các bạn làm sản phẩm thì tư duy theo hướng người sử dụng phải login (truy cập – PV) bằng số điện thoại hoặc, email, mật khẩu… thì mới bắt đầu thao tác được trên hệ thống, đặc biệt trên cloud, để bảo vệ sự an toàn cho người dùng. Thế nhưng khi bước chân vào nhà hàng, đặc biệt là những thị trường như châu Âu, Mỹ, mọi người rất bận rộn, mỗi nhân viên nhận order sẽ rất khó chịu khi phải mất thời gian login hệ thống để nhập một đơn hàng.
Về sau, chúng tôi đã áp dụng phương pháp Design Thinking (tư duy thiết kế), hỏi ý kiến khách hàng trước khi tiến hành xây dựng sản phẩm để rút ngắn khoảng cách giữa cái mình nghĩ với thực tiễn.
Triết lý xây dựng và phát triển sản phẩm phục vụ thị trường quốc tế của MISA có gì khác so với sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước hay không, thưa ông?
Lấy ví dụ luôn Phần mềm quản lý nhà hàng CukCuk nhé. Về cơ bản thì sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và thị trường quốc tế không khác nhau nhiều lắm. Các nghiệp vụ cơ bản tương đối giống nhau. Nhưng đặc thù của từng thị trường lại khá khác nhau.
Ví dụ ở thị trường Mỹ, khi khách hàng tới ăn ở quán, họ đều trả tiền tips (bồi dưỡng - PV) cho nhân viên phục vụ nhà hàng. Hoặc có thể 3 người đi ăn thì hóa đơn sẽ chia 3, thậm chí không chia 3 đều nhau mà ai ăn món gì thì trả tiền cho riêng món đó, còn món chung mới chia 3. Mỗi nhà hàng có nhiều nhân viên phục vụ phải tự nhập order (đơn đặt món ăn hoặc đồ uống của khách – PV) và tính tiền trên hệ thống. Hệ thống quản lý nhà hàng như vậy có tính phức tạp cao hơn rất nhiều so với nhu cầu sử dụng phần mềm của nhà hàng tại Việt Nam.
Khi xây dựng sản phẩm phần mềm về quản lý nhà hàng, chúng tôi xác định rõ yêu cầu, cùng với việc hiểu chủ nhà hàng cần gì thì cần phải hiểu cả hành vi của nhân viên trong nhà hàng. Có những hệ thống nhà hàng ở châu Âu, người làm bếp là người Việt, nhưng nhân viên nhận order lại có thể là người Đức hoặc Ba Lan. Tương tự như vậy, ở Mỹ, nhiều người Mexico làm trong bếp không biết tiếng Anh, chỉ biết và đọc được tiếng Tây Ban Nha. Giao diện của phần mềm không chỉ đạt tiêu chí thuận tiện mà còn phải hỗ trợ ngôn ngữ phù hợp cho từng nhân viên sử dụng.
Những hệ thống quản lý nhà hàng của nhiều nhà cung cấp nước ngoài sẽ không có đủ sự tinh tế, quan tâm đến chi tiết như vậy. MISA đã nghiên cứu khá kỹ từng tập khách hàng và phát hiện ra những nhu cầu cụ thể và khá tỉ mỉ này.
Không chỉ đáp ứng “đúng” và “đủ” nhu cầu của khách hàng, các sản phẩm của MISA còn phải đảm bảo tiêu chí “đẹp” nữa. Cái đẹp không chỉ thuần túy về mặt mỹ thuật, mà còn phải quan tâm tới chuyện bảo vệ sức khỏe người dùng. Các nút nhấn, giao diện phải cân đối, màu sắc phải hài hòa, để người dùng thấy là muốn dùng, ở lâu trên hệ thống không bị nhức mắt, khó chịu, bị ám ảnh về màn hình trước mặt.
Có một triết lý chung mà MISA đã áp dụng khi làm sản phẩm mass (đại chúng - PV) từ trước tới nay, đó là “Lấy khách hàng làm trung tâm”. Ở mỗi thị trường, khi nhắm đến tập khách hàng nào thì sản phẩm phải theo sát nhu cầu, thói quen, hành vi của khách hàng ở khu vực đó. Cần phải để khách hàng cảm thấy sản phẩm MISA cung cấp thực sự phục vụ họ, được xây dựng cho họ, chứ không phải lấy sản phẩm đâu đó mang đến cho họ sử dụng.
Ước mơ của MISA là mỗi sản phẩm khi đến tay khách hàng thì họ đều thốt lên “Wow! Đây chính là thứ chúng tôi đang mong đợi!”.
Như ông đã đề cập, triết lý kinh doanh của MISA khi làm sản phẩm đại chúng là “Lấy khách hàng làm trung tâm”. Triết lý này đã giúp MISA đưa sản phẩm CukCuk tiếp cận được bao nhiêu thị trường?
