Nhiều tỉnh thành "chạy đua" khai trương IOC
Mới đây, UBND tỉnh Bình Định vừa chính thức khai trương Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) do Tập đoàn FPT phối hợp đầu tư và triển khai. Xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh là nội dung then chốt trong Kế hoạch triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn.
Trung tâm được xây dựng nhằm giúp chính quyền giám sát, điều hành tập trung các lĩnh vực thông qua một nền tảng công nghệ chung duy nhất; cung cấp số liệu toàn diện về các hoạt động trên địa bàn tỉnh; cho phép người dân tiếp cận nguồn dữ liệu để phục vụ phát triển các dịch vụ, ứng dụng thông minh, từ đó kết nối và tương tác.
IOC tỉnh Bình Định đã hoàn thành theo đúng tiêu chuẩn và hướng dẫn của Bộ TT&TT, với 5 dịch vụ cơ bản và 3 dịch vụ mở rộng gồm: Dịch vụ phản ánh hiện trường; Dịch vụ giám sát, điều hành giao thông; Dịch vụ an ninh trật tự đô thị; dịch vụ giám sát thông tin trên môi trường mạng; Dịch vụ giám sát an toàn thông tin; Dashboard tổng hợp giám sát, điều hành; Hệ thống giám sát dịch vụ công; Hệ thống thông tin kinh tế xã hội.
IOC cũng tích hợp các hệ thống thông tin đã được những đơn vị trên địa bàn triển khai như hệ thống thông tin giám sát tàu cá, Cổng thông tin Covid-19 tỉnh Bình Định, hệ thống theo dõi các trạm BTS…
Trong khi đó, ngày 25/11, Hải Phòng đã ra mắt mô hình thử nghiệm IOC. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam phát biểu, việc vận hành mô hình tạo bước khởi động cho việc thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành công chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới.
Nhiệm vụ của IOC Hải Phòng là thu thập số liệu từ các hệ thống giám sát thành phần để thực hiện các tính năng khai thác nghiệp vụ tại trung tâm gồm: tổng hợp thông tin, trực quan hóa số liệu trên màn hình giám sát; báo cáo, thống kê dữ liệu tổng hợp; kết xuất dữ liệu theo yêu cầu từ các đơn vị chuyên ngành; quản lý nguồn lực, tài nguyên…
Sắp tới ở Đồng Tháp, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh thành phố Cao Lãnh cũng được chính thức khai trương. IOC thành phố Cao Lãnh do Trung tâm Tin học thành phố Cao Lãnh phối hợp VNPT Đồng Tháp xây dựng.
Trước mắt, IOC thành phố Cao Lãnh thí điểm 8 hệ thống giám sát điều hành gồm các lĩnh vực: y tế; thông tin phòng, chống dịch Covid-19; hành chính công; giáo dục; mạng xã hội; xử lý phản ánh của người dân; an ninh và an toàn giao thông; du lịch.
Thông qua nền tảng công nghệ số, dữ liệu số sẽ được cập nhật liên tục, thường xuyên, IOC thành phố Cao Lãnh sẽ là nơi thu thập, tổng hợp thông tin của thành phố trên tất cả các lĩnh vực, giúp lãnh đạo thành phố chỉ đạo, điều hành hoạt động.
Khởi đầu chặng đường hiện thực hóa
Theo chia sẻ của Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong trong sự kiện Industry 4.0 Summit đầu tháng 11, hiện có 41/63 tỉnh thành phố đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh, được ban hành cho toàn tỉnh hoặc một đô thị thuộc tỉnh.
Phát triển đô thị thông minh được Việt Nam xác định là một hướng đi đúng đắn trong xu thế đô thị hóa ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, ông Phong cũng nhận định, triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn gặp một số khó khăn.
Theo đó, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, nhận thức về đô thị thông minh xuất phát từ nhu cầu của nhà quản lý, doanh nghiệp, hay nhu cầu thụ hưởng dịch vụ của người dân chưa được nâng cao. Đồng thời, tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị thông minh và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ, đồng bộ.
Ngoài ra, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nhận xét, sự tham gia của cộng đồng, các thành phần kinh tế trong xây dựng đô thị thông minh còn hạn chế; việc triển khai đô thị thông minh còn riêng lẻ, manh mún; các đô thị thông minh chưa mang tính đặc thù; nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh bao gồm cả nguồn vốn và nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.
Dù vậy việc thành lập Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh sẽ là bước đi khởi đầu quan trọng trong việc hiện thực hóa đô thị thông minh.
Anh Hào
Nghiên cứu đề xuất xây dựng đô thị công nghiệp thông minh từ Singapore
Theo đề xuất của doanh nghiệp Singapore với Bộ Xây dựng, các khu công nghiệp kiểu mới sẽ ứng dụng chuyển đổi số, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để trở thành đô thị công nghiệp thông minh, hiện đại.