Giá canh chua tôm sú ghi trong thực đơn chỉ từ 130.000 đến 150.000 đồng nhưng phần tôm lại được tính riêng, có giá 880.000 đồng/kg!
Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành về giá cả, dịch vụ TP Vũng Tàu sẽ mời một chủ quán ăn trên đường Võ Thị Sáu, TP Vũng Tàu đến làm việc để xác minh thông tin quán này đã lấy tiền giá cao.
Ngày 1/8, ông Võ Quý Khanh - Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành về giá cả, dịch vụ TP Vũng Tàu - cho biết thông tin trên.
Trước đó, vào giữa tháng 7/2015, một tài khoản Facebook tên “TTN” có đăng tải dòng trạng thái về chuyện gia đình người này bị một quán ăn trên đường Võ Thị Sáu, TP Vũng Tàu tính hơn 5 triệu đồng cho một bữa ăn.
Kèm theo đó, người này còn đăng cả hình ảnh cự cãi, phản ứng của đoàn khách với quán khi bị lấy giá cao và phiếu tính tiền của quán.
Cũng theo người này, sau khi tranh cãi quyết liệt, chủ quán đã giảm cho đoàn khách 10%. Ngoài ra, trước khi ra về, chủ quán còn đưa cho tài xế 800.000 đồng tiền hoa hồng (tài xế lại là người nhà của đoàn khách nên mới biết).
Đáng chú ý, giá canh chua tôm sú ghi trong thực đơn chỉ từ 130.000 đến 150.000 đồng nhưng phần tôm lại được tính riêng, có giá 880.000 đồng/kg!
Giá canh chua tôm sú ghi trong thực đơn chỉ từ 130.000 đến 150.000 đồng nhưng phần tôm lại được tính riêng, có giá 880.000 đồng/kg. (Ảnh minh họa). |
Thông tin trên báo Lao động, thương hiệu du lịch của thành phố biển Vũng Tàu đang bị “sứt mẻ” rất nhiều do nạn “chặt, chém” tồn tại dai dẳng nhiều năm qua.
Ngày 16/2/2013, đoàn kiểm tra liên ngành TP.Vũng Tàu đã đến quán ăn Thu Mai (Quán Như Ý trước đây) số 306 Phan Chu Trinh, P.2, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) kiểm tra phản ánh một du khách.
Trước đó, ông Nguyễn Tùng Nghĩa, ngụ Q Tân Bình (TP HCM), phản ảnh trưa 12/2/2013 (mồng 3 tết) gia đình ông đến Vũng Tàu nghỉ dưỡng và tới ăn tại quán Thu Mai. Cụ thể, trong bữa ăn năm người của gia đình ông có món lẩu tôm sú và lẩu cua gạch. Với hai món này, mỗi món ông phải trả số tiền 1,26 triệu đồng. Trong đó, món tôm sú chỉ có 10 con to bằng ngón tay cái nhưng được quán này cân tới 1,4kg và tính giá mỗi ký lên tới 900.000 đồng.
Món cua có ba con, mỗi con to bằng bốn ngón tay được quán này cân đến 1,8kg và tính giá mỗi ký 750.000 đồng. Tính tổng cộng bữa ăn của gia đình ông hết hơn 3,6 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và yêu cầu chủ quán Thu Mai phải thực hiện đúng cam kết cân trước mặt cho khách thấy.
Sáng 7/7/2013, đoàn kiểm tra liên ngành du lịch dịch vụ TP.Vũng Tàu, Công an TP Vũng Tàu và Công an phường 8 đã có buổi làm việc với các bên liên quan để làm rõ việc có hay không quán Hương Việt (số 94 Hoàng Hoa Thám) “chặt chém” du khách đến từ TP HCM vào tối 6.7.2013.
Theo bản tường trình, khoảng 20h tối 6/7/2013, có một đoàn khách (chủ quán Hương Việt nói gồm 15 người và ngồi chia làm 3 bàn, du khách cho biết chỉ có 7 người, gồm 4 người lớn và 3 em nhỏ) vào ăn, uống tại quán. Ăn xong, nhân viên quán đưa hóa đơn tính tiền là 5 triệu 836 ngàn đồng, bao gồm: 3,7 kg ghẹ (750 ngàn đồng/kg), 2,1 kg tôm sú loại lớn (880 ngàn đồng/kg), cá thu, cơm chiên… Du khách phản ánh giá ghẹ, tôm sú bán đắt.
