Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu chùm bài 5 kỳ Chìm nổi những phận sông của tác giả Trương Chí Hùng.

Kỳ 1: Xóm câu xao xác  

Kỳ 2: Ký ức cuồn cuộn sóng

Kỳ 3: “Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà” 

Kỳ 4: Sông hiền hóa dữ 

Kỳ 5:  Những dòng sông hấp hối

Khi đến địa phận Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp, sông Tiền bỗng nhiên tách một dòng nhỏ phía tả ngạn, đoạn gần xóm Mương Chùa, rồi chảy len lỏi vào giữa trung tâm thành phố trước khi hòa lại dòng chính chỗ vàm Ông Bầu. Cơ hồ như dòng Tiền giang quá mến yêu cái thành phố nhỏ này, nên sẵn sàng sẻ chia một ít nước ngọt lành để tắm táp cho Cao Lãnh quanh năm mát rượi những bóng cây xanh. Thật hiếm thành phố nào mà đi dọc mỗi con đường đều có tán cổ thụ che nắng cho lữ khách, trên những vòm xanh chim chóc thỏa sức hát ca. Gió sông Tiền lồng lộng thổi bất kể thu đông xuân hạ, phù sa sông Tiền âm thầm dưỡng nuôi những mầm non trên từng con đường, góc phố.

dong song
Xóm câu hiu hắt bên sông Tiền. Ảnh Trương Chí Hùng

Dân miệt này gọi nhánh nhỏ của sông Tiền ấy là sông Con, còn dòng chính là sông Cái. Cách gọi tên sông như thế phát xuất từ văn hóa thờ mẫu xa xưa, thực thể nào lớn lao, quan trọng thường được đặt tên là “cái”, như đường cái, sông cái, cột cái, ngón tay cái. Nhưng từ “cái” trong phương ngữ Nam Bộ còn có nghĩa nguyên thủy thể hiện sự gần gũi thân thuộc, đáng tôn kính như bậc mẫu thân, “con dại cái mang”. Cách gọi tên sông Cái, sông Con của người Cao Lãnh cho thấy trong tâm thức của họ, sông không phải thực thể vô tri. Sông cũng có linh hồn, thể phách, cũng mang thân phận như những con người ở cái xóm câu xao xác dưới bóng bần. 

Đi từ cửa sông Ông Bầu ngược lên khoảng ba cây số, ta sẽ thấy xóm câu này, gọi là xóm câu Tịnh Thới. Con đường mòn ven sông đến xóm câu nhiều đoạn bị lở, “trôi” tuột xuống, muốn qua phải đi tắt vào vườn xoài, vườn mít của bà con. Tôi có cảm giác mình như nhà thám hiểm nghiệp dư, đi tìm kho báu đang còn ẩn khuất nơi nào đó bên triền sông, dù chẳng biết hình hài như thế nào. Có những đoạn, tôi dừng lại để hít thở không khí trong lành miệt vườn châu thổ, cho từng cơn gió mát rượi thổi tung mái tóc và ngắm sông Tiền miên man soi bóng trời xanh mây trắng. 

Tôi nhớ những lần vượt sông Tiền ở thượng nguồn, chỗ Vĩnh Xương của Tân Châu (An Giang) và bên kia là Hồng Ngự (Đồng Tháp). Đó cũng là nơi dòng Mekong chính thức đổ vào đất Việt. Sông rộng hơn ba cây số, nước chảy cuồn cuộn, sóng vỗ ào ào hai bên ghe. Đến giữa sông, tôi không nhìn thấy đâu là bến bờ, chỉ một biển nước mênh mông bất tận. Chiếc ghe nhỏ chao đảo giữa những xoáy nước cuồn cuộn như có hàng vạn thủy quái đang quẫy đạp dưới đáy sông. Vài người trên ghe mắt nhắm nghiền, tay nắm chặt áo phao, miệng lẩm nhẩm niệm phật. Chỉ anh chàng lái ghe là thản nhiên che gió đốt thuốc hút, rồi cho máy nổ thật lớn, lách mũi ghe chồm qua từng đợt sóng dữ cập bến an toàn. Những lần vượt sông Tiền như thế tôi thường có cảm tưởng khúc sông này chẳng khác nào một gã thanh niên đang hăm hở bước vào đời. Cá tính và ngỗ nghịch. Có chút ngông cuồng vụng dại. Dữ dội. Ngang tàng. 

Thế nhưng, càng xuôi vào lãnh thổ nước ta, dòng Tiền giang dần dần được chế ngự. Cái bạo liệt của con sóng nơi đầu nguồn nhường chỗ cho chất thơ mộng miên man. Điển hình như đoạn chảy qua trung tâm thị xã Tân Châu, dù sông rộng mút tầm mắt, nhưng dòng nước trôi lững lờ tình tự. Vào những buổi sáng sớm, mặt sông đôi khi yên ả như mặt hồ. Nó gợi cho tôi cái thi tứ âm trầm của Hương giang xứ Huế, hay cái quyến luyến nồng nàn của dòng sông Ba dưới chân núi Nhạn. 

Bài 1. 2.jpg
Những người làm nghề đánh bắt cá ở xóm câu ngày càng ít. Ảnh: Trương Chí Hùng

Khi qua thành phố Cao Lãnh, sông Tiền cũng có những khoảnh khắc mang dáng dấp thi ca. Tôi đã có lần cùng ngồi trên một chiếc bè ở sông Tiền gần cồn Tân Thuận Đông với vài văn nghệ sĩ. Chiều muộn, sông lăn tăn gợn sóng. Đặc biệt hôm ấy, khi phía thượng nguồn mặt trời dần khuất bóng thì hạ nguồn trăng non bắt đầu nhô lên. Có chàng nghệ sĩ cất giọng Đường thi, ca rằng: “Đầu sông mặt trời lặn/ Cuối sông vầng trăng lên/ Rượu rót tràn cơn sóng/ Kiếp giang hồ mông mênh”. Sông vẫn thản nhiên mặc kệ bao la nhật nguyệt, mặc kệ những con người say gió, say trăng, say thơ và ngất ngây say vẻ đẹp của dòng sông.

Nếu không gặp ông Ba Bùi ở xóm câu Tịnh Thới, có lẽ tôi cũng ngộ nhận về cá tính của sông Tiền nơi đây. Nghĩa là tôi chỉ thấy cái đẹp mượt mà của sắc xanh bờ bãi, của dòng nước màu ngọc bích đêm ngày vỗ về lời thơ ý nhạc. 

Bữa đó, ông Ba Bùi dẫn tôi xuống bến sông nhà ông, chỉ tay dọc mé nước thấy có hơn mười chiếc ghe nhỏ đang đậu. Đây là tất cả ghe xuồng của xóm câu này, đồng nghĩa chỉ còn khoảng mười hộ làm nghề hạ bạc. Trên ghe, có những tay lưới đã khô từ lâu, chứng tỏ lâu rồi chủ nhân của nó không đi đánh bắt. 

Hết cá rồi!Câu nói của ông Ba bật ra một cách khó nhọc hòa lẫn vào gió sông Tiền. Tôi không muốn hỏi gì thêm, chỉ ngồi lặng với ông ở bến sông, nhìn từng cánh lục bình trôi xuôi ngược. Ánh mắt ông đăm đắm theo dòng nước. Vài sợi tóc bạc phơ lưa thưa bay theo gió. Gương mặt ông gợn lên những nếp nhăn như sóng. Tiếng thở ông buồn như tiếng sông đêm.

Ông Ba Bùi đã bảy mươi bảy tuổi, làm nghề hạ bạc ở xóm câu này gần sáu chục năm trời. Đời ông nội của ông đã bám sông, đến đời cha ông và đời ông vẫn vậy. Không chỉ gắn bó với sông Tiền ở Cao Lãnh, thời thanh niên ông Ba cùng với vài người trong xóm còn chèo ghe tới miệt Cầu Kè, Mỹ Tho, Kế Sách, Cổ Chiên, Vàm Nao để đánh bắt cá. Mỗi chuyến đi như thế kéo dài hàng tháng trời, qua hết con sông này tới con sông khác. Với ông, những nhánh sông Hậu sông Tiền ông thuộc như lòng bàn tay. 

Tùy theo mùa, ông biết cách chọn lưới để bắt cá bông lau, cá hô hay cá cóc, cá sủ, cá vồ cờ. Mỗi loại cá có kiểu lưới riêng, mắt lưới từ vài phân đến cả tấc. Chuyện dính được cá lớn diễn ra hà rằm, cứ một hai hôm là có. Ông Ba từng giăng được con cá hô nặng 135 ký lô ở sông Tiền, sau đó thêm mấy con cỡ bảy, tám chục ký ông không nhớ hết. Ngày xưa cá nhiều lắm, bến sông này lúc nào cá cũng ngớp như cơm sôi. 

Xóm câu Tịnh Thới trước đây tới mấy trăm hộ theo nghề. Cứ mỗi chiều là nhà nào cũng lục đục chuẩn bị câu lưới, xuồng ghe. Sáng sớm bà con cũng chở cá tôm nườm nượp ra chợ bán. Nhưng bây giờ thì cạn kiệt hết rồi, nhiều khi giăng lưới cả đêm không đủ ăn nói chi bán lấy tiền đong gạo. Cuộc sống người dân làm nghề hạ bạc ngày càng bế tắc, nên nhiều người phải bỏ câu lưới để lên bờ phiêu bạt mưu sinh. 

