Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu chùm bài 5kỳ Chìm nổi những phận sông của tác giả Trương Chí Hùng.

Kỳ 1: Xóm câu xao xác

Kỳ 2: Ký ức cuồn cuộn sóng

Kỳ 3: “Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà” 

Kỳ 4: Sông hiền hóa dữ 

Kỳ 5:  Những dòng sông hấp hối

Một phần vì sông nước bây giờ cạn kiệt cá tôm, phần vì giới trẻ có những lối đi riêng, ít ai thích theo nghề hạ bạc. Con út của ông Ba lâu lâu còn đi thả lưới một buổi, chớ mấy đứa cháu thì chẳng đứa nào chịu. Tụi nó đi Bình Dương, Sài Gòn làm mướn cho các công ty hết rồi. Ông cười buồn bảo, có nhiều đứa khi về thăm quê không dám xuống bến vì sợ nước. Tụi nó đâu giống như ông gần trọn cuộc đời gắn bó với dòng sông. 

Bài 2. 1.JPG
Mưu sinh bằng nghề câu lưới bây giờ rất khó khăn. Ảnh: Trương Chí Hùng

Tôi ngồi nghe ông Ba kể, lòng đầy những ngậm ngùi. Dẫu quá hiểu chuyện “thương hải biến vi tang điền”, sao dời vật đổi là lẽ thường tình, nhưng không phải lúc nào ta cũng dễ dàng chấp nhận sự đổi thay. Như con rạch Trà Bông phía sau nhà tôi, cách đây chừng hai mươi năm cá nhiều vô số kể. Nước lớn, má tôi đem cần câu một chút là nguyên nhà ăn cả ngày không hết. Nước ròng, anh em chúng tôi xách thùng đi móc cá chạch, bắt chình, mò cá rô cá lóc. Thời đó, dân cả xóm không ai lo chuyện cá mắm ăn hàng ngày, vì cá đầy sông đầy đồng, đi bắt một lát xách về muốn không nổi. Nhưng đó là chuyện hai ba chục năm trước, chớ giờ dưới rạch Trà Bông quê tôi hầu như chẳng còn tôm cá gì cả, có chăng là vài con cá lau kiếng xấu xí thỉnh thoảng đớp mồi một cách đầy trêu ngươi. Nhà tôi cũng mấy đời làm nghề hạ bạc, nhưng tới anh em tôi thì không theo nữa. Anh chị tôi đi làm thuê làm mướn mưu sinh, còn tôi lang thang phiêu bạt để tìm kiếm những giấc mơ không rõ hình hài hư thực. 

Bữa đó, lúc chạng vạng cũng có vài ghe lưới chuẩn bị ra sông đánh bắt. Ông Ba nói đó là mấy đứa ở xóm dưới, tụi nó buồn buồn đi thả lưới “văn nghệ” chơi thôi. Dù vậy, ông Ba cũng xuống mé sông xem họ chuẩn bị câu lưới, đèn đuốc thế nào. Ông còn dặn dò họ điều gì đó mà tôi không nghe rõ. Tôi đoán chắc cũng là mấy lời quen thuộc mà người ta luôn nhắc nhau trước mỗi chuyến ra sông. Mấy anh chàng kia cũng dạ dạ cho qua rồi nổ máy chạy đi, chẳng mấy chốc từng chiếc ghe đã khuất dạng. 

Buổi tối, cơm nước xong ông pha một bình trà “quạu” ngồi uống với tôi. Lát sau, có mấy ông già trong xóm cũng kéo tới hàn huyên. Dĩ nhiên, câu chuyện của họ toàn xoay quanh nghề đánh bắt cá trên sông nước. Ông Út Giăng chỉ tay xuống xóm dưới nói chỗ vàm Ông Bầu hồi xưa vào mùa nước giựt người ta đặt đáy một ngày mấy tấn cá. Ghe đục lúc nào cũng đậu sẵn ở đó vài chiếc, cứ đầy ghe cá là chạy lên Sài Gòn bán, rồi quay xuống chở tiếp, liên tục cả tháng trời như vậy. 

Ông Sáu Na nhắc chuyện đặt chà gào hai bên mé sông Tiền, ngày nào đi đổ cũng khẳm ghe tôm cá. Cá nhiều lắm nên ông bện đăng chà gào rất thưa, chỉ để bắt cá lớn. Có lần “chồng chổng” (xác người chết trôi) lọt vào đăng chà gào của ông Sáu, ông la làng lên gọi mọi người tới vớt. Hồi đó “chồng chổng” nhiều lắm, nhất là thời còn chiến tranh. “Nó” tấp đâu không nói, nhưng lọt vô chà gào thì xui lắm, bởi vậy từ đó ông chuyển qua giăng câu chớ không dám đặt chà gào nữa, ông Sáu kể. À, còn chuyện chất chà nữa, hai bên bờ sông này mà chất chà thì mỗi lần dỡ được vài ghe cá là chuyện thường, ông Tám Rô nói. Chỉ cần sáng sớm bao lưới quanh đống chà, cá ngựa nước ngọt con vài ký nhảy rào rào lên ghe, bắt không xuể đâu. Mỗi đống chà dỡ cả ngày mới xong, mà bắt cá rồi chủ cuốn lưới đi, đến lượt bà con trong xóm lặn “bắt hôi” cũng dư ăn dư để. 

chuyen ke dong song
Nhiều lão ngư lâu lâu ra sông cho đỡ “nhớ nghề”, chớ cá mắm chẳng được bao nhiêu. Ảnh: Trương Chí Hùng

Mấy ông còn nhớ con cá vồ cờ hồi năm Thìn không, ông Hai Nhơn hỏi. Nhớ sao không, chắc cũng cỡ hai trăm ký lô à nghen. Phải hơn chớ, cái cờ của nó dựng lên gần nửa sải tay mà. Phải rồi, nó đâm lủng lưới tôi một lỗ chà bá, phải vá ba ngày mới xong đó. À, còn “ông” nược (cá heo nước ngọt) mấy chục năm nay không thấy nữa hả mấy ông. Hồi nhỏ tôi có thấy vài lần, “ổng” đi chung đàn chớ ít đi lẻ. Dân mình đâu có ai dám bắt “ổng”, không biết sao bây giờ mất tiêu đó chớ. Mèn ơi, tới cá hô, cá bông lau, cá leo còn muốn “tuyệt chủng” rồi, nói chi tới “ông” nược. Tui nói thiệt, hông chừng vài năm nữa thôi, con cháu mình không có cá tự nhiên mà ăn, chỉ toàn ăn cá nuôi thôi cho mấy ông coi. Thử hỏi, dòng sông Cái rộng mênh mông, sâu cả trăm thước như vầy mà còn hết cá, thì kênh rạch, mương đìa làm gì có nữa. Cái xóm câu này rồi cũng bị xóa sổ thôi, mấy ông tin tui đi. 

Tôi không biết ai là người nói những câu ấy, vì mải mê thả suy tưởng theo dòng Cửu Long trù phú sản vật thuở xa xưa. Tôi từng đọc được một nghiên cứu thống kê có đến 361 loài cá sinh sống ở hạ lưu sông Mekong thuộc lãnh thổ Việt Nam. Có những loài cá nặng đến hai, ba trăm ký, như cá tra dầu, cá vồ cờ, cá hô, cá đuối nước ngọt, cá nược. Thời xưa công cụ thô sơ mà ngư dân bắt được cá lớn hà rằm, còn bây giờ… Buồn thay khi dòng sông mẹ cạn kiệt, và những lão ngư hôm nay vừa hăm hở sống với ký ức bi tráng đã lập tức chạnh lòng khi nhìn vào thực tại. Dưới ánh đèn lờ mờ, từng gương mặt khắc khổ tạc vào bóng đêm. Chẳng ai nói thêm điều gì nữa cả, chỉ nghe tiếng bật quẹt châm thuốc hút, tiếng côn trùng nỉ non ai oán phía xa xa. Ánh mắt ai cũng hướng ra sông, như muốn gởi tất cả nỗi niềm vào con nước.

Không biết chiếc máy “cát-sét” của nhà ai gần đó bỗng vọng lên mấy câu hát: “Còn đâu đây tiếng gió ngựa phi/ Mà ngỡ con tàu vỗ sóng bờ xa/ Nỉ non sao tiếng nhạn kêu chiều/ Buồm xuôi vô phương Nam phiêu bạt theo thủy triều/ Dẫu trải qua thăng trầm giông tố/ Qua bao cuộc bể dâu/ Mãi dâng cho đời, bài tình ca đất phương Nam”. Tiếng ca vừa hào hùng vừa khắc khoải. Tôi không biết lời hát ấy có gợi nhắc trong tiềm thức những người đàn ông nơi đây về một thời mang gươm đi mở cõi của tiền nhân? Họ có nhớ lại thuở “Đến đây xứ sở lạ lùng/ Con chim chim cũng sợ, con cá vùng cũng kinh”; hay “Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Xuống sông sợ đỉa lên rừng sợ ma”? Từng lão ngư lần lượt ra về, tôi cũng mệt nên đi nằm nghỉ, chỉ còn một mình ông Ba ngồi với ấm trà đã nguội. Tôi không biết ông đang nghĩ ngợi điều gì, chỉ lâu lâu nghe tiếng thở dài não nuột rớt xuống triền sông.   

