Gói cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng sắp chính thức kết thúc, cũng là lúc mà nhiều chủ đầu tư tăng tốc độ xây dựng để được giải ngân, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp đang khóc dở mếu dở.
Lo ế nhà xã hội
Là một doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội với dự án 1.900 căn hộ tại Hà Đông, chủ đầu tư dự án phải đối mặt với nhiều khó khăn, đó là khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc đồng nghĩa với sự hấp dẫn của loại hình căn hộ giá rẻ này sẽ không còn, người mua sẽ cân nhắc nhiều hơn.
Ông Phạm Minh Tuấn, phó giám đốc một công ty xây dựng, bức xúc: “Doanh nghiệp chúng tôi đang là nạn nhân của gói 30.000 tỷ đồng. Đúng vào thời điểm dự án này được xác nhận đủ điều kiện kinh doanh thì gói tín dụng này khép lại”.
Ông Tuấn cho biết, trong lễ mở bán, chủ đầu tư tiếp nhận đơn đăng ký mua nhà và đã nhận được hàng nghìn lá đơn đăng ký mua. Khi gói 30.000 tỷ khép lại, những tờ giấy này đành "nằm im" trong ngăn bàn.
DN lo ngại sẽ ế nhà xã hội nếu không còn gói 30.000 tỷ đồng (Ảnh:D.Anh) |
Những người sử dụng gói 30.000 tỷ đa số là người thu nhập thấp, do đó khi gói này kết thúc thì nhu cầu của họ gần như trở về 0. “Hàng ngày, chúng tôi phải trả lời rất nhiều khách hàng với câu hỏi: bao giờ có gói tương tự như vậy?”, ông nói.
Theo đánh giá của doanh nghiệp trên, nhà ở xã hội là rất cấp thiết và cấp bách bởi đối tượng mua là những đối tượng có nhu cầu ở thật. Về mặt chính sách, Chính phủ cũng đã khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào phân khúc này, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.
“Tôi nghĩ Chính phủ nên sớm có chính sách cụ thể để tháo gỡ những khó khăn đối với loại hình dự án này. Chúng tôi cũng rất mong độ trễ của chính sách từ chủ trương đến thực hiện được rút ngắn và xác định thời điểm cụ thể sẽ được thực thi”, ông Tuấn kiến nghị.
Cũng trong tình cảnh tương tự, giám đốc một doanh nghiệp nhà giá rẻ tại Hà Đông cho hay, các dự án của chủ đầu tư đã bán hết trước đó do được vay ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng. Ông đang lo lắng, sắp tới đây, nếu không có gói ưu đãi nào cho nhà giá rẻ thì chủ đầu tư sẽ phải cân nhắc lại các dự án trong tương lai để đảm bảo đầu ra.
Bên cạnh đó, do chạy nước rút nên thị trường xuất hiện nhiều trường hợp lợi dụng để giải ngân. Bản tin Tài chính kinh doanh VTV1 lúc 7h sáng ngày 18/5 đã đưa thông tin về hiện tượng cò mồi (có thể có quan hệ với chủ đầu tư) móc nối với khách hàng đã vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng để ký khống biên bản bàn giao nhà nhằm giải ngân đến 95% hợp đồng vay.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng, nếu việc này xảy ra thì sẽ gây thiệt hại cho người vay và có thể cho cả ngân hàng, vì chủ đầu tư có thể sử dụng nguồn vốn này vào mục đích khác mà không hoàn thành bàn giao nhà; người vay còn bị thiệt vì sẽ phải trả lãi vay nhiều hơn do việc giải ngân sớm.
Sẽ có thêm gói ưu đãi
Theo báo cáo giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, đến ngày 10/3/2016, các ngân hàng thương mại đã ký cam kết cho vay là 30.122 tỷ đồng với 46.246 khách hàng, đã giải ngân theo tiến độ 21.321 tỷ đồng (đạt 71%).
Theo đề nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM và Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo và đã được Chính phủ cho phép tiếp tục giải ngân đến hết gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Đồng thời, ngày 28/3/2016, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn hỏa tốc số 1953/NHNN-TD thông báo quyết định chấm dứt nhận hồ sơ vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kể từ ngày 31/3/2016.
Nhu vay vốn mua nhà giá rẻ vẫn còn nhiều. (Ảnh: D.Anh) |
Việc công bố thời điểm kết thúc nhận hồ sơ là cần thiết vì tổng giá trị hợp đồng cam kết cho vay tại thời điểm ngày 10/3/2016 đã vượt quá hạn mức 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 23/NQ-CP ngày 30/03/2016 của Chính phủ.
Đại diện Hiệp hội BĐS TP HCM kiến nghị, cần thống kê, xác định số dư nợ theo các hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng của từng ngân hàng thương mại. Sau ngày 31/05/2016, các ngân hàng thương mại được tiếp tục giải ngân cho khách hàng vay đến hết hợp đồng theo tiến độ và điều kiện giải ngân đã xác định trong hợp đồng tín dụng để các doanh nghiệp và người vay yên tâm.
Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết, đối với các doanh nghiệp, khi chuyển sang lãi suất thương mại thì DN phải tính vào sản phẩm của họ nên giá bán tăng. Do vậy, Hiệp hội tiếp tục kiến nghị Chính phủ, nếu các DN đã ký hợp đồng rồi tiếp tục được giải ngân với lãi suất như quy định.
Ông Nam cho biết, NHNN đã có những bước triển khai ban đầu. Những ngân hàng thương mại do nhà nước nắm cổ phần chi phối phải dành 3% tổng dư nợ của mình để cho vay với các điều kiện ưu đãi cho DN, hợp tác xã và người dân trong việc mua bán nhà ở xã hội. 3% tương đương 300.000-400.000 tỷ đồng là con số tương đối lớn. Gói này không có giới hạn khi nào dừng.
Theo ông Nam, các ngân hàng thương mại chưa triển khai vì họ phải giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Ngân hàng chính sách được cấp vốn từ chính sách, huy động vốn từ thị trường để cho DN và người dân mua nhà ở xã hội vay. Ngân hàng chính sách chịu trách nhiệm xây dựng đề án, báo cáo Chính phủ với những điều kiện như gói 30.000 tỷ.
Duy Anh