Thông tin này vừa được chia sẻ bởi các nhà khoa học hàng đầu thế giới tại buổi tọa đàm về tương lai của năng lượng vừa được tổ chức sáng nay. Đây là một sự kiện khoa học quan trọng trong khuôn khổ tuần lễ khoa học VinFuture. 

Theo Giáo sư Sir Richard Henry Friend (Đại học Cambridge, Vương Quốc Anh), có một sự thay đổi lớn về chi phí giữa các loại hình sản xuất điện. Điện than, điện hạt nhân và điện gió từng là những nguồn năng lượng có chi phí rẻ nhất. Tuy nhiên, điều này đã có sự thay đổi lớn chỉ trong vòng 10 năm qua.

Số liệu thống kê mới nhất của Statista cho thấy, điện gió hiện vẫn là nguồn năng lượng có chi phí rẻ nhất (53 USD/Megawatt giờ). Xếp ngay sau đó là điện mặt trời với mức chi phí chỉ 68USD/Megawatt giờ. 

{keywords}
Chi phí sản xuất điện mặt trời đã giảm chóng mặt trong vòng 10 năm qua. 

Đáng chú ý khi chi phí sản xuất điện mặt trời giờ đây đã rẻ hơn cả điện than và điện hạt nhân. Trong khi đó, chỉ mới hồi năm 2010, điện mặt trời là loại hình năng lượng có chi phí sản xuất cao nhất, lên tới 378 USD/Megawatt giờ. 

Như vậy, chỉ trong vòng 10 năm, chi phí sản xuất điện mặt trời đã rẻ hơn gấp 5 lần. Tốc độ sụt giảm của chi phí sản xuất điện mặt trời còn nhanh hơn nhiều so với suy nghĩ của những người lạc quan nhất ở thời điểm 10 năm trước. 

Giáo sư Sir Richard Henry Friend cho rằng, sở dĩ có sự thay đổi chóng mặt trên là nhờ sự tiến bộ của công nghệ. Lợi thế của quy mô sản xuất lớn từ những trang trại pin mặt trời cũng giúp giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư, nhờ đó giảm bớt chi phí. 

Theo Giáo sư Sir Kostya S. Novoselov - Đại học Manchester (Vương quốc Anh), trong thời gian tới, con người cần tìm kiếm phương án lưu trữ điện năng tốt hơn để nâng cao mức độ thâm nhập của các nguồn năng lượng tái tạo. 

“Tích năng và lưu trữ điện năng là những công nghệ quan trọng để có thể sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng. Các công nghệ tích trữ năng lượng hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu đó, đặc biệt là với điện mặt trời”, nhà khoa học từng đạt Giải Nobel Vật lý năm 2010 chia sẻ. 

{keywords}
Giáo sư Antonio Facchetti (Đại học Northwestern).

Là một tín đồ của điện mặt trời, Giáo sư Antonio Facchetti - Giáo sư Hóa học tại Đại học Northwestern, đồng thời là Giám đốc Công nghệ tại Flexterra cho rằng, chi phí sản xuất điện mặt trời đã giảm nhanh và sẽ còn giảm mạnh trong thời gian tới. 

Nếu so với năng lượng gió ngoài khơi và thủy điện, tốc độ giảm chi phí sản xuất đều không thể nhanh bằng điện mặt trời. Nguyên nhân là bởi vấn đề về công nghệ và chi phí vật liệu.

Điện mặt trời rất đặc biệt. Đây là nguồn năng lượng có thể triển khai với nhiều quy mô khác nhau, từ trang trại cho đến cả các hộ gia đình. Trong lĩnh vực điện mặt trời, có nhiều phương án khác nhau để giảm giá thành sản phẩm do sự đa dạng về các loại vật liệu, từ vật liệu hữu cơ, silicon cho tới các loại vật liệu mới. 

Dù theo kịch bản nào đi chăng nữa, chi phí sản xuất điện mặt trời đều được dự đoán sẽ giảm từ 30-50% từ nay cho đến năm 2030. 

{keywords}
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên - chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực công nghệ silicon và pin mặt trời. 

Để giảm phát thải carbon, Giáo sư Nguyễn Thục Quyên - GĐ Trung tâm Polyme và Chất rắn hữu cơ ĐH California cho biết, nhiều nước như Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Áo, Thụy Sĩ... đang chuyển dịch dần sang các nguồn năng lượng tái tạo. 

Việc triển khai các nguồn năng lượng tái tạo ra sao không có “mô típ” chung hay những mô hình cụ thể mà phải phụ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện của từng quốc gia. Trong đó, chìa khóa thành công là tính đa dạng trong cơ cấu nguồn cung năng lượng. 

“Với trường hợp của Việt Nam, nước ta có đường bờ biển dài, khu vực miền Trung nhiều nắng, gió là những lợi thế để tạo nên nguồn năng lực quốc gia.”, Giáo sư Nguyễn Thục Quyên chia sẻ. 

{keywords}
 PGS TS Phạm Hoàng Lương (Đại học Bách khoa Hà Nội).

Trước những thông tin của các nhà khoa học quốc tế, đại diện nước chủ nhà Việt Nam là Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Hoàng Lương (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, hiện lưới điện quốc gia Việt Nam vẫn còn dựa nhiều vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt. 

Tuy vậy, quá trình chuyển dịch năng lượng hiện là xu hướng toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu bằng việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Để chuyển dịch hiệu quả hơn, Việt Nam đang nỗ lực tăng tỷ trọng năng lượng mặt trời trong lưới điện. Điện gió, điện mặt trời sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong quá trình phát triển của Việt Nam. 

Trọng Đạt

Người Việt giỏi toán: Lợi thế để phát triển công nghệ AI

Người Việt giỏi toán: Lợi thế để phát triển công nghệ AI

Với những lợi thế nhất định về xã hội và con người, Việt Nam có cơ hội để thu hẹp khoảng cách về công nghệ AI với thế giới.