- Huỳnh Thị Huyền Như mới hơn 30 tuổi mà lừa đảo được những 4.000 tỷ đồng của hàng loạt tổ chức tín dụng, cá nhân và doanh nghiệp được xếp hạng siêu lừa bậc nhất lịch sử ngân hàng. Câu chuyện Huyền Như thực sự thành nỗi ám ảnh và là bài học đắt giá cho giới ngân hàng.
Tiện ích gia tăng: Miếng mồi ngon
Trong quá trình tranh luận tại tòa, một trong những lý do để cả Viện Kiểm sát lẫn luật sư của Vietinbank đưa ra để bác bỏ trách nhiệm là các giao dịch được thực hiện ngoài trụ sở Vietinbank nên được coi như là giao dịch với cá nhân bà Huyền Như.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mấy năm gần đây, các ngân hàng đang cải thiện rất mạnh chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng với hàng loạt tiện ích được đưa ra: thu tiền tận nơi, giao dịch qua fax...
Trong đó, rất nhiều lần, các cán bộ ngân hàng vác máy đếm tiền, hồ sơ sổ sách đi thu tiền cho khách hàng. Đây là các hoạt động đều diễn ra ngoài trụ sở của ngân hàng và liệu một ngày kia, toàn bộ số tiền gửi của khách hàng nếu giả bị nhân viên ngân hàng sử dụng các biện pháp tương tự như trong vụ án này để chiếm đoạt, ngân hàng phủi trách nhiệm thì người dân sẽ mất toàn bộ tiền.
Với tinh thần phục vụ tận nơi, các chuyên viên quan hệ khách hàng cũng thường xuyên đến trụ sở các doanh nghiệp để làm các thủ tục mở tài khoản cho khách hàng (Thủ tục mở tài khoản bao gồm đăng ký chữ ký, đăng ký mẫu dấu....). Sau khi ra về, chuyên viên quan hệ khách hàng mang "cái gì" về cho ngân hàng hay như Viện Kiểm sát lại đổ lỗi cho khách hàng là "tự mở cửa, bất cẩn" để tự rước họa vào thân.
Liệu các công dân gửi tiền có trách nhiệm và nghĩa vụ phải xác minh con dấu, chữ ký trên thẻ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi hay không?
Qua vụ việc như thế này, câu hỏi rất lớn sẽ tiếp tục đặt ra: Liệu hàng tiện ích gia tăng, tiện ích mềm nhằm đem đến sự thoải mái của khách hàng, đặc biệt là các KH VIP của các ngân hàng sẽ có trở thành miếng mồi ngon cho các hành vi lừa đảo?. Người gửi thì tiền vẫn mất vì Tòa có tuyên trả lại tiền thì chắc chắn kẻ lừa đảo không còn tiền để trả, ngân hàng thì không còn trách nhiệm.
Một tiện ích gia tăng nữa là tiền gửi ngân hàng để cho an toàn. Nhưng giờ đây, Ngân hàng tuyên bố khách hàng phải tự bảo vệ tài khoản thanh toán. Cái việc "tự khách hàng" này thì khách hàng phải làm gì?. Khách hàng có thể tự bảo vệ mật khẩu của mình là trách nhiệm của khách hàng. Nhưng giờ khách hàng phải tự bảo mật cả chữ ký của mình?. Tự kiểm soát cán bộ ngân hàng nào truy cập vào tài khoản mình, giả chữ ký mình để chuyển tiền đi....? Có lẽ, cái đấy ngoài tầm với của khách hàng.
Đừng phạm pháp
Tất cả các tổ chức tín dụng sập bẫy Huỳnh Thị Huyền Như đều xuất phát là do các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh.
Thời kỳ Huyền Như phạm tội là giai đoạn nóng bỏng về nguồn vốn trên thị trường, áp lực huy động - cho vay đều lớn. Giai đoạn này, để tránh tình trạng leo thang, Ngân hàng Nhà nước quy định rất chặt về trần lãi suất huy động. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng đều ngấm ngầm có các hành vi vi phạm pháp luật: nhận thêm, nhận ngoài lãi suất, vượt trần theo quy định.
Trước đó, trong các kết quả thanh tra giám sát, chưa thấy báo cáo nào về tình trạng vi phạm pháp luật này mà chỉ có vài vụ lẻ tẻ. Trong khi đó, khi Cơ quan Điều tra tiến hành truy xét thì lại ra một danh sách hơn 30 ngân hàng có các hành vi vi phạm và phải tách sang một vụ án khác.
Ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các tổ chức tín dụng lại đều là các đơn vị lớn, có cơ cấu tổ chức rõ ràng và hoạt động cần tuân thủ theo pháp luật nên không thể có chuyện dấm dúi làm ăn để rồi bị lừa hết cả tiền.
Trưởng một phòng giao dịch mang danh nghĩa ngân hàng đi huy động vượt trần lãi suất thì liệu có phải là do tự PGD nghĩ ra hay là tư duy chung, chỉ đạo chung của cả hệ thống? Trong vụ này, có sự tham gia của cả một cấp là giám đốc chi nhánh thì khó lòng nào mà nói là chỉ một cán bộ tự ý thỏa thuận ngoài.
Ở đây, vấn đề trách nhiệm hình sự thì cơ quan điều tra đang xử lý. Tuy nhiên, khâu hình sự chỉ là đối với các cá nhân, còn bản thân các pháp nhân phải bị trừng phạt vì các hành vi làm ăn vi phạm pháp luật của mình.
Nhìn ra quốc tế, các định chế tài chính lừng danh như JP Morgan, HSBC... cũng đã từng phải chịu những án phạt kỷ lục vì các hành vi vi phạm pháp luật của mình. Có lẽ vậy, Cơ quan Thanh tra - Giám sát ngân hàng cũng cần phải xử phạt nghiêm khắc đối với tất cả những tổ chức liên quan, cả đi gửi, lẫn nhận tiền gửi để răn đe các hành vi vi phạm pháp luật.
Nguyễn Thanh Ngọc