Trong khi các nước châu Á dần kiểm soát lại tình hình, các quốc gia đứng đầu Liên minh châu Âu đang phải chạy đua trước áp lực ngày càng gia tăng trong giai đoạn dịch bệnh bùng nổ tại lục địa già.
Kể từ 12h trưa ngày 17/3, biên giới liên minh châu Âu (EU) và các nước trong khối Schengen đóng cửa trong vòng 30 ngày.
Tính đến ngày 17/3, toàn thế giới ghi nhận hơn 196 nghìn ca nhiễm bệnh, với hơn 7.900 người từ vong và hơn 81 nghìn người được chữa khỏi.
Một sĩ quan cảnh sát kiểm tra giấy tờ của tài xế tại biên giới giữa Áo và Đức ngày 17/3 Ảnh: Michaela Handrek-Rehle/Bloomberg |
Tâm dịch châu Á được kiểm soát
Tại Trung Quốc và Hàn Quốc, hai quốc gia mà hơn một tháng trước đây còn vẫn là những tâm dịch phức tạp, tỉ lệ gia tăng các ca nhiễm và tử vong mới đã thấp đi. Sự lây lan đang được kiểm soát tốt.
Trung Quốc, cùng với đặc thù trong công tác kiểm soát quản lý hành chính và nguồn lực dồi dào, đã đồng thời tiến hành các biện pháp mạnh như cách ly toàn bộ các thành phố tâm dịch cùng với hơn 50 triệu người dân và xây dựng cấp tốc các bệnh viện dã chiến nhằm giảm tải hệ thống y tế.
Ngày 12/3, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc tuyên bố nước này đã qua đỉnh dich. Vũ Hán đóng cửa những bệnh viện dã chiến cuối cùng. Các y bác sĩ tạm thời được nghỉ ngơi và sẵn sàng cho những nhiệm vụ tiếp theo. Tại Hồ Bắc, người dân bắt đầu được đi lại trong địa bàn tỉnh nếu có giấy chứng nhận sức khỏe. Công nhân bắt đầu quay trở lại làm việc tại các cơ sở lao động. Trong vòng 4 tháng, với tổng số hơn 80 nghìn ca nhiễm bệnh, tỷ lệ phục hồi tại Trung Quốc là 84,95%.
Các nhân viên y tế kết thúc nhiệm vụ tuyến đầu tại Vũ Hán. Ảnh: Xinhua News |
Còn Hàn Quốc, quốc gia tương đồng với phương Tây về quan điểm chính trị, lựa chọn phương án kết hợp việc thông tin về dịch bệnh liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, đi cùng với một chiến dịch xét nghiệm ở quy mô lớn chưa từng thấy.
Nhằm giảm thiểu các tiếp xúc giữa những người bệnh và nhân viên y tế, nước này đã tiến hành xây dựng các trạm xét nghiệm di động với nhịp độ 20000 trường hợp/ ngày, đẩy nhanh các thủ tục nhằm cung ứng cho y bác sĩ và thị trường các bộ kit xét nghiệm cho ra kết quả dưới 30 phút; cũng như thúc đẩy người dân đi xét nghiệm tự nguyện.
Hành trình di chuyển của các bệnh nhân dương tính được dựng lại thông qua dữ liệu kỹ thuật số từ các camera giám sát, thẻ tín dụng, smartphone, … nhằm khoanh vùng các ổ dịch. Tin nhắn được gửi tới người dân mỗi khi có các trường hợp nhiễm bệnh mới ở gần nhà và nơi làm việc.
Ngày 17/3, Hàn Quốc ghi nhận thêm 84 ca nhiễm, 6 trường hợp tử vong với tỷ lệ chữa khỏi là 16.83% và tỷ lệ tử vong là 0.97%
Các quốc gia châu Á khác như Việt Nam, Singapore, Nhật Bản cũng đang tiến hành các biện pháp chủ động ngăn ngừa sự lây lan, tìm kiếm, khoanh vùng và cách ly các ổ dịch trong cộng đồng. Các biện pháp tạm hoãn xuất nhập cảnh, siết chặt an ninh cửa khẩu, đóng cửa biên giới cũng như ngừng cấp visa cũng đang được áp dụng một cách cứng rắn.
