Báo cáo về hoạt động giáo dục và thực hiện ngân sách giáo dục năm 2022 của Chính phủ cho thấy: Dự toán chi thường xuyên lĩnh vực GD-ĐT năm nay là 275.709 tỷ đồng trên tổng số 1.784.600 tỷ đồng chi ngân sách nhà nước, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 15,45% tổng chi ngân sách.
Con số này chưa đạt mức tối thiểu được giao tại nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội và quy định tại điều 96 luật Giáo dục. Nghị quyết 37 và luật Giáo dục nêu rõ: “Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước".
Năm tới, dự toán chi thường xuyên cho GD-ĐT và dạy nghề là 286.700 tỷ đồng, không cao hơn nhiều so với năm nay và có thể tiếp tục không đạt mục tiêu.
Nếu tính riêng tổng chi đầu tư cho GD-ĐT năm nay, có thể thấy mức tăng khá cao so với 2021. Tổng chi cho đầu tư năm 2022 khoảng hơn 55.000 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực GD-ĐT (tăng tới 49,2% so với chi đầu tư năm 2021).
Theo báo cáo của các địa phương, chi đầu tư phát triển cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tập trung chủ yếu để tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đó là đầu tư xây dựng bổ sung phòng học, phòng giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật; nhà bếp và nhà kho; mua sắm bổ sung bộ thiết bị dạy học tối thiểu, bộ thiết bị đồ chơi ngoài trời, bộ máy tính; bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ...
Chi cho học tập chiếm tỷ lệ thấp
Báo cáo của Chính phủ cho rằng: Ngành Giáo dục có đặc thù là phần lớn kinh phí dùng để chi tiền lương. Nếu giảm chi thường xuyên theo lộ trình tại nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương sẽ không bảo đảm kinh phí chi lương cũng như chi cho chuyên môn, chi thực hiện các chế độ chính sách cho học sinh, sinh viên.
Năm 2021, tổng chi thường xuyên của cả nước giảm 1,9%, lĩnh vực GD-ĐT giảm 3,4%.
Điều này cũng sẽ khiến nguồn lực để giải quyết các vấn đề như biên chế giáo viên thiếu, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất nhằm triển khai kịp thời Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Bên cạnh đó, còn những địa phương, các cơ sở giáo dục khó khăn chưa cân đối được thu - chi để duy tu bảo dưỡng, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học. Do đó cần ngân sách trung ương ưu tiên quan tâm bố trí kinh phí cho các địa phương này.
Trong khi đó, ngân sách chi sự nghiệp chủ yếu là chi cho con người. Nhiều tỉnh chưa đạt tỷ lệ tối thiểu 18% chi cho chuyên môn trong tổng chi thường xuyên theo quy định tại quyết định số 46/2016/QĐ-TTg và tối thiểu 19% - theo đuyết định số 30/2021/QĐ-TTg.
Chi cho các hoạt động giảng dạy và học tập chiếm tỷ lệ còn thấp. Một số địa phương phải dùng nguồn kinh phí chi cho giảng dạy học tập để trả lương cho nhân viên hợp đồng theo nghị định 68/2000/NĐ- CP.
Báo cáo kế hoạch dự toán ngân sách cho GD-ĐT năm nay của 63 tỉnh/thành phố cho thấy, chỉ khoảng 50% địa phương bảo đảm tỷ lệ chi cho hoạt động giảng dạy và học tập tối thiểu. Có những địa phương dưới 15% trong tổng chi ngân sách cho GD-ĐT.
Chưa đạt lộ trình điều chỉnh học phí, tiền đầu tư còn thiếu
Nhiều năm nay, lộ trình điều chỉnh học phí đã được đưa ra. Nếu thực hiện theo đúng lộ trình, đến năm 2021 phải tính đủ chi phí theo tinh thần của nghị quyết số 19-NQ/TW. Song Chính phủ thừa nhận do GD-ĐT là lĩnh vực ảnh hưởng đến an sinh toàn xã hội, nếu thực hiện phương án này học phí sẽ tăng khá cao và ảnh hưởng tới chi tiêu của học sinh và gia đình; dễ gây xáo trộn lớn trong xã hội, ảnh hưởng tới cơ hội đi học của phần lớn học sinh, sinh viên.
Trong khi đó, đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 lại đang gặp khó về nguồn vốn.
Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT cho rằng trong giai đoạn 2021-2025, dự báo ngân sách nhà nước khó khăn, không còn các chương trình thực hiện từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ (nguồn vốn thực hiện kiên cố hóa trường lớp các giai đoạn vừa qua); các chương trình mục tiêu quốc gia có những tiêu chí, đối tượng và cơ chế quản lý riêng.
Do đó, nhiệm vụ đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp của các địa phương sẽ do địa phương chủ động bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương và lồng ghép thực hiện thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn.