Xét đề nghị của UBND TP.HCM về việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có ý kiến như sau:
Đồng ý với đề nghị của UBND TP.HCM về việc mua và nhập khẩu vắc xin. Công tác tổ chức thực hiện, truyền thông cần tránh tình trạng tranh mua, đẩy giá vắc xin lên cao.
Ảnh minh họa. |
Về việc triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19, Chính phủ đã có Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 trong đó có nội dung về việc khuyến khích các đơn vị đủ điều kiện tổ chức tiêm chủng tự nguyện cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm cấp phép, kiểm định, quản lý chất lượng vaccine theo quy định; chỉ đạo, hướng dẫn việc tiêm chủng theo tiến độ yêu cầu, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Trước đó, UBND TP.HCM đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ trong đó nêu rõ: Hiện TP.HCM có trên 7,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên; có trên 1,6 triệu công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, tập đoàn trong các khu công nghiệp.
Tuy nhiên đến nay TP.HCM mới nhận được 140.000 liều vắc xin phòng Covid-19 và triển khai tiêm phòng mũi 1 cho hơn 64.000 người và hơn 10.000 người tiêm đủ 2 mũi.
Để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng với trên 70% dân số TP.HCM được tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian sớm nhất thì việc mua vắc xin phòng Covid-19 là vấn đề cấp bách.
UBND TP.HCM đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố được chủ động đàm phán tìm nguồn vắc xin từ các nhà sản xuất, phân phối có uy tín trên thế giới, được nhập khẩu hoặc thuê các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc xin để nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 về Việt Nam.
Sau khi vaccine được Bộ Y tế cấp phép, nhập khẩu về Việt Nam và được kiểm dịch đảm bảo chất lượng, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được ký hợp đồng thuê các đơn vị có chức năng tiêm chủng triển khai việc tiêm vắc xin cho toàn thể cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, chất lượng, giá dịch vụ tiêm chủng theo hợp đồng thỏa thuận giữa doanh nghiệp và đơn vị tiêm chủng.
Hồng Hạnh