Có thể nói rằng, mỗi nước đã và đang tận dụng điểm mạnh của mình trên nhiều lĩnh vực khác nhau, kết hợp cùng kinh nghiệm dịch tễ đắt giá trong quá khứ để tìm ra cách thức phòng ngừa hiệu quả nhất, phù hợp với từng quốc gia và đặc thù xã hội.
Châu Âu bối rối trước khủng hoảng
Trong lúc dịch bệnh tại châu Á đã tạm thời được kiềm chế, cơn ác mộng tại châu Âu chỉ mới bắt đầu.
Cuối tuần vừa rồi, tổ chức Y tế Thế giới WHO tuyên bố châu Âu là “tâm chấn” của đại dịch toàn cầu, với số ca nhiễm và tử vong vì virus lớn hơn so với phần còn lại của thế giới, không kể Trung Quốc. Số lượng các ca lây nhiễm và tử vong tiếp tục gia tăng đột biến mà chưa thể dự đoán sau bao lâu nữa dịch sẽ đạt tới đỉnh. Châu Âu bước vào giai đoạn 3 của bệnh dịch chỉ sau 3 tuần.
Ngay từ những dấu hiệu đầu tiên của quá trình lây nhiễm bắt đầu vào thời điểm giữa tháng 2, sự phản ứng thiếu quyết liệt và rời rạc giữa chính quyền cùng các cơ quan chức năng, cùng sự chủ quan ngay trong cộng đồng, đã khiến lục địa già bỏ lỡ thời điểm vàng để ngăn chặn bùng phát virus.
Trên toàn châu Âu, chỉ tính riêng hai sản phẩm hỗ trợ y tế quan trọng là nước rửa tay và khẩu trang, thị trường ghi nhận sự thiếu hụt sản phẩm trầm trọng do gián đoạn chuỗi cung ứng thế giới. Phần lớn các dây chuyền sản xuất hàng loạt cho những sản phẩm hỗ trợ y tế lại tới từ… Trung Quốc.
Tại Pháp và Đức, chính quyền đã phải trưng dụng các vật phẩm y tế trực tiếp từ các nhà thuốc. Liên minh châu Âu lên tiếng đề nghị hai nước này chia sẻ kho dự trữ của mình nhưng hai quốc gia này đã chọn cách cấm xuất khẩu vật tư y tế để ưu tiên cho các y bác sĩ trong nước tham gia phòng dịch.
Thông tin dịch bệnh theo từng quốc gia tính đến 17/3/2020 |
Sự sống và cái chết đặt trên bàn cân
Là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất Châu Âu, Italia đang chứng kiến sự rạn nứt trong toàn bộ hệ thống cơ sở y tế. Quốc gia này có tỷ lệ người già trong dân số cao thứ hai thế giới, chỉ sau Nhật Bản. Chỉ sau một tháng, tính đến ngày 17/3, tổng số người nhiễm virus tại nước này tăng lên hơn 31.000 ca.
Ngày 14/3, Tờ Telegraph của Anh đưa thông tin từ bản báo cáo của một đơn vị quản lý khủng hoảng tại thành phố Turin, Piedmont, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Italia. Tài liệu này đề xuất việc từ chối cho các bệnh nhân có độ tuổi trên 80 hoặc có sức khỏe yếu tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế đặc biệt, trong bối cảnh nguồn lực trang thiết bị hạn chế và đang quá tải. Theo một nguồn tin chính phủ, tài liệu này cần sự chấp thuận của Ủy ban Khoa học và kỹ thuật trước khi được gửi và cơ chế được áp dụng tại các bệnh viện trên toàn quốc. Theo Viện Y tế Quốc gia Italia, khoảng 58% bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong là người ngoài 80 tuổi và 31% ở độ tuổi 70.
Giống như nguyên tắc trong chiến tranh, sự sống và cái chết từng bệnh nhân có thể sẽ phải đặt trên bàn cân để chọn lựa, dựa trên tiêu chí tuổi tác và tình trạng sức khỏe.
Thành phố Milan đã trưng dụng trung tâm triển lãm quốc tế Fiera Milano để thiết lập bệnh viện dã chiến đầu tiên. Bắc Kinh cũng đồng ý trợ cấp cho Italia các trang thiết bị y tế phòng chống dịch.
