Đó là đánh giá của các Ủy ban của Quốc hội nêu tại báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. Báo cáo vừa được Tổng thư ký Quốc hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nâng cao chất lượng tín dụng
Báo cáo của Quốc hội đánh giá: Chất lượng tín dụng được cải thiện, cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực. Trong đó, tín dụng tập trung vào lĩnh vực đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế như lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ; tín dụng đối với nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nhà ở xã hội, hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai… được chú trọng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai kịp thời các giải pháp cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Như: tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, giảm lãi suất cho vay không chỉ với khách hàng mới mà cả dư nợ hiện hữu, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay có dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tổi thiểu từ 1,5-2%/năm).
Báo cáo cho rằng: Tín dụng tăng trưởng khá hợp lý và phục vụ các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần từng bước đẩy lùi tín dụng đen. Năm 2023, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra hàng năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025, tích cực triển khai các giải pháp thí điểm các mô hình, công nghệ mới. Chẳng hạn: triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ - Mobile Money; thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ; thí điểm dịch vụ Mobile Money tích cực tham gia thúc đẩy thanh toán lệ phí, học phí không dùng tiền mặt, hỗ trợ triển khai thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển đại học…
Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt
Báo cáo đánh giá: Khuôn khổ pháp lý và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động ngân hàng tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, bảo đảm an ninh, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung; thúc đẩy các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực quản trị, điều hành, năng lực quản trị rủi ro, tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Việc thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, đặc biệt điều hành ổn định lãi suất và tỷ giá trong bối cảnh thị trường nhiều áp lực, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Các giải pháp thu hút ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng được triển khai, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu ngoại tệ của tổ chức và cá nhân, góp phần ổn định thị trường.
Các hoạt động thanh tra, giám sát được tăng cường, đổi mới theo hướng thanh tra pháp nhân, gắn kết chặt chẽ với công tác giám sát, từng bước kết hợp và áp dụng phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro, hướng tới ngăn chặn, cảnh báo sớm các rủi ro có khả năng phát sinh. Các công cụ, phương pháp giám sát mới được triển khai gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển cơ sở dữ liệu và hệ thống tiêu chí giám sát nhằm nâng cao khả năng cảnh báo sớm của Ngân hàng nhà nước đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống.
Đáng chú ý, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng từng bước được kiểm soát; quản lý hoạt động cho vay của các công ty tài chính, cho vay tiêu dùng được thực hiện giám sát thường xuyên theo nhóm với các công ty tài chính; các cơ chế, chính sách về cho vay tiêu dùng được kiểm soát.
Các tổ chức tín dụng đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro. Tính đến thời điểm cuối tháng 5/2023, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 1.641,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, TCTD tự xử lý ở mức cao 1.223,0 nghìn tỷ đồng (chiếm 74,5% trong tổng nợ xấu được xử lý), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) 418,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,5% trong tổng nợ xấu được xử lý.
Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống xử lý được 75 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 5,8 nghìn tỷ đồng (tăng 8,4%) so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 cũng đạt được kết quả tích cực. Lũy kế từ khi Nghị quyết có hiệu lực (ngày 15/8/2017) đến cuối tháng 5/2023, toàn hệ thống đã xử lý được 419,8 nghìn tỷ đồng.