Ông Lữ Thành Long: CukCuk đã có mặt tại trên 20 quốc gia trên thế giới, gồm cả một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Myanmar…
Thị trường châu Âu đang là thị trường phát triển mạnh mẽ nhất của MISA. Đặc biệt, CukCuk đã có mặt nhiều ở nhiều chuỗi nhà hàng uy tín tại Đức.
Chúng tôi đang tiếp tục hành trình chinh phục nhiều thị trường khó tính khác. Khó tính nhất có lẽ là thị trường Mỹ. Khách hàng Mỹ sẵn sàng đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, phần mềm, nhưng thị trường Mỹ cũng là “sân chơi” cạnh tranh rất khốc liệt. Bây giờ MISA đã có nhiều khách hàng Mỹ, nhưng để có mạng lưới đối tác triển khai toàn diện tại thị trường này thì năm nay MISA mới bắt đầu tiến hành.
Một thị trường khó vào khác nữa là Philippines. Muốn vào thị trường này thì phải có license (giấy phép) thì mới bán được sản phẩm cho nhà hàng.
Cũng có những thị trường có đề xuất nghiên cứu, như châu Phi chẳng hạn. Mặc dù có khá nhiều khách hàng lẻ ở đấy nhưng MISA cũng chưa tìm được đối tác đủ mạnh để có thể triển khai rộng rãi. Sự hiểu biết của mình về những quốc gia châu Phi còn hạn chế, trong khi nhiều khu vực an ninh không đảm bảo, nên khá quan ngại khi bước chân vào thị trường này.
Xét về doanh số của CukCuk thì hiện tại vẫn chưa phải lớn lắm, mới chỉ là con số triệu đô. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để có thể có những con số tăng trưởng tốt hơn trong giai đoạn tới.
Với trào lưu phát triển của các công nghệ mới như ChatGPT, AI (trí tuệ nhân tạo – PV)… thì những công nghệ mới này sẽ được tích hợp vào các sản phẩm, dịch vụ của MISA khi bước chân ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, như tôi đã đề cập, đối với mỗi tập khách hàng, MISA luôn quan tâm đến tỉ mỉ chi tiết hành vi, nhu cầu cụ thể của người dùng, để tích hợp những công nghệ thích hợp, khiến cho khách hàng lúc nào cũng phải “Wow” khi sử dụng.
Ông đã nhiều năm sinh sống tại Mỹ. Có bao giờ đến nhà hàng, thấy họ sử dụng phần mềm của MISA, ông tự hào giới thiệu “đó là sản phẩm của người Việt chúng tôi” hay không?
Cũng có nhiều trường hợp như vậy rồi đấy. Tôi tới nhà hàng và rất bất ngờ khi nhận bill (hóa đơn thanh toán - PV) in ra từ hệ thống phần mềm của MISA.
Với những người làm sản phẩm trên thị trường đại chúng giống như MISA thì việc sản phẩm chạm tới tay của đông đảo người dùng là một trong những niềm tự hào rất lớn, khó có thể đo đếm được.
Ngoài sản phẩm “đinh” là CukCuk, MISA còn dự tính đưa những sản phẩm nào khác ra thế giới?
Sau bước đầu với CukCuk, lộ trình tiếp theo của chúng tôi sẽ còn nhiều sản phẩm khác có thể bước chân ra thị trường thế giới. Ví dụ như chúng tôi đã có kế hoạch phát triển những sản phẩm phục vụ các tiệm nail, shop tạp hóa, cửa hàng thời trang… Đó là những lĩnh vực mà người MISA có khả năng phát triển sản phẩm phù hợp với thị trường quốc tế.
Theo ông, ra thị trường quốc tế khó hơn phát triển tại thị trường nội địa ở điểm nào?
Với thị trường nội địa, mình ở đây, trực tiếp tiếp xúc được với khách hàng, hiểu được văn hóa, con người ở đây. Thương hiệu của mình đã khá thân thuộc với người sử dụng. Vì thế thuận lợi hơn so với thị trường quốc tế rất nhiều.
Bước chân ra nước ngoài thì cái khó nhất là mỗi thị trường có những văn hóa bản địa khác nhau. Nếu mình không nắm được sự khác biệt về văn hóa, luật pháp…, ví dụ như ở Đức, luật pháp để triển khai hệ thống quản lý nhà hàng có những ràng buộc về chuyện phải kết nối với hệ thống thuế trực tiếp…, thì sẽ rất khó phát triển sản phẩm, thị phần.
Khát vọng lớn nhất hiện nay của MISA là gì?