Tính từ đầu tuần, trung bình mỗi ngày Italia ghi nhận thêm hơn 3300 ca nhiễm cùng hơn 340 ca tử vong mới. Tỉ lệ tử vong nước này hiện tại đang là 7,94%, cao gần gấp đôi so với 4,05% trên toàn thế giới. Nếu không được kiểm soát, đến cuối tuần số người chết vì dịch Covid-19 tại Italia trong hơn 1 tháng sẽ vượt qua số bệnh nhân tử vong tại Trung Quốc trong vòng 4 tháng.
Tại Tây Ban Nha và Đức, số ca lây nhiễm mới trong ngày 17/3 ghi nhận trung bình khoảng 1400 ca nhiễm mới tại mỗi quốc gia. Tình hình tại Pháp đang chuyển biến xấu đi rất nhanh với hơn tổng số 7730 ca nhiễm và 175 người chết vì virus, trong đó hơn 1000 ca nhiễm mới được ghi nhận.
Cuộc chiến chống Covid-19 tại châu Âu giờ đây bước vào giai đoạn căng thẳng tiếp theo.
Biểu đồ số lượng ca nhiễm tại Pháp, Đức, Italia từ thời điểm 16/2 đến 11/3 |
Đóng cửa biên giới, nghiêm cấm tiếp xúc cộng đồng
Thiếu sự trao đổi thông tin và sự hợp tác trong việc chia sẻ nguồn lực phòng chống dịch bệnh, các quốc gia châu Âu lần lượt đơn phương tuyên bố các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế tối đa sự lây lan và các nguy cơ đến từ các nước láng giềng.
Đan Mạch, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Latvia, Litva và Slovakia tuyên bố đóng cửa biên giới.
Ngày 10/3, Italia tuyên bố lệnh phong tỏa toàn quốc. Đạo luật bắt buộc người dân phải ở trong nhà trừ trường hợp sức khỏe khẩn cấp, cấm mọi hoạt động tập trung đông người và các hoạt động thể thao, đóng cửa toàn bộ trường học. Tây Ban Nha theo chân Italia tuyên bố phong tỏa toàn quốc, có hiệu lực từ 8h sáng ngày 16/3.
Ngày 16/3, Đức tuyên bố niêm phong biên giới với Áo, Đan Mạch , Pháp và Luxembourg. Slovenia đóng cửa biên giới với Italia. Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa biên giới với người dân từ chín quốc gia EU trong khi Nga đóng cửa biên giới đất liền với Ba Lan và Na Uy.
20h tối ngày 16/3 theo giờ Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát sóng trực tiếp từ điện Élysée tới người dân. Sau tuyên bố ngày 12/3 yêu cầu đóng cửa tất cả các cơ sở giáo dục cũng như các hàng quán và các hoạt động văn hóa, tổng thống Pháp tiếp tục đưa ra các quyết định nhằm hạn chế tối đa sự tiếp xúc trực tiếp trong cộng đồng gây lây lan virus.
Từ 12h trưa thứ ba 18/3, lệnh hạn chế đi lại sẽ có hiệu lực trong ít nhất 15 ngày. Người dân chỉ được phép ra ngoài đường để mua sắm đồ ăn, y tế, đi làm (nếu không thể làm việc từ xa) và hoạt động thể dục cá nhân. Việc gặp mặt giữa người thân, bạn bè đều không được cho phép, kể cả gặp mặt tại công viên hay nơi công cộng. Các cá nhân phải tuân thủ khoảng cách an toàn 1m.
Theo thông tin của Bộ Nội vụ Pháp, tất cả người dân nếu muốn ra ngoài sẽ phải có giấy chứng nhận của chính phủ. 100 nghìn hiến binh và cảnh sát sẽ được huy động để kiểm soát tình hình trong thời gian này. Hình phạt cho việc vi phạm từ 38-135 euros.
Tổng thống Pháp cũng ra tuyên bố đóng cửa biên giới của Liên minh châu Âu EU và các quốc gia trong khối Schengen kể từ 12h trưa thứ ba 17/3, có hiệu lực trong vòng 30 ngày.
Thông điệp được tổng thống Pháp lặp lại nhiều lần trong bài phát biểu của mình:
“Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến!”
Khánh Cường (Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu AVSE Global)