Trong khuôn khổ Festival Về miền Quan họ - 2023, triển lãm Sinh vật cảnh, đá quý, đá cảnh diễn ra tại công viên Nguyễn Văn Cừ, TP. Bắc Ninh. Nơi đây trưng bày nhiều tác phẩm đá quý, đá phong thuỷ độc đáo.
Đặc biệt, tại không gian trưng bày đá quý, đá phong thuỷ của nghệ nhân Tô Chinh, khá nhiều tác phẩm điêu khắc trên đá quý, được du khách tham quan. Trong đó nổi bật nhất là tác phẩm Lão Nho được các nghệ nhân hàng đầu tạc từ đá quý, có hình khối lớn.
Nghệ nhân Tô Chinh cho biết, đã hơn 30 năm trong nghề, đây là lần đầu tiên gặp được khối đá ngọc quý, đa sắc, có phần vỏ như vỏ cây. Sau hai tháng nghiên cứu, cân nhắc nên tạc cây gì cho phù hợp, chị đi đến quyết định tạc cây nho. Chị nghĩ, nho thể hiện sự ấm no, hạnh phúc.
Lão Nho là tác phẩm cây nho được chế tác theo dáng cổ lão phát tinh hoa, dáng trực đầu rồng, được chế tác từ Ngọc Onyx liền khối nhiều màu - loại đá quý vùng Iran được các nghệ nhân chế tác liên tục trong 2 năm. Tác phẩm hoàn thành và được đưa về 28 Hàng Quạt, chị rất tâm đắc, trân trọng nên mua gấm vàng phủ cho "cụ".
Nhân dịp Festival Về miền quan họ lần này, nghệ nhân Tô Chinh - cũng là lãnh đạo Hội đá cảnh đá phong thuỷ Việt Nam và là thành viên trong ban tổ chức nên đưa tác phẩm giới thiệu để mọi người cùng chiêm ngưỡng.
Theo chị Tô Chinh: "Tôi làm trong nghề nhiều năm khi có một tác phẩm độc đáo như Lão Nho, tôi có trách nhiệm chia sẻ vẻ đẹp cũng như giá trị của tác phẩm để cho du khách thập phương chiêm ngưỡng, hiểu thêm về giá trị của dòng đá ngọc quý này".
Ông Nguyễn Đức Bưởi - người chơi cây cảnh lâu năm ở Bắc Ninh chia sẻ với VietNamNet rằng kể từ khi khai mạc triển lãm, đây là lần thứ 3 ông ra để ngắm nghía "cụ".
“Thoạt nhìn, điều đầu tiên tôi nghĩ tới đó là triết lý về văn hoá phương Đông thể hiện một cách sâu sắc, tinh tế trên tác phẩm. Đó là mong muốn, khát vọng nghìn đời của Việt Nam về một gia đình, một quốc gia luôn được Phúc - Lộc - Thọ - Trường tồn - Hưng thịnh", ông chia sẻ.
Ông Bưởi xin được bình về 3 chữ Phúc - Lộc - Thọ được thể hiện trên tác phẩm Lão Nho.
“Tác phẩm này có dáng trực, đầu rồng. Lão Nho có gốc to, sum suê, dù nắng gió, phong ba bão táp, dù cho nước chảy đá mòn cây vẫn trường tồn, đấy là thể hiện cho chữ Thọ.
Gốc cây già nua, có cả lũa (hốc - PV) rất tự nhiên, nhưng vẫn ra quả trĩu trịt, sum suê cành lá, quả mọng tươi - thể hiện chữ Phúc.
Sống trong môi trường đá cằn nhưng vẫn đâm chồi sinh sôi nảy nở, cùng với cây, nghệ nhân đã khéo tạc như thật những con sóc, con châu chấu, quả hồ lô, những cây nấm, thể hiện của tình yêu đôi lứa, sự sinh sôi - đó là Lộc", ông Bưởi chia sẻ.
Theo ông Bưởi, giá trị của tác phẩm hoàn toàn độc đáo cả về nghệ thuật và ý tưởng triết lý nhân sinh. "Tác phẩm có giá trị tinh thần rất cao, còn hoàn hảo tới đâu tôi xin không đưa ra bình luận bởi phụ thuộc vào cảm nhận và hiểu biết của mỗi người”, ông Bưởi chia sẻ.
Nhà sưu tầm Nguyễn Hoàng Chương cho biết, với góc nhìn của anh, điều đặc biệt nhất là ngay từ đầu đã tìm được khối đá và đưa ra bố cục cho tác phẩm phù hợp.
“Có ai biết được bên trong một khối đá lũa cho tới khi chúng ta bắt đầu công đoạn chế tác. Chính nghệ nhân đã phát hiện ra nên tạo nên tác phẩm Lão Nho đặc biệt này.
Tư tưởng trong tác phẩm là dù trong khó khăn khắc nghiệt nhưng vẫn mãnh liệt để lại những giá trị cho đời. Bố cục rất hài hòa, có tĩnh có động, cân bằng được âm, dương. Tác phẩm đạt đến mức độ hoàn hảo, nếu nói về cây ngọc quý thì đây là tác phẩm xuất sắc nhất từ trước tới nay”, ông Chương nói.
Và trước sự hoàn hảo của Lão Nho, một nhà sưu tầm đã cảm tác ra bài thơ:
Độc nhất Lão Nho ở trên đời
Tuyệt tác cho ai thấy tận nơi.
Cổ Kỳ Linh Mỹ không bút tả.
Phú quý với người đủ duyên chơi.
Đứng trước Lão Nho cạn hết lời
Một thiên tuyệt phẩm đỉnh mọi nơi.
Thần Tiên tạo tác, hay Trời để.
Quý vật chờ đây, quý nhân ơi