Những năm qua, các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) triển khai đồng bộ, đầy đủ theo quy định. Điều đó đã góp phần động viên, khuyến khích người có uy tín tích cực phát huy vai trò của mình; đặc biệt là trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”.

Đây là lực lượng đặc biệt, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên các lĩnh vực của cuộc sống, tham gia công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng…

chi-lang-lang-son-1.jpg
Đội ngũ người có uy tín giúp đồng bào tiếp cận pháp luật thông qua các hoạt động văn hóa, lễ hội ở địa phương. 

Huyện Chi Lăng hiện có 158 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận. Với uy tín, kinh nghiệm của bản thân, những thông tin kiến thức pháp luật nắm bắt được qua các hội nghị bồi dưỡng, tập huấn..., đội ngũ người có uy tín huyện Chi Lăng đã và đang làm tốt vai trò là những tuyên truyền viên đưa pháp luật đến gần với người dân.

Qua đó, người dân hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật, nhất là với đối tượng đặc thù, trẻ em...  góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở.

Để hỗ trợ, cung cấp thông tin cho đội ngũ người có uy tín, các cấp ủy, chính quyền huyện Chi Lăng thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền giáo dục pháp luật, các hội nghị tập huấn để người có uy tín có thêm hiểu biết, kỹ năng cần thiết về pháp luật. 

Trên cơ sở kinh nghiệm từ cuộc sống, cùng với những thông tin, kiến thức được tập huấn, người có uy tín đã chủ động tham gia giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở, không để xảy ra điểm “nóng”, hoặc đơn thư vượt tuyến, vượt cấp... Đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục và chia sẻ kiến thức pháp luật, vận động nhân dân gìn giữ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. 

Người có uy tín trong huyện Chi Lăng thuộc nhiều thành phần, độ tuổi, dân tộc khác nhau, song họ đều có tinh thần trách nhiệm cao trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có kiến thức giải quyết tốt các mối quan hệ trong gia đình, thôn, bản ở biên giới. Bằng lời nói, hành động, người có uy tín đã nói cho người dân nghe, giải thích cho người dân hiểu, gương mẫu thực hiện để người dân tin tưởng và làm theo, tuân thủ pháp luật, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Theo ông Nông Văn Tài, Trưởng phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Chi Lăng, với vai trò của mình, những người có uy tín huyện Chi Lăng đã không ngại khó, trực tiếp đến từng hộ gia đình trong thôn, xóm để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến nhân dân. Đồng thời, thực hiện lồng ghép tuyên truyền trong các ngày lễ hội của các dân tộc; trong các buổi sinh hoạt ở các khu dân cư, sinh hoạt văn hóa văn nghệ cộng đồng...

Bên cạnh bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người có uy tín, huyện cũng quan tâm đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc thông qua các buổi tập huấn, cung cấp thông tin pháp luật.

Công tác này được huyện triển khai khá đồng bộ, kịp thời, có hệ thống, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đội ngũ làm công tác dân tộc ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Nội dung tập huấn, tuyên truyền thiết thực, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương. Hình thức tuyên truyền phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số và nhu cầu tìm hiểu cũng như trình độ, nhận thức của người dân. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ làm công tác dân tộc và đồng bào dân tộc thiểu số, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu xã hội. 

Với sự chung tay của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của đội ngũ người có uy tín, đến nay năng lực tiếp cận pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số ở Chi Lăng ngày càng được nâng lên. Trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân thay đổi rõ rệt.

Nhân dân trên địa bàn tự giác, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp lực lượng chức năng như biên phòng, công an… đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm; hạn chế đến mức thấp nhất việc người dân bị lợi dụng tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật trên địa bàn biên giới.

Vĩnh Sang và nhóm PV, BTV