Vào ngày 16/4/2013, khi đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra thủ tục hành chính trong kinh doanh ăn uống, quán Hương Việt đã không xuất trình được hóa đơn giá trị gia tăng các mặt hàng đã bán cho nhóm du khách Nhật trên. Căn cứ theo khoản 5, Điều 33, Chương V xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn của Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 Quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Đoàn liên ngành thống nhất phạt quán Hương Việt 12,5 triệu đồng và tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Chiều 23/4/2013, tại Phòng Văn hóa - Thông tin TP Vũng Tàu, đoàn kiểm tra liên ngành du lịch và dịch vụ TP Vũng Tàu đã làm việc với ông Nguyễn Như Khánh - chủ quán Hương Việt (94 Hoàng Hoa Thám, phường 2, TP Vũng Tàu), đại diện Vungtau Intourco resort và hãng taxi Petro làm rõ nội dung thư của một nhóm du khách Nhật phản ánh về việc quán ăn trên có hành vi gian lận thương mại, chi huê hồng cho tài xế taxi.
Theo nội dung thư phản ánh, trưa ngày 26/3, một nhóm du khách gồm 7 người (4 người Nhật và 3 người Việt Nam) vào quán Hương Việt. Với 6,1kg tôm kẹt (tôm hùm loại nhỏ), 3,5kg cua, 1,7kg mực, hàu… nhóm du khách trên phải trả 16,6 triệu đồng. Sau đó, vụ việc được phản ánh với Vungtau Intourco resort và hãng taxi Petro, lúc này chủ quán Hương Việt phải trả lại nhóm du khách trên 4,8 triệu đồng. Tại buổi làm việc, ba bên gồm Vungtau Intourco resort, hãng taxi Petro và chủ quán Hương Việt đều xác nhận có vụ việc trên.
Chiều 27/1.2015, Đoàn liên ngành du lịch và dịch vụ TP.Vũng Tàu đã kiểm tra thủ tục hành chính và đối chiếu lời khai của chủ quán Hào Long Sơn (số 94 Hoàng Hoa Thám, phường 2, TP Vũng Tàu) trước thông tin quán này tính tiền một bữa ăn của 2 khách hàng (1 nữ người Việt Nam và 1 nam người Nhật) giá 22 triệu đồng.
Theo chị Lê Thị Hồng Thanh, khách hàng nữ kể, 22h30 ngày 19/1, chị và một người đàn ông quốc tịch Nhật Bản đến quán Hào Long Sơn ăn khuya. Bữa ăn của 2 người gồm tôm sú, ốc hương, cơm chiên hải sản, 2 chai bia, 1 ly cam ép với giá 2,2 triệu đồng. Không đủ tiền mặt, du khách Nhật thanh toán bằng thẻ visa.
Ông Nguyễn Như Khánh, chủ quán trực tiếp đưa khách đến máy POS quẹt thẻ, nhưng “bấm nhầm thành 22 triệu đồng”, ông Khánh tường trình. Vị khách Nhật tỏ ý thắc mắc nhưng không diễn đạt được vì bất đồng ngôn ngữ. Khi lên taxi về, người khách nữ đi cùng xem lại biên lai và phát hiện số tiền bị tính nhầm gấp 10 lần, liền nhờ tài xế taxi quay lại nhưng quán đã đóng cửa.
Cũng trong đêm hôm đó, qua tài xế taxi, hai vị khách đã báo với ông Khánh về sự nhầm lẫn trên. Đối chất với cơ quan chức năng, ông Khánh biện bạch: “Do lỗi máy quẹt thẻ hoặc sơ ý nên tính nhầm tiền của khách. Khách muốn nhận tiền mặt hoặc qua tài khoản, quán sẵn sàng hoàn trả”. Tại buổi làm việc, ông Khánh chưa xuất trình được bảng kê và hóa đơn trong ngày 19.1 thể hiện các mặt hàng đã bán. Đoàn liên ngành đã ghi nhận vụ việc và mời ông Khánh lên làm việc vào ngày 2/2/2015.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo UBND TP Vũng Tàu cho biết trong những năm qua, TP và các ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, giám sát và “chăm sóc kỹ càng” những địa chỉ “đen” nổi tiếng với nạn lừa du khách, tính tiền giá cao. Nhờ đó, từ bảy quán nằm trong địa chỉ “đen” trước đây, hiện đã không còn quán nào hoạt động, hoặc còn hoạt động thì không còn xảy ra tình trạng như trước đây. Ông Lê Xuân Tươi - bí thư Thành ủy TP Vũng Tàu - khẳng định Thành ủy đã chỉ đạo chính quyền phải quyết tâm loại trừ kiểu làm ăn gian lận, lừa đảo ra khỏi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn. Trong đó phải chú trọng kiểm tra thường xuyên, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan. “Những người làm ăn gian lận chính là họ không biết bảo vệ nguồn thu lâu dài của mình mà còn vô hình trung làm phương hại đến địa phương, đến những người làm ăn chân chính. Việc đấu tranh chống các kiểu làm ăn chụp giật đã có kết quả, nay thành phố tiếp tục làm mạnh hơn, bài bản hơn” - ông Tươi nói. |
(Theo ĐSPL)