Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, với mục tiêu góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN “cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng tới con người, xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội nhằm đạt được tình đoàn kết và thống nhất lâu bền giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận và rộng mở, nơi cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao”.

W-laodong.png
Ảnh minh hoạ

Trên tinh thần đó, vừa mới đây đã diễn ra lễ ra mắt giai đoạn hai của Chiến dịch ASEAN/WE STRIVE về chấm dứt bóc lột tại nơi làm việc trên cơ sở giới.

Chiến dịch do Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ Quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC) phối hợp với Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW) và Ban Thư ký ASEAN chủ trì với sự hỗ trợ của Bộ Phát triển Xã hội và An ninh con người Thái Lan, UNWOMEN, ILO, Quỹ Châu Á và DELL Technologies.

Phát biểu tại Lễ ra măt, Bà Sarah Knibbs, Giám đốc Văn phòng Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của UN Women cho biết: “Khi chúng ta nói về nơi làm việc an toàn, không chỉ nơi làm việc trên thực tế mà cả không gian kỹ thuật số cũng không được có hành vi quấy rối và bạo lực. Đại dịch COVID-19 đã định hình lại các phương thức làm việc với sự gia tăng đáng kể hình thức làm việc từ xa. Trong bối cảnh này, việc đảm bảo an toàn cho phụ nữ trên không gian trực tuyến cũng quan trọng không kém, điều này cũng phù hợp với chủ đề của Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay nhằm kêu gọi một thế giới kỹ thuật số an toàn hơn, toàn diện hơn và công bằng hơn cho tất cả mọi người. UN Women tự hào được hợp tác với ASEAN để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, bao gồm cả phụ nữ di cư và thúc đẩy quan hệ đối tác với khu vực tư nhân để thúc đẩy nơi làm việc an toàn và hòa nhập”.

Trình bày về Chiến dịch, Tiến sĩ Ratchada Jayagupta, Đại diện ACWC Thái Lan về Quyền Phụ nữ đã nhấn mạnh những nguy cơ bạo lực và quấy rối đối với phụ nữ trong thế giới việc làm và tóm tắt những nội dung chính của giai đoạn đầu tiên của Chiến dịch được phát động năm 2018, bao gồm các hội thảo, xây dựng chiến lược truyền thông thay đổi hành vi, tiếp cận truyền thông xã hội thông qua các bài hát nhạc dance điện tử với chủ đề Chấm dứt bóc lột nơi làm việc trên cơ sở giới. Tiếp nối thành công của giai đoạn đầu của Chiến dịch và dựa trên các khuyến nghị của Đánh giá giữa kỳ RPA ASEAN về EVAW, giai đoạn thứ hai của Chiến dịch tập trung vào vai trò và trách nhiệm của người sử dụng lao động trong khu vực tư nhân và doanh nghiệp trong việc tạo ra một nơi làm việc an toàn cho phụ nữ và lao động nữ di cư.

Tiến sĩ Jayagupta cho biết “Ngoài việc triển khai khảo sát và phát triển cơ sở dữ liệu của các công ty thuộc khu vực tư nhân, chúng tôi sẽ ra mắt một cổng thông tin cam kết mang tên ASEAN/WE STRIVE nhằm cung cấp các nguồn lực bao gồm các thông tin về Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ liên quan đến phòng chống quấy rối tình dục, các công cụ tự đánh giá, v.v. , và ghi nhận các hoạt động của các đối tác để tạo ra nơi làm việc an toàn cho phụ nữ, bao gồm cả phụ nữ di cư”.

Nguyễn Thanh Hà, Trần Thị Thục Anh

Thanh Hà và nhóm PV, BTV