MISA vẫn có khát vọng tiếp tục cống hiến mạnh mẽ cho thị trường Việt Nam, mang những sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể. Đặc biệt, với 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, MISA muốn đồng hành cùng Chính phủ trong việc cung cấp cho họ công cụ để quản lý, hỗ trợ bán hàng, khai thuế, nhằm gia tăng hiệu quả kinh doanh. Công cụ hỗ trợ khai thuế cũng giúp việc thu thuế của Chính phủ được triển khai hiệu quả hơn, minh bạch hơn, dễ dàng hơn. Đó là khát vọng đối với thị trường trong nước.
Còn về khát vọng bước chân ra thế giới, với thành công bước đầu của CukCuk, chúng tôi kỳ vọng sắp tới sản phẩm này sẽ đem lại doanh số 50 triệu USD. Doanh số cũng chỉ là một phần nhỏ thôi. Quan trọng là tương đương với doanh số đấy sẽ là sự gia tăng số lượng khách hàng sử dụng trên thị trường quốc tế. Điều đó đồng nghĩa sản phẩm, dịch vụ của MISA, của Việt Nam, dưới tư cách sản phẩm thương mại, đã bắt đầu có tên trên bản đồ công nghệ thông tin của thế giới. Qua đó khẳng định rằng người Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm phần mềm tốt để cung cấp rộng rãi cho thị trường quốc tế.
Thực tế thời gian qua, FPT đã thành công trong việc ghi dấu ấn về các dịch vụ gia công phần mềm trên bản đồ thế giới. MISA chúng tôi đang nuôi khát vọng sẽ được đánh dấu như một đơn vị cung cấp sản phẩm trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới.
Đâu là “bí kíp” để MISA có thể hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng?
Chúng ta thường hay nghe nói “Thương trường như chiến trường”. Những người muốn cung cấp sản phẩm ra thương trường thì tinh thần “chiến binh” cần rất mạnh mẽ. Ở MISA, đội ngũ lãnh đạo, quản lý và nhân viên luôn lấy tinh thần “chiến binh” làm tinh thần chủ đạo để bước ra thị trường. Chỉ có tinh thần chiến binh thì mới có hành động mau chóng, luôn tiên phong, sáng tạo và quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu.
Trong quá trình làm thì sẽ có vô vàn thách thức, nhiều khi có thể chưa thành công ngay được. Nhưng quan trọng là mình không nản chí, quyết tâm đeo đuổi mục tiêu, liên tục thay đổi biện pháp, cách thức để thực hiện bằng được mục tiêu đã đề ra.
Dân gian có câu “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. MISA có khuyến nghị, đề xuất gì để những doanh nghiệp Việt như MISA sẽ có thể tạo ra những dấu ấn đẹp hơn trên thị trường thế giới?
Nếu đơn độc bước ra thị trường quốc tế thì doanh nghiệp Việt sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi rất mong có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc truyền thông và kết nối. Giá như các chuyến công du, xuất ngoại của các quan chức nhà nước sẵn sàng mang theo các doanh nghiệp Việt để kết nối doanh nghiệp Việt với các doanh nghiệp tại quốc gia ghé thăm, qua đó thu hút được truyền thông của nước sở tại, tuyên truyền quảng bá cho các doanh nghiệp Việt, thì chúng tôi sẽ có những khởi đầu đặt chân thuận lợi hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của sứ quán trong việc kết nối, tìm hiểu thông tin của địa phương cũng sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị phần quốc tế.
Vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Chẳng hạn trong Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), các thành viên hiệp hội thường xuyên chia sẻ để giúp nhau có được tri thức kinh nghiệm, nhằm tránh được những thất bại, nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công khi ra nước ngoài.
Ông có lời khuyên, khuyến nghị gì cho doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp trẻ, muốn vươn mình ra “biển lớn”?
Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tự xây dựng những sản phẩm công nghệ tốt để bước chân ra thị trường quốc tế. Có thể kể tới Ứng dụng quản lý tài chính cá nhân Money Lover của bạn Ngô Xuân Huy đã được cộng đồng quốc tế sử dụng rất nhiều. Hay là game do Nguyễn Hà Đông phát triển đã được đánh giá rất cao.
Tôi nghĩ khả năng làm công nghệ, sản phẩm của doanh nghiệp Việt để đưa ra quốc tế là hoàn toàn có thể. Vấn đề là mình có thực sự khát vọng bước chân ra thị trường quốc tế hay không; mình có thực sự chịu bỏ thời gian, công sức để tìm hiểu thị trường muốn gì một cách cụ thể hay không.
Đi ra thị trường quóc tế, thành công sẽ rất lớn, nhưng cũng sẽ thách thức hơn rất nhiều. Khi bước vào thị trường mới, mình có thất bại, thậm chí nhiều lần thất bại rồi mới thành công, cũng là chuyện rất bình thường, không có gì đáng sợ.
Cảm ơn ông rất nhiều về cuộc trò chuyện thú vị này!
Bình Minh (thực hiện)