Từ những năm 1980, bà Nguyễn Thị Yến đã về làm dâu làng Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội), làng nghề nổi tiếng với đặc sản dân dã truyền thống: Bánh chè lam.

Dù không qua trường lớp đào tạo, không được thừa hưởng bí quyết gia truyền của người dân Thạch Xá, nhưng bà Yến vẫn tự mình học hỏi và có được bí quyết tạo ra món chè lam mang thương hiệu của riêng mình. 

W-che-lam-thach-xa-ba-yen-3-1.jpg
Bà Nguyễn Thị Yến tự hào khoe bánh chè lam.

Bà Yến và một số gia đình trong làng có thu nhập chính là từ nghề làm chè lam. Gian bếp nhà bà quanh năm đỏ lửa nấu mật, nhồi bột làm bánh. Không biết đi xe máy, mỗi khi có khách đặt mua, bà Yến lóc cóc đạp xe đạp đi giao hàng.

Mỗi dịp Tết đến, nhà bà Yến lại đông vui nhộn nhịp. Một mình làm không xuể, bà phải thuê gần 10 người thợ để kịp trả hàng cho khách trước Tết. Cả chủ và thợ làm liên tục, luôn chân luôn tay từ sáng tới chiều. 

Vào những ngày cao điểm, bà Yến làm tới 3 tạ chè lam, tương đương 600 hộp bánh. Vụ Tết, có khách quen làng bên lấy tới 4 tạ chè lam để đi biếu đối tác. 

“Bánh chè lam gắn liền với tuổi thơ của tôi. Cắn miếng bánh dẻo thơm, mịn màng của bột gạo nếp lẫn mạch nha, thoảng vị cay ấm của gừng, giòn rụm của lạc vừng... nhấp thêm ngụm trà nữa sẽ tạo nên hương vị khó quên.

Cứ có dịp là tôi lại đặt bà Yến làm, để tặng và giới thiệu với đối tác đặc sản của quê hương mình. Bạn bè tôi ở khắp 3 miền đều yêu thích món quà vặt này, nhất là dịp tết Nguyên đán”, anh Trần Văn Đăng – khách hàng của bà Yến chia sẻ. 

Nhọc nhằn nghề làm chè lam truyền thống

Vào những lúc cao điểm, bà Yến phải thuê thêm nhiều thợ tới làm bánh. Mỗi người một công đoạn riêng. Người đun mật, ngào bánh; người chuyên chặt chè lam; người cân và cần đến 4 người đóng gói. Các công đoạn làm nguyên liệu như rang bỏng, nghiền bột, rang lạc vừng, xay gừng… bà Yến phải chuẩn bị sẵn từ trước.

"Nhà tôi lúc nào cũng trắng xóa bột gạo, chỉ cần có chút hơi ẩm, bột sẽ dính bám lên đầu tóc, quần áo”, bà Yến nói với VietNamNet

W-che-lam-thach-xa-ba-yen-17-3.jpg
Từ những hạt thóc nếp, qua đôi tay khéo léo của người thợ đã nở thành hoa bỏng trắng xốp thơm lừng

Thứ không thể thiếu và là linh hồn của bánh chè lam Thạch Xá chính là bột gạo. Bột dùng làm chè lam là loại đặc biệt, được nghiền từ những “hoa” bỏng nở ra từ hạt thóc nếp, chứ không phải nghiền từ gạo.

Những hạt thóc nếp cái hoa vàng mẩy chắc và được phơi đượm nắng, khi rang mới nở thành hoa bỏng được. Bột làm từ hoa bỏng giá thành đắt gấp đôi bột nghiền từ bỏng gạo rang nở.

Thế nhưng, người dân Thạch Xá chỉ dùng loại bột này làm chè lam, tạo nên thương hiệu riêng. Bánh chè lam Thạch Xá mềm mịn, càng để lâu càng dẻo là nhờ loại bột được làm kỳ công.

