Hãng thông tấn ISNA của Iran dẫn lời Amirali Hajizadeh, lãnh đạo lực lượng hàng không vũ trụ thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) của nước này nhấn mạnh: "Một hàng không mẫu hạm mang theo ít nhất 40 - 50 máy bay chiến đấu cùng 6.000 quân từng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với chúng ta trong quá khứ, nhưng hiện các đe dọa đó đã biến thành những cơ hội".

{keywords}
Các thành viên thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) của Iran. Ảnh: AP

Ông Hajizadeh cũng đe dọa, Iran sẽ "bắn người Mỹ vào đầu nếu họ hành động".

Cảnh báo sốc của ông Hajizadeh được đưa ra không lâu sau khi Tư lệnh IRGC Hossein Salami lên tiếng buộc tội Mỹ đang phát động chiến tranh tâm lý ở Trung Đông. Theo hãng tin Al Jazeera, ông Salami nhận định, khó có khả năng Mỹ sẽ dùng các tàu sân bay tấn công Iran.

Trong một tuyên bố trước đó, Phó đô đốc Jim Malloy, Tư lệnh Hạm đội 5 Hải quân Mỹ, cắm chốt tại Bahrain nói ông không loại trừ việc điều hàng không mẫu hạm Abraham Lincoln tới Eo biển chiến lược Hormuz giữa lúc leo thang căng thẳng.

Các diễn biến mới xảy chỉ vài ngày sau khi quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan ra lệnh triển khai chiến hạm USS Arlington, một tàu vận tải đổ bộ lớp San Antonio cùng nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa MIM-104 Patriot tới khu vực Chỉ huy trung ương Mỹ (CENTCOM).

Trước đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton thông báo, Washington đang cử nhóm tàu sân bay tấn công USS Abraham Lincoln và lực lượng oanh tạc cơ tới gần Iran. Ông Bolton mô tả đây là "một thông điệp rõ ràng và không thể nhầm lẫn gửi tới chính quyền Iran, rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các lợi ích của Mỹ hoặc đồng minh Mỹ đều sẽ phải đối mặt với vũ lực đáp trả không ngừng nghỉ". Quan chức này giải thích, động thái "nhằm đối phó với hàng loạt dấu hiệu và cảnh báo gây rối leo thang".

Tuy nhiên, Iran đã thẳng thừng bác bỏ các cáo buộc của giới chức Mỹ và tố cáo "các thông tin tình báo giả mạo" đã gây hiểu lầm về việc quốc gia Hồi giáo này là mối đe dọa với Mỹ.

Yousef Tabatabai-Nejad, giáo sĩ cấp cao ở Iran lên án việc Mỹ điều các tàu sân bay đến Trung Đông, đồng thời khuyến cáo Tehran có thể dùng hàng chục quả tên lửa phá hủy toàn bộ hạm đội tàu chiến trị giá hàng tỉ USD này của Washington.

Mối quan hệ đối đầu giữa Tehran và Washington trở nên trầm trọng hơn trong vài tuần trở lại đây sau khi Chính phủ Mỹ tháng trước liệt IRGC vào danh sách các nhóm khủng bố cũng như bổ sung các biện pháp trừng phạt mới chống Tehran liên quan đến chương trình phát triển hạt nhân. Cũng trong tháng Tư, Washington thông báo sẽ không tiếp tục gia hạn các đặc quyền miễn trừ ban hành hồi năm ngoái cho những khách hàng mua dầu mỏ của Iran nhằm hiện thực hóa kế hoạch đưa xuất khẩu dầu thô của quốc gia Hồi giáo về con số 0.

Để trả đũa, hôm 8/5, Tổng thống Hassan Rouhani, Chủ tịch Hội đồng An ninh tối cao Iran tuyên bố sẽ dừng thực hiện một số cam kết theo thỏa thuận hạt nhân quốc tế JCPOA đã ký với các cường quốc năm 2015. Ông Rouhani cũng gia hạn 60 ngày cho những quốc gia vẫn còn tuân thủ thỏa thuận là Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc thực hiện các cam kết của họ, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng và dầu mỏ.

Tuấn Anh