Giọng ông Ba Bùi chùng xuống, nét hồ hởi khi nhớ về thời thanh niên cường tráng mỗi đêm giăng lưới cá khẳm ghe bỗng chốc trở lại với vẻ u hoài, nuối tiếc. Có lẽ ông và những người làm nghề hạ bạc trên khắp miệt Cửu Long này không ai ngờ rằng có một ngày dòng sông cũng cạn kiệt, con cá con tôm bằn bặt tăm hơi. 

Ánh dương buông dần nơi rặng bần đầu bãi. Mặt sông lấp loáng tiễn biệt chút ánh sáng cuối ngày trước khi chìm vào màn đêm tịch mịch. Ông Ba lọ mọ bắc nồi cơm, nướng mấy con khô. Tôi nhìn căn nhà ông trống hoác, gió lùa từ sau ra trước ào ào nên ông nhóm lửa hơi lâu. Góc nhà có một chiếc giường cũ đến mức sắp mục, chiếc chiếu quấn mền gối cũng rách tả tơi. Cái lư hương đặt trên bàn thờ kê sát vách, cắm xiêu vẹo vài cọng chân nhang. Có lẽ tài sản đáng giá nhất của ông không nằm trong căn nhà này, mà chính là chiếc ghe câu đang đậu dưới bến. 

Bài 1. 3.jpg
Bến sông nhà ông Ba Bùi giờ vắng ngắt. Ảnh: Trương Chí Hùng

Tôi ái ngại hỏi chuyện vợ con, ông Ba trầm ngâm một lúc rồi đốt điếu thuốc rít một hơi dài. Tiếng ông nghèn nghẹn cất lên trong làn khói mỏng, bả mất rồi, mới mất ba tháng nay. Sáu đứa con cũng tứ tán mỗi đứa một phương, chớ bám sông làm sao sống nổi. Thôi kệ đi, thân già này lây lất sống qua ngày cũng được, khỏi phiền hà con cháu. Mỗi năm tụi nó về thăm nhà, nhang khói gia tiên vài lần cũng đủ lắm rồi. Chỉ tội cho bả, khổ cả đời cho đến lúc ra đi. 

Ông Ba kể, hồi năm hai mươi hai tuổi, ông chèo xuồng giăng lưới phía dưới bãi bần ngày nào cũng gặp một người con gái mặc áo bà ba, đầu đội khăn rằn ra kéo đáy ở vàm sông. Sau mấy lần hỏi chuyện vu vơ, bữa nọ ông giả bộ cho xuồng đảo tới đảo lui, rồi cất tiếng hò theo kiểu hò Đồng Tháp, rằng:

Ơ… hòa…hớ…hơ… ơ…ơ…

Chớ gà nào hay bằng gà Cao Lãnh

Gái nào bảnh chớ bằng gái Nha Mân

Thấy cô em nhỏ nhỏ, đầu đội khăn rằn

Nói câu nhân nghĩa…

Hơ… hò…hớ…ơ...ơ…

Nói câu nhơn nghĩa, mà dịu dàng mến thương… hò…hơ…ớ….ơ…”

Ai ngờ, cổ hò đáp lại liền, rằng: 

“Ơ… hòa…hớ…hơ… ơ…ơ…

Ngó lên trời trời trong mây trắng

Dòm xuống nước nước trắng lại trong

Nhỏ nhỏ như ai chớ nhỏ nhỏ như em chắc dạ bền lòng

Lỡ duyên thời em chịu lỡ…

Hơ… hò…hớ…ơ...ơ…

Lỡ duyên thời em chịu lỡ

Chớ quyết đóng cửa loan phòng em chờ anh… hò…hơ…ớ….ơ…

Hò đối đáp như vậy vài lần thì phải lòng nhau, rồi họ nên duyên nên nợ, nương nhờ con nước Cửu Long mưu sinh mấy chục năm trời. Trước lúc mất, bà Ba nằm viện cả tháng. Có lẽ tiên đoán chẳng qua khỏi được, nên bà nằng nặc đòi về nhà. Vừa đến nơi, bà liền kêu ông Ba và mấy đứa cháu dìu xuống bến sông, ngồi nhìn dòng nước nhẹ nhàng trôi. Giá mà khỏe hơn, chắc bà sẽ cùng ông Ba chèo ghe ra sông quăng mẻ lưới, để sống lại những tháng năm ngụp lặn cùng sóng nước, hạnh phúc đong đầy như mùa cá bội thu. Kể đến đây, giọng ông Ba bỗng nghẹn lại. Dường như cả cuộc đời dài đằng đẵng của ông vừa như thước phim chầm chậm lướt qua. Ông lại nhìn ra phía xa xăm, nơi con sông Tiền trôi chầm chậm vào đêm. Khóe mắt ông ngân ngấn nước. 

Mời độc giả đón đọc Kỳ 2: Ký ức cuồn cuộn sóng đăng ngày 31/5/2024.

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

boxtaitro dongsong 324.jpg