Làng Thạch Xá cũng có người chuyên sản xuất và bán bột, nhưng bà Yến không mua loại bột làm sẵn. Bà bộc bạch: “Năm nào tôi cũng thuê người rang bỏng từ trước, rồi mang đi nghiền để tháng Chạp có sẵn bột làm.

Mình thuê người làm tại nhà, tự rang lấy bỏng rồi mình mang đi nghiền bột thì yên tâm hơn. Nếu bỏng làm ẩu, lẫn vỏ trấu thì chất lượng bột không đảm bảo”.

Ngày nay, nhiều máy móc công cụ được người dân làng nghề cải tiến đưa vào sản xuất bánh chè lam. Do sức khỏe hạn chế theo thời gian, nên bà Yến cũng phải đầu tư chiếc máy nhồi bột.

“Làm nghề này đau lưng nhức gáy, vì lúc nào cũng phải cúi xuống để nhồi bột, vào khuôn, cắt bánh… Từ khi có chiếc máy nhồi bột này, tôi tiết kiệm được 2 giờ đồng hồ mỗi mẻ bánh, so với khi làm hoàn toàn bằng tay theo cách truyền thống”, bà nói.

Công cụ, máy móc dần được bà Yến đưa vào sản xuất chè lam. Thế nhưng có một thứ mà người phụ nữ sinh năm 1958 vẫn dùng. Đó chính là chiếc khuôn gỗ có tuổi thọ hơn 30 năm, được bà nhờ thợ mộc đóng giúp từ những ngày đầu làm nghề. 

W-che-lam-thach-xa-ba-yen-7-1.jpg
Chiếc khuôn gỗ có hình dáng như cái thước, mặt cắt ngang hình chữ U, độ dài ngắn tùy theo thói quen và sở thích của từng người thợ 
W-che-lam-thach-xa-ba-yen-10-1.jpg
Những dây chè lam sau khi lên khuôn

“Ngày nay, nhiều nhà sau khi dùng máy nhào thì đổ bánh ra khay to rộng, phẳng và dễ cắt bánh. Nhưng tôi không làm thế.

Sau khi nhào bột bằng máy, tôi vẫn nhồi bánh bằng tay rồi đưa vào khuôn gỗ này. Làm thủ công như vậy, bánh sẽ mềm dẻo, để lâu không bị cứng. Bánh như thế mới ngon”, bà Yến chia sẻ.

Quyết tâm bám nghề, giữ nghề cho con cháu

Không may chồng mất sớm, một mình bà Yến phải cáng đáng công việc nhà chồng và trở thành trụ cột của gia đình. Nhờ bám trụ vào nghề làm bánh chè lam truyền thống mà bà nuôi dạy được 3 người con trai trưởng thành.

“Thời sinh viên, mỗi khi được nhà trường cho nghỉ Tết, em thường về nhà giúp mẹ làm chè lam. Buổi sáng, chúng em sẽ nhào, giúp mẹ đưa bánh lên khuôn.

Buổi chiều, khi bánh nguội, mấy anh em cùng mẹ chặt chè lam thành từng miếng nhỏ và đóng gói theo yêu cầu của khách hàng. Tối, chúng em giúp mẹ đi giao chè lam cho khách”, anh Nguyễn Văn Hùng - con trai bà Yến nhớ lại.

W-che-lam-thach-xa-ba-yen-1-1.jpg
Bà Yến cùng mẹ chồng và các con, cháu

Hiện tại, 3 người con trai của bà Yến đều đã có gia đình riêng và công việc ổn định. Bà cũng không phải lo toan gánh nặng kinh tế gia đình, cũng có khoản tiền tiết kiệm để dưỡng già, nhưng bà vẫn quanh năm làm chè lam bán cho khách ruột.   

Nhiều lúc các con thương mẹ có tuổi, khuyên mẹ làm hàng ít thôi để có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng bà vẫn nói với các con: “Mẹ làm để giữ nghề truyền thống, sau này các con, các cháu, đứa nào muốn theo nghề thì mẹ sẽ truyền cho”.