- Nghị quyết Chính phủ phiên họp thường kỳ tháng 4 nêu rõ, việc phân công cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương, giữ nguyên việc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp như quy định hiện hành.
Chính phủ giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Đồng thời, chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực vào ngày 1/7.
Trước đó, hai Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ GD-ĐT cùng lấy ý kiến đóng góp cho hai dự thảo thông tư có phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng không khác nhau là mấy.
Cụ thể, ngày 10/2, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa lên mạng lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo thông tư thứ nhất có tên “Quy định về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền thành lập, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia tách, giải thể, đổi tên, thay đổi địa điểm đào tạo đối với trường CĐ, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và phân hiệu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.
Ngay sau đó, ngày 17/3, Bộ GD-ĐT cũng đưa lên mạng lấy ý kiến cho dự thảo thông tư thứ hai có tên “Quy định điều kiện, hồ sơ và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia tách, giải thể trường CĐ”.
Trong dự thảo thông tư của Bộ GD-ĐT quy định thẩm quyền ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường CĐ thuộc bộ trưởng Bộ GD-ĐT, còn theo dự thảo thông tư Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì thẩm quyền đó thuộc bộ trưởng Bộ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Nguyễn Hiền