Đêm đó, tôi ngủ lại ở nhà ông Ba Bùi. Gió mát rượi, không có muỗi nên tôi cứ nằm lên bộ ván gần mé sông là có thể ngủ ngon lành. Trời không trăng nhưng chi chít sao lấp lánh. Tôi ngắm sao trời và nghe tiếng sóng nhè nhẹ vỗ vào bờ, chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết. Trong cơn mơ, tôi thấy mình đang bơi chầm chầm qua sông, bỗng có con cá vồ cờ hàng trăm ký lao thẳng tới. Tôi lách người và nhanh tay nắm cái cờ trên lưng nó rồi lướt ào ào qua xuồng ghe, câu lưới, chà gào, đáy, vó. Con cá dữ ấy thình lình lặn sâu xuống nước khiến tôi ngộp thở, tay tê cóng, toàn thân lạnh buốt, tôi kêu gào ú ớ trong nước chẳng ai nghe. Mệt quá tôi buông cả hai tay, con cá khổng lồ mất hút còn tôi chìm dần xuống. 

Giật mình tỉnh giấc, tôi thấy người đầm đìa mồ hôi. Bầu trời thì đang đen kịt, từng tia chớp xé toạc màn đêm. Tiếng sấm lúc rền rền lúc chát chúa thật đáng sợ. Ông Ba Bùi đã thức dậy tự bao giờ, đang rọi đèn buộc lại xuồng ghe cho chắc. Xong đâu đó, ông lên kêu tôi kiếm góc nào đó khuất khuất ngồi đi, vì sắp mưa to, nhà bị dột nhiều chỗ lắm. Ông Ba chưa dứt lời thì gió giật mạnh rồi mưa như trút nước. Ông và tôi mỗi người ngồi co ro một góc, chứng kiến cơn thịnh nộ của đất trời. Mặt sông lúc này sóng cuộn lên dữ dội, vỗ vào bờ ầm ầm. Mấy giề lục bình bị sóng đánh văng lên bộ ván lúc nãy tôi nằm ngủ. Hàng bần ven sông ngã rạp sát mặt nước sau mỗi đợt gió giật. Tôi có cảm giác mình đang trong cơn bão dữ giữa biển khơi chớ không phải bên bờ sông Tiền thơ mộng. 

chuyen ke dong song
Xóm câu Tịnh Thới dưới chân cầu Cao Lãnh có thể sẽ bị xóa xổ sau vài năm nữa. Ảnh: Trương Chí Hùng

Gần sáng mưa mới ngớt hột, tôi giúp ông Ba dọn dẹp căn nhà đã ướt gần hết. Lát sau, có vài ghe đánh cá về tới bến. Trên ghe, vẻ mặt ai cũng đăm chiêu, quần áo thì ướt như chuột lột. Ông Ba lật đật xuống tiếp họ dọn câu lưới, xúc cá trong khoang. Trở lên bờ, tôi chưa kịp hỏi thì ông bảo, họ vật lộn với mưa gió cả đêm mà cũng chỉ được hơn một ký cá nhỏ, kiểu này chắc sớm muộn gì cũng bán xuồng ghe câu lưới hết. Mà bán biết có ai mua không? Câu hỏi bất giác của ông Ba khiến bầu trời buổi sáng bỗng âm u, mù mịt. 

Từ biệt ông Ba Bùi và những người dân ở xóm câu Tịnh Thới, tôi chạy qua cầu Cao Lãnh để ngược lên miệt Vàm Nao. Trên cầu nhìn xuống, dòng sông Tiền uốn lượn như dải lụa khổng lồ xanh biếc. Xa xa, xóm câu nhỏ xíu ẩn khuất dưới rặng bần, chập chờn rồi mất hút trong tầm mắt. Tôi thầm nghĩ, chắc cũng như dự cảm của bà con nơi đây, chẳng bao lâu nữa xóm câu này sẽ biến mất, khép lại sứ mệnh kiêu hãnh trăm năm bên bờ sông Tiền lộng gió. 

Mời độc giả đón đọc Kỳ 3: “Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà” đăng ngày 1/6/2024.

 Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html  

boxtaitro dongsong.jpg