"Chiếc bánh" lớn dần đều…
Với mức tăng trưởng trên 30%, qui mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2018 đạt 7,8 tỉ USD từ con số 4 tỉ USD của năm 2015. Nhìn chung vẫn lạc quan từ báo cáo của VECOM: nếu trong giai đoạn 2019-2020 mức tăng trưởng giữ ổn định ở mức từ 30% trở lên thì qui mô thị trường vào năm 2020 sẽ đạt 13 tỉ USD, vượt mức mục tiêu 10 tỉ USD được đề ra trong Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 đối với thị trường bán lẻ (B2C).
Ở phân khúc website TMĐT, hiện 5 cái tên nổi bật nhất chính là Lazada, Shopee, Tiki, Sendo và Adayroi. Trong những tháng gần đây, Shopee đã vượt Lazada về số lượng truy cập trong một quí. Tuy nhiên, sự vượt mặt ở chỉ tiêu này chưa phải là cái hơn quyết định như sự nhầm lẫn của không ít phương tiện truyền thông đã vội cho rằng Shopee đã vươn lên số 1 thị trường Việt Nam.
Thống kê các sàn thương mại điện tử được nhiều người truy cập nhất năm 2018. Nguồn: iPrice
Truy cập nhiều mà mua ít hoặc không mua, lượng truy cập nhiều mà doanh số tăng ít, cũng có thể xem là một thất bại. Tiêu chí để đánh giá ngôi vị Số 1 suy cho cùng chính là số lượng đơn hàng tương ứng với doanh số từng quí, từng năm.
Để có được nhiều đơn hàng thì lượng hàng hóa cũng phải phong phú, đặc biệt là về chủng loại. Ở yếu tố này, có thể thấy Shopee và các đối thủ còn lại chưa thể qua được Lazada, cho dù đó là những loại hàng hóa giá tầm tầm và chất lượng theo đúng phương châm "tiền nào của nấy".
Nhìn chung, với 5 sàn TMĐT nổi bật kể trên, thị trường TMĐT Việt Nam trong vài năm trở lại đây được xem là thị trường có mức cạnh tranh khốc liệt nhất Đông Nam Á nếu không muốn nói là toàn khu vực Châu Á.
Lazada từ ngôi vị Số 1 vài năm trước, dần dần đã bị các đối thủ còn lại thu hẹp khoảng cách, trong đó đã bị Shopee vượt mặt về lượng truy cập cũng có thể xem là một "tiên lượng xấu" của sàn TMĐT thuộc "đại gia" Alibaba này.
Tuy nhiên, những gì đề cập ở trên chỉ là ngành TMĐT truyền thống chuyên bán lẻ các loại hàng tiêu dùng, thời trang, máy móc, hàng điện tử.v.v… Trên thực tế thị trường, những ngành hàng TMĐT phi truyền thống, chuyên về dịch vụ, cũng đang lớn mạnh trong sự tăng tốc của các ứng dụng như Grab, Zalo, Go-Viet, FastGo, Lalamove, Giao hàng nhanh, Now.vn…
Đó là những dịch vụ đặt xe ôtô, xe máy; đặt thức ăn, giao hàng nhanh… qua ứng dụng. Đây là một thị trường đang diễn ra sự cạnh tranh cũng khốc liệt không kém lĩnh vực TMĐT truyền thống khi số lượng các ứng dụng tham gia nhiều hơn, với lượng vốn đầu tư liên tục được chi ra.
Theo bà Tenzin Dolma Norbhu - Giám đốc chính sách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Facebook, kinh tế ứng dụng kể trên đã góp phần lớn tạo nên tổng thặng dư tiêu dùng khoảng 6,4 tỉ USD tại thị trường Việt Nam trong năm 2018.
"Niềm đau" của nhiều "ông lớn"
Có nhiều cái tên đã từng "ngã gục" trên thị trường TMĐT Việt Nam. Nhỏ bé và còn non nớt, ít danh tiếng thì có Deca.vn, Cucre.vn, Beyeu.com, Lamdieu.com, Foreva.vn, Fab.vn, Zing Deal…
Zing Deal là mô hình kinh doanh Groupon mà theo trào lưu VNG đã từng nhập cuộc nhưng cũng sớm nói lời "chia tay sớm, bớt khổ đau". Tuy nhiên tới năm 2014, VNG cũng đành phải chia tay nốt với 123mua.vn bằng cách sang nhượng lại cho Sendo. Tưởng là "thoát nợ" nhưng sau đó VNG lại quay trở lại với TMĐT bằng cách mua cổ phần tại Tiki và từ đó đến nay liên tục gánh lỗ tại đây.
Thế nhưng VNG không phải là "ông lớn" (công ty Internet có giá trị vốn hóa lớn nhất Việt Nam hiện nay) duy nhất phải ngậm đắng nuốt cay với lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam.
Một "ông lớn" khác thuộc lĩnh vực bán lẻ hàng công nghệ là Thế Giới Di Động, vào ngày 27/11/2018 đã chính thức thông báo dừng hoạt động của sàn TMĐT Vuivui.com. Vuivui.com được kì vọng sẽ làm cho Thế Giới Di Động vui hơn theo lộ trình đóng góp tới 10% doanh số cho toàn hệ thống sau 3 năm thành lập, tức vào khoảng quí I/2020. Thế nhưng kết năm 2017, Vuivui.com chỉ đóng góp 0,1% tổng doanh thu của toàn hệ thống, khiến cho sàn này bị xóa sổ không để gợn lăn tăn.
Vuivui.com từng tuyên bố mạnh mẽ rằng sẽ "không làm thương mại điện tử theo kiểu đốt tiền", "Vuivui.com sẽ không đốt tiền bằng mọi giá". Quả đúng là như vậy. Và cũng quả đúng là khi Vuivui.com không đốt tiền thì cũng không có tương lai xán lạn nào khác hơn là phải dừng hoạt động.
Sàn thương mại điện tử chuyên về thời trang Robins - tiền thân là Zalora, vừa tuyên bố đóng cửa
Đúng 4 tháng sau, ngày 27/03/2019, sàn TMĐT chuyên về thời trang Robins.vn của "ông lớn" Thái Lan là Central Group cũng đã phải tuyên bố dừng tính năng bán hàng trực tuyến trên website. Robins tiền thân chính là trang Zalora.vn của tập đoàn Rocket Internet (Thụy Điển). Cách đây 3 năm, Zalora được bán lại cho Central Group và được đổi tên thành Robins. Tuy nhiên từ ngày đổi chủ, Robins không có sức bật nào rõ ràng trên thị trường nếu không muốn nói là để cho các shop bán hàng thời trang trên Facebook lấy đi nhiều "miếng bánh". Đây là vị đắng đầu tiên Central Group phải nếm trải sau khi thâu tóm một số doanh nghiệp tại Việt Nam gồm Big C, Nguyễn Kim và Zalora.
"Chiếc bánh" thị trường có thể lên tới 13 tỉ USD vào năm 2020 nhưng từ quá khứ đến thời điểm hiện tại nó vẫn là "vi đắng" thương trường đối với không ít